09/01/2025

Tổng chủ biên chương trình giáo dục mới: Góp ý đúng, sẽ tiếp thu

GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, chia sẻ với Tuổi Trẻ về những điểm mà ban soạn thảo chương trình sẽ tiếp thu dựa trên các góp ý vừa qua.

 

Tổng chủ biên chương trình giáo dục mới: Góp ý đúng, sẽ tiếp thu

 GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, chia sẻ với Tuổi Trẻ về những điểm mà ban soạn thảo chương trình sẽ tiếp thu dựa trên các góp ý vừa qua.

 

 

 

Tổng chủ biên chương trình giáo dục mới: Góp ý đúng, sẽ tiếp thu
GS Nguyễn Minh Thuyết – Ảnh: NG.KHÁNH

Đồng thời, GS Thuyết cũng sẽ trao đổi lại với những ý kiến mà theo ông cần “nói lại cho rõ” xung quanh dự thảo chương trình.

Triết lý giáo dục là thực học – thực nghiệp – dân chủ

* Có không ít ý kiến cho rằng chương trình lần này vẫn chưa đưa ra được triết lý giáo dục rõ ràng, vì thế việc xây dựng chương trình bị rối và thiếu thuyết phục…

– Triết lý giáo dục của chương trình mới lần này là thực học – thực nghiệp và dân chủ. Triết lý này theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông..

Theo đó, chương trình giáo dục sẽ hướng tới việc học đi đôi với hành, gắn với thực tiễn cuộc sống. Thay vào chỗ nặng về cung cấp kiến thức, chương trình chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất người học, phương pháp tổ chức dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục, trải nghiệm.

* Vậy yếu tố “dân chủ” thể hiện như thế nào ở dự thảo chương trình?

– Thể hiện ở một chương trình thiết kế mở. Trong đó người học được lựa chọn môn học theo năng lực, sở thích, theo định hướng nghề nghiệp. Điều này thể hiện rõ nhất là ở bậc THPT.

Dân chủ cũng thể hiện trong việc thay đổi các tổ chức dạy học, giáo dục, khi học sinh là người chủ động thực hiện, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn.

Dân chủ cũng thể hiện ở quyền của các địa phương, nhà trường trong việc xây dựng nội dung dạy học địa phương, xây dựng kế hoạch giáo dục trong mỗi nhà trường.

Lần đầu tiên, kể từ trước tới nay, chương trình giáo dục phổ thông không quy định số tiết tối thiểu phải thực hiện trong tuần, mà chỉ quy định số tiết học trong năm học đối với từng môn học.

Chương trình cũng trao quyền tự chủ, linh hoạt cho các nhà trường.

Liệu cơm gắp mắm

* Trong nội dung tiếp thu góp ý của Bộ GD-ĐT, chủ yếu là điều chỉnh về hệ thống môn học. Với điều chỉnh này, mục tiêu giáo dục đối với mỗi bậc học có thay đổi?

– Mục tiêu chung thì không thay đổi, nhưng chúng tôi có điều chỉnh về mức độ và tiến độ trong thiết kế hệ thống môn học.

Ví dụ, môn thế giới công nghệ sẽ không đưa vào lớp 1 mà tới lớp 4 học sinh mới được tiếp cận. Chúng tôi muốn học sinh sớm tiếp cận với công nghệ, xoá khoảng cách về trình độ công nghệ thông tin giữa các vùng miền. Nhưng trên thực tế những nơi cần đẩy mạnh trình độ công nghệ thông tin thì điều kiện dạy học lại thiếu.

Hay việc thiết kế chương trình tiểu học cho hai buổi/ngày là cập nhật với quốc tế, nhưng điều kiện ở nhiều địa phương chưa cho phép thực hiện điều này, nên chúng tôi phải điều chỉnh để những nơi chỉ học năm buổi/tuần cũng có thể đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của chương trình.

Nói chung là liệu cơm gắp mắm. Lựa chọn một số môn học quan trọng thực hiện đổi mới mạnh mẽ trước, một số môn học khác thì phải dần dần điều chỉnh, bổ sung.

* Theo nhiều góp ý, điều kiện để thực hiện tốt chương trình giáo dục mới, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên còn là việc cải tiến cơ chế, môi trường làm việc… GS suy nghĩ gì về điều này?

