Báo động người trẻ uống thuốc thay cơm
Giới nghiên cứu cảnh báo tình trạng sử dụng vô tội vạ các loại thuốc bổ, vitamin kết hợp với thuốc giảm cân sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Báo động người trẻ uống thuốc thay cơm
Giới nghiên cứu cảnh báo tình trạng sử dụng vô tội vạ các loại thuốc bổ, vitamin kết hợp với thuốc giảm cân sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội, đặc biệt là các trang chia sẻ hình ảnh, cũng như áp lực so sánh với bạn bè, nhiều người trẻ ngày càng bị ám ảnh về duy trì vóc dáng theo tiêu chuẩn “thời thượng”.
Bên cạnh đó, những “bí quyết giảm cân, sống khoẻ ” tràn lan trên mạng càng khiến họ lao vào kiêng cữ phản khoa học và dần dần lâm vào nghiện các loại thuốc giảm cân, viên bổ sung và thực phẩm chức năng.
TIN LIÊN QUAN
Cậu học trò chế ‘cánh tay robot’ đoạt giải 3 ở Mỹ vừa về đến Việt Nam
Phạm Huy, cậu học sinh chế cánh tay robot bị Mỹ từ chối cấp thị thực và rồi bất ngờ đạt giải 3 tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế do Intel tổ chức (Intel ISEF) tại Mỹ đã vừa về tới VN…
Thuốc thay thực phẩm
Đối với một bộ phận không nhỏ giới trẻ, đặc biệt là nữ, thuốc giảm cân và sản phẩm chức năng được xem là “thần dược”. Trong các hội kín trên Facebook hay diễn đàn, các cô gái truyền nhau những loại thuốc được quảng cáo là có thể thay thế thực phẩm thật để “vừa giảm mỡ vừa duy trì dinh dưỡng”. Tiffany Ng là một ví dụ điển hình. Lớn lên trong gia đình gốc Việt ở Malibu, nơi có nhiều bãi biển nổi tiếng nhất bang California (Mỹ), cô khát khao một làn da rám nắng và thân hình thon gọn để có thể tung tăng trong bộ bikini với bạn bè.
Như nhiều cô gái đồng trang lứa khác, Tiffany nhuộm nâu làn da, uống thuốc thay cơm từ năm 16 tuổi. Ba lần trong ngày, vào giờ ăn, cô lại nốc một bụm to đủ loại thuốc cung cấp vitamin và khoáng chất đã được cô tính toán là “đủ chất dinh dưỡng cần thiết”.
Nếu cảm thấy thân hình chưa gọn, cô gái trẻ lại uống thêm thuốc giảm cân, bất chấp sự lo lắng của người thân, và hiếm khi nào cùng ngồi ăn với gia đình.
Xu hướng nhịn ăn và sống nhờ vào đủ loại thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân cũng phổ biến trong giới những người nổi tiếng như Kim Kardashian và Sam Faier. Trang AOL dẫn lại câu chuyện đời thực của Tia Mowry, từng là diễn viên nhí đắt show và đóng chính trong loạt phim truyền hình được yêu thích Sister, Sister bên cạnh chị em song sinh Tamera. “Dù tôi không thấy mình béo nhưng vẫn cảm thấy luôn bị áp lực phải xuất hiện trên ti vi một cách hoàn hảo, thật gợi cảm”, Mowry kể. Thế là cô bắt đầu uống thuốc thay cơm khi vẫn còn ở độ tuổi teen.
“Tôi có gầy đi nhưng nhịp tim tăng nhanh và lúc nào cũng thấy mệt mỏi, bất an”, cô thú nhận. Đó là chưa kể những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng thường “chia sẻ bí quyết” về các loại thuốc và càng khiến các cô gái trẻ tin theo.
Nguy hiểm khôn lường
Theo tờ The Telegraph, các tổ chức dinh dưỡng và y tế đang ra sức báo động về tình trạng này. Giới chuyên gia đã chứng minh thuốc giảm cân có các tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí những loại do bác sĩ chỉ định cũng có thể mang đến các phản ứng phụ không mong muốn. Nghiêm trọng hơn, họ cảnh báo những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, thậm chí có thể chứa cả thuốc trừ sâu. Theo các bác sĩ, lạm dụng thuốc giảm cân có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến dạ dày, thậm chí dẫn đến tử vong.
Kết quả phân tích cho thấy thuốc giảm cân thường chứa những chất như phentermine, orlistat và sibutramine. Những hợp chất này có thể khống chế cân nặng bằng cách can thiệp vào các chức năng bình thường của cơ thể, kèm theo các phản ứng phụ như làm tăng nhịp tim, gây ngất xỉu, chảy máu bất thường và truỵ tim. Đài Fox News dẫn thông tin từ Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cho biết thêm 69 loại thuốc giảm cân khác nhau có thể gây co giật và đột quỵ.
TIN LIÊN QUAN
Bên cạnh uống nhiều cà phê, các loại nước tăng lực và lo lắng chuyện tiền bạc thì cô đơn cũng là nguyên nhân khiến nhiều thanh niên rối loạn giấc ngủ.
Mặt khác, theo các chuyên gia, đến nay chưa có loại thực phẩm chức năng, viên bổ sung hay vitamin nào có thể hoàn toàn thay thế được thực phẩm. Dù uống đúng những loại được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thì về lâu dài, nếu phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc sẽ dẫn tới thiếu chất nghiêm trọng, gây rối loạn hormone và ảnh hưởng đến tăng trưởng lành mạnh ở những người vẫn còn trong giai đoạn phát triển.
Báo cáo của Tổ chức Nhi khoa Canada nhấn mạnh: “Ở trẻ đang lớn và thanh thiếu niên, thiếu hụt trong tiếp nhận năng lượng có thể làm giảm đà tăng trưởng”. Về lâu dài, việc lạm dụng cùng lúc thuốc giảm cân, vitamin, thực phẩm chức năng và thêm thuốc tăng cơ ở những người tập gym có thể tác động xấu đến quá trình mang thai, sinh con và sức khoẻ của thế hệ sau, ảnh hưởng đến cả giống nòi.
Thuỵ Miên