09/01/2025

Vị tướng nặng lòng với Trường Sa

Có một vị bác sĩ rất đặc biệt: 25 năm nay ông gắn bó với Trường Sa, thuộc từng gốc cây, ngọn cỏ và biết từng đứa nhỏ sinh ra và lớn lên ở đây.

 

Vị tướng nặng lòng với Trường Sa

Có một vị bác sĩ rất đặc biệt: 25 năm nay ông gắn bó với Trường Sa, thuộc từng gốc cây, ngọn cỏ và biết từng đứa nhỏ sinh ra và lớn lên ở đây. 

 

 

 

Vị tướng nặng lòng với Trường Sa
Thiếu tướng – bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn tặng quà tết cho trẻ em trên đảo Trường Sa Lớn – Ảnh: CTV

“Hơn 2 năm qua, số tiền thu được từ việc bán đĩa nhạc khoảng 3 tỉ đồng, tôi dùng mua trang thiết bị cho Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa. Đến nay đã mua được rất nhiều máy móc rồi”

Thiếu tướng NGUYỄN HỒNG SƠN

Ông viết nhạc về Trường Sa, bán đĩa được gần 3 tỉ đồng để mua trang thiết bị y tế cho đảo thân thương này.

Ông là thiếu tướng – PGS.TS.BS NGUYỄN HỒNG SƠN – giám đốc Bệnh viện Quân y 175. Cũng có thể gọi ông là người thai nghén Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa – sẽ được khánh thành trong 1-2 ngày tới đây.

Dịp này, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với vị tướng – bác sĩ tài hoa này.

Nặng lòng với Trường Sa

* Một bác sĩ, lại là một vị tướng mà viết nhạc, rồi bán đĩa được gần 3 tỉ đồng để sắm thiết bị y tế cho Trường Sa là điều rất thú vị. Thưa thiếu tướng, ông có thể chia sẻ câu chuyện này?

– Biết tôi có nhiều bài hát về Trường Sa nên bạn bè bảo sao không làm một đĩa nhạc về Trường Sa. Thế là tôi xuất bản một đĩa nhạc gồm 8 ca khúc về Trường Sa, do tôi cùng một số bạn bè viết lời, viết nhạc.

Có đĩa rồi, tôi nghĩ: tặng, cho hay phát? Thôi thì thử bán xem sao, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Được 1 đồng hay 5 đồng thì mua cái chổi cho bệnh xá cũng tốt. May mắn là được nhiều người vừa mua vừa ủng hộ. Có người mua đĩa với giá vài chục triệu đồng. Xúc động lắm! Đó là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc vì Trường Sa.

Hơn 2 năm qua, số tiền thu được từ việc bán đĩa nhạc khoảng 3 tỉ đồng, tôi dùng mua trang thiết bị cho Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa. Đến nay đã mua được rất nhiều máy móc rồi.

* Hẳn ông có tình cảm rất đặc biệt với quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc?

– Có những câu chuyện cứ nhắc đến là xúc động. Đó là mỗi lần tôi ra đảo, trẻ con ngoài đó lại reo lên: “Ông Sơn, ông Sơn ra!”. Tình cảm ấy là điều hạnh phúc hơn cả.

Những ai ở Trường Sa đều biết đến hình ảnh đồng hồ cát. Đồng hồ cát ở đó chính là doi cát được sóng và gió tạo nên ở một số đảo nổi. Những doi cát này biến đổi theo mùa. Đến khi doi cát quay về đúng vị trí cũ thì những người lính biết rằng một năm đã 
trôi qua.

Một năm, một người lính trẻ ôm súng gác ở Trường Sa có biết bao xung đột tâm lý, nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ bạn bè, người yêu, những khao khát, ước mơ… Đó là một phần cảm xúc để tôi viết ra ca khúc Đồng hồ cát và phần lời ca khúc được viết trên ý tưởng bài thơ về đồng hồ cát của đại tá Đoàn Vũ Vinh, chánh văn phòng Bộ tư lệnh hải quân.

* Thưa thiếu tướng, Trường Sa trong tâm trí ông: một vị tướng, một bác sĩ, một người lính như thế nào?

– Như lời ca khúc Sức sống Trường Sa: “Màu xanh Trường Sa xen giữa phong ba bàng vuông…”. Trường Sa là sức sống, đẹp tuyệt vời. Giữa đại dương bao la nổi lên màu xanh của lá, của sự sống, bên cạnh những tán lá bàng vuông là bầu bí, là mướp trên giàn… Rồi những mái ngói đỏ tươi, tiếng học vần ê a trong trẻo của những em thơ.

Ban đêm, cả một hòn đảo lung linh, nhìn từ trên xuống như một cung điện nên tôi viết: “Màn đêm chớm buông, Trường Sa sáng lung linh giữa đại dương”. Đó là sức sống, là sự vươn lên 
của đảo.

Đặc biệt, sự ra đời của 2 bé sinh mổ trên đảo là Nguyễn Ngọc Trường Xuân và Thái Bình Hải Thuỳ. Y học đã vươn ra đảo xa của Tổ quốc và những em bé này có một niềm tự hào: tờ giấy khai sinh có nơi sinh là Trường Sa. Trường Sa như không còn
xa nữa.

Và chúng ta mong rằng vùng biển biên ải của Tổ quốc mãi mãi là vùng biển yên bình.

Bệnh nhân là 
thầy của bác sĩ

* Thưa ông, hẳn từ nhỏ ông đã mơ ước trở thành một bác sĩ quân y?

– Thật ra trước đây tôi không thích ngành y. Cậu bé 15-16 tuổi là tôi ngày ấy mong trở thành kiến trúc sư, thành thủy thủ lênh đênh trên biển đi khắp nơi trên thế giới, thành một nhà ngoại giao. Có khi lại muốn trở thành một nghệ sĩ.

Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra khi tôi sắp tốt nghiệp phổ thông. Tháng 3-1979, một cuộc tổng động viên rất lớn trên toàn quốc. 17 tuổi, tôi vào quân ngũ. Tôi trúng tuyển vào trường 
quân y.

Học đến năm thứ 3, tôi vẫn cảm thấy không thích ngành y vì thấy nó… yếu yếu, do ngày ấy các bạn nữ học y nhiều hơn. Sang năm học thứ 4, lần đầu tiên được tham gia mổ cho một bệnh nhân thành công, tôi hạnh phúc nghĩ “à, thì ra mình cũng có giá trị đấy chứ”. Và tôi bắt đầu say mê.

Tôi được đi nhiều bệnh viện và được ra chiến trường. Sống trong cái đói, cái rét cắt da thịt, bom đạn khốc liệt, nhìn bạn bè, đồng đội hi sinh, tôi hiểu rằng chiến trường đang rất cần những bác sĩ. Lúc đó tôi chỉ suy nghĩ làm thế nào cứu được bệnh nhân nhiều nhất và quên hết mọi sợ hãi.

* 40 năm là một bác sĩ quân y, ông tâm niệm điều gì nhất?

– Nikolai Pirogov, nhà phẫu thuật đại tài của Nga, có nói một câu rất hay: “Cái giá của một phẫu thuật viên phải trả bằng cả một nghĩa địa”. Khi trở thành bác sĩ thì phải trải qua rất nhiều bài học từ thực tiễn, trong đó những thương bệnh binh, bệnh nhân đã cho tôi rất nhiều kiến thức để trở thành một thầy thuốc. Đó là những kinh nghiệm quý giá vô cùng.

Trong cuộc đời làm bác sĩ, lúc nào tôi cũng tâm niệm phải cảm ơn và mang ơn người bệnh.

* Trong tương lai, ông còn 
trăn trở gì?

– Trong tương lai, Bệnh viện 175 là một quần thể y học, hậu phương vững chắc cho Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ cán bộ chiến sĩ, nhân dân, ngư dân trên vùng biển.

Khi Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đi vào hoạt động, tôi chỉ mong có đầy đủ trang thiết bị tốt, hiện đại để chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho bà con. Tôi cũng sẽ đề nghị trao cho bà con thẻ bảo hiểm y tế để họ yên tâm hơn khi đi biển đánh bắt.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng không chỉ các bác sĩ quân y, mà các bác sĩ ở tất cả các bệnh viện có thể cùng phối hợp chăm sóc sức khoẻ cho bà con vùng biển đảo. Đó cũng là cơ hội để trải nghiệm và hiểu hơn về ý nghĩa, sự thiêng liêng của hai tiếng Tổ quốc.

Trung tâm y tế giữa trùng khơi

Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà) là công trình do báo Tuổi Trẻ và Bệnh viện Quân y 175 phối hợp thực hiện.

Trong đó cán bộ, nhân viên và bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp 25 tỉ đồng cùng vốn đối ứng của Quân chủng Hải quân.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho biết: việc có một trung tâm y tế với thiết bị hiện đại giữa Trường Sa có ý nghĩa rất lớn. Cán bộ, chiến sĩ canh giữ biển đảo của Tổ quốc, người dân sinh sống làm ăn trên đảo, người dân vươn khơi bám biển sẽ không còn đơn độc vì luôn có lực lượng y bác sĩ ngày đêm bảo vệ, chăm sóc.

25 năm trước, tổ quân y đầu tiên (của Bệnh viện 175) gồm 3 người ra đảo với muôn trùng gian khổ. Từ đó đến nay đã có hàng trăm lượt y, bác sĩ ra Trường Sa làm nhiệm vụ.

Đến năm 2007, hệ thống y khoa trực tuyến Telemedicine đưa vào sử dụng đã đánh dấu một bước phát triển mới, thay đổi căn bản chất lượng điều trị cho quân và dân trên đảo. Cũng nhờ hệ thống này mà các bác sĩ trên đảo cảm thấy không đơn độc và yên tâm hơn khi có đồng nghiệp từ đất liền hỗ trợ.

“Và 5 năm qua không có bệnh nhân tử vong trên đảo. Đó là một thành công lớn” – thiếu tướng quân y Nguyễn Hồng Sơn nói.

Hồn đất quê nhà đã đến Trường Sa

Vị tướng nặng lòng với Trường Sa
Chuyển đất thiêng lên tàu 996 của Quân chủng Hải quân cho hành trình “Đất thiêng gửi Trường Sa” - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng nay 25-5, tàu 996 sẽ cập cầu tàu đảo Trường Sa. Đoàn công tác của báo Tuổi Trẻ và Bệnh viện 175 ngoài khánh thành Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa còn thực hiện chương trình “Trường Sa xanh”, bằng việc trồng cây xanh trên đảo Trường Sa và đảo Phan Vinh A.

Đặc biệt, lần đầu tiên đất thiêng từ khắp mọi miền sẽ hoà vào đất Trường Sa. Chương trình “Đất thiêng gửi Trường Sa” được báo Tuổi Trẻ phối hợp với lực lượng quân đội, biên phòng, các trường đại học, tỉnh thành đoàn, ban quản lý các khu di tích lịch sử… thực hiện.

Theo đó, đất thiêng đã được tiếp nhận từ đền Hùng Phú Thọ, lăng Bác, biên cương Lũng Cú, đồi A1 Điện Biên Phủ lịch sử, từ dải Trường Sơn, cố đô Huế, đất thép thành đồng Củ Chi và từ đất mũi Cà Mau cực Nam Tổ quốc.


NGỌC LOAN – MINH PHƯỢNG