– Tôi cũng nghĩ như vậy. Để chương trình vận hành tốt, có hiệu quả thì còn rất nhiều việc phải làm. Những vấn đề này chúng tôi chỉ có thể đề xuất với Bộ GD-ĐT, chứ không thể đưa vào chương trình được.

Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm nghiên cứu thay đổi một số quy định, đề xuất với Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị tốt các điều kiện. Đây không phải là việc có thể làm ngay được. Ví như sửa đổi điều lệ trường học cũng phải kéo dài 1-1,5 năm.

Phân hóa mạnh ở THPT

* Nhiều ý kiến cho rằng tính hướng nghiệp sau THCS của chương trình không thấy rõ nét, GS có thể giải thích thêm về điều này?

– Phải chờ tới khi chương trình bộ môn được thiết kế xong thì tính hướng nghiệp ở THCS mới có thể nhìn thấy rõ hơn trong tất cả các môn học. Tuy vậy, cũng cần phải nói rõ quan điểm của người xây dựng chương trình, là việc phân luồng sau THCS chỉ là hướng nghiệp lần 1 ở mức đơn giản.

Đó là bước đầu để học sinh có những hình dung sơ lược về nghề nghiệp tương lai và có những năng lực, kỹ năng cơ bản qua các môn học, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, hoạt động trải nghiệm sáng tạo…

Sự phân hoá, hướng nghiệp mạnh hơn phải ở lần 2, khi học sinh học lên THPT.

* Nói như GS thì học sinh sẽ gần như chỉ có một con đường thẳng là từ THCS lên THPT, nhánh đi học nghề sau THCS sẽ rất hạn hẹp…

– Điều này cũng thể hiện thực tế là ngoài một số học sinh tuỳ theo năng lực, điều kiện, có thể chuyển sang học nghề ngay sau THCS, còn đa số các em có nhu cầu học lên THPT rồi mới phân hóa, hướng nghiệp rõ hơn.

Nhưng có những quốc gia phát triển, như Đức, việc phân luồng mang tính cưỡng bức. Theo đó, học sinh sau khi học xong lớp 6, tuỳ theo kết quả học tập khác nhau, bắt buộc phải đi theo những nhánh khác nhau như học nghề, hoặc tiếp tục học lên cao để thi đại học.

Tuy nhiên xu thế này không có nhiều quốc gia ủng hộ, cá nhân tôi cũng không ủng hộ, vì có những học sinh phải đến 16-17 tuổi mới bộc lộ năng lực, sở thích, nhu cầu lựa chọn nghề nghiệp.

* Nhưng có ý kiến cho rằng khi kết thúc THCS là xong giai đoạn giáo dục cơ bản, THPT nên chuyển sang giai đoạn phân hoá, hướng nghiệp, việc để một năm lớp 10 học “dự hướng” là không phù hợp?

– Chương trình vẫn xác định sang THPT là phân hoá, định hướng nghề nghiệp. Nhưng do lên tới bậc THPT thì một số môn mới tách độc lập, nên cần có một năm hệ thống lại kiến thức cơ bản của các môn học, có thời gian cho học sinh lựa chọn môn học cần thiết để bước vào giai đoạn học phân hoá cao hơn.

* Tới thời điểm này GS vẫn cho rằng có thể thực hiện chương trình giáo dục mới từ năm 2018, trong đó thực hiện đại trà ở lớp 1?

– Với tư cách là tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi chỉ có thể đảm bảo hoàn thành chương trình, bao gồm cả chương trình tổng thể và chương trình môn học như quy định. Còn việc thực hiện đúng lộ trình đề ra hay không là do cơ quan quản lý nhà nước quyết định, trên cơ sở xem xét thấy có đủ điều kiện thực hiện.

Tuy nhiên, nếu Quốc hội quyết lùi thời hạn thực hiện thì tôi nghĩ cũng tốt, càng có thời gian chuẩn bị tốt hơn.

“Yêu cầu đổi mới chương trình là việc cấp bách phải làm. Việc này khó cầu toàn, mà chỉ có thể chuẩn bị các điều kiện tối thiểu, rồi vừa thực hiện vừa tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, điều kiện thực hiện”

GS.TS NGUYỄN MINH THUYẾT

VĨNH HÀ thực hiệ