10/01/2025

‘Nhìn giáo dục đại học mà nóng ruột’

Giáo sư NGUYỄN VĂN TUẤN (ĐH New South Wales, Úc) cảm thán như thế sau thời gian nghiên cứu về giáo dục đại học ở Việt Nam.

 

‘Nhìn giáo dục đại học mà nóng ruột’

Giáo sư NGUYỄN VĂN TUẤN (ĐH New South Wales, Úc) cảm thán như thế sau thời gian nghiên cứu về giáo dục đại học ở Việt Nam.

 

 

 

'Nhìn giáo dục đại học mà nóng ruột'
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – Ảnh: T.L.

Nhân dịp về nước tìm hiểu về giáo dục đại học, giáo sư Tuấn đã dành cho phóng viên Tuổi Trẻ 
một cuộc trò chuyện.

Nhiều đại học chưa thực sự là đại học

* Thưa giáo sư, nghiên cứu về giáo dục đại học nước ta trong thời gian qua, đâu là điều khiến ông băn khoăn nhất?

– Hệ thống đào tạo tiến sĩ. Bởi vì nói đến đại học là nói đến tính kế thừa. Hiện chúng ta có rất nhiều tiến sĩ nhưng số người làm trong đại học lại không bao nhiêu. Chỉ khoảng 15% giảng viên đại học là tiến sĩ. Trong khi ở Thái Lan con số này là 25%. Thành ra chuyện đào tạo tiến sĩ kế thừa để giảng dạy đại học là vấn đề quan trọng.

Nếu để chương trình đào tạo tiến sĩ có vấn đề về chất lượng như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều thế hệ sau. Chẳng hạn một người làm tiến sĩ xong, nhiều người thấy làm tiến sĩ dễ quá nên cũng làm giống như vậy. Rồi tiến sĩ này sẽ trở thành người thầy, đào tạo ra một thế hệ “dở” nữa sau này.

Chính phủ cũng nhận ra vấn đề này từ lâu, nên gần đây đã ban hành những quy định mới về đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, những quy định mới cũng có vài bất cập, dù đã tiến bộ so với trước đây.

* Trong cuốn sách Chất lượng giáo dục đại học nhìn từ góc độ hội nhập của giáo sư có nhận định nhìn chung nhiều đại học ở nước ta hiện nay chưa thực sự là đại học theo lý tưởng và mô hình hiện đại.

– Nhiều đại học ở ta chưa phải là đại học đúng nghĩa bởi chưa phải là trung tâm văn hóa, khoa học, học thuật và tri thức. Thứ nhất, đại học không chỉ là trung tâm đào tạo ra nhân lực chất lượng cao mà còn là trung tâm văn hóa và khoa học.

Ở nước ngoài, đại học là cái nôi của các nhà văn hóa và khoa học; giáo sư thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng để bàn về những vấn đề văn hoá, xã hội, chính sách. Họ còn phục vụ trong các hội đồng cố vấn cho chính phủ và doanh nghiệp lớn. Vì vậy, nhiều đại học của chúng ta chưa phải là đại học.

Thứ hai, vô nhiều trường đại học ở ta, tôi ít thấy có những sinh hoạt học thuật đúng nghĩa như những hội đoàn độc lập cho sinh viên tranh luận. Sinh viên đi học xong rồi về nhà. Có người ví đại học Việt Nam như là trường cấp 4 là vì thế!

Thứ ba, đại học là phải khai phóng, phải đặt vấn đề dưới nhiều góc độ. Cuối cùng là thư viện trường đại học. Thư viện đại học ở ta sách vở quá nghèo nàn, làm việc theo giờ hành chính. Còn thư viện đại học nhiều nước mở tới gần nửa đêm. Nhiều thư viện của mình chưa xứng đáng là thư viện trường đại học.

* Giáo sư cũng cho rằng đại học phải thu hút sinh viên quốc tế?

– Một đại học hiện đại không chỉ thu hút sinh viên mà cả giảng viên quốc tế nữa. Một số trường đại học ở Singapore, hơn 30% giảng viên là giáo sư quốc tế. Thật ra, tỉ lệ sinh viên và giảng viên quốc tế là một tiêu chuẩn trong các bảng xếp hạng đại học.

Tri thức quyết định 
sự phát triển quốc gia

* Giáo sư thường nhắc đến kinh tế tri thức. Vậy ông đánh giá thế nào về nền kinh tế tri thức của nước ta hiện nay?

– Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn thấp về các chỉ số tri thức. Khi tôi phân tích mối liên hệ giữa sản phẩm khoa học và kinh tế tri thức mới nhận ra trong khối ASEAN chia thành bốn nhóm: cao nhất là Singapore (về chỉ số kinh tế tri thức và sản phẩm khoa học); thứ hai là Malaysia và Thái Lan. 

Nhóm thứ ba là Việt Nam, Indonesia, Philippines. Và thứ tư là Lào, Campuchia, Myanmar. Hiện tại chúng ta vẫn còn thấp hơn Thái Lan, Malaysia và so với Singapore chúng ta còn quá thấp. Đó là so với trong vùng chứ chưa phải trên thế giới.

* Trong nền kinh tế tri thức, đại học đóng vai trò như thế nào đến việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thưa giáo sư?

– Chỉ cần nhìn qua Hàn Quốc hay Singapore, chúng ta sẽ thấy đại học là một cỗ máy của nền kinh tế quốc gia. Tại sao vậy? Bởi vì đại học là trung tâm sản xuất ra tri thức mới qua nghiên cứu khoa học và là trung tâm chuyển giao công nghệ.

Còn đại học của chúng ta bây giờ chưa phải là cỗ máy của nền kinh tế tri thức, vì chủ yếu là đào tạo chứ chưa hẳn là nghiên cứu khoa học. Hiện nay, mỗi năm các đại học Việt Nam công bố được khoảng 1.400 bài báo khoa học quốc tế nhưng gần 80% trong số đó là do hợp tác với nước ngoài chứ không phải do nội lực.

* Như vậy, hàm lượng tri thức trong nền kinh tế của nước ta còn thấp là do yếu kém từ nghiên cứu khoa học tại các đại học?

– Đúng vậy. Trên thước đo từ 0 đến 10, chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam là 3,4; chỉ số tri thức là 3,6; chỉ số giáo dục là 2,99; chỉ số sáng tạo là 2,75. Chúng ta chỉ đứng trung bình về chỉ số công nghệ thông tin (5,05), chủ yếu là nhờ Samsung và dùng điện thoại di động nhiều.

Mỗi năm Việt Nam chỉ công bố khoảng 3.500 bài báo quốc tế trong khi Thái Lan cao hơn Việt Nam gần 2,5 lần, Malaysia cao hơn Việt Nam gần 4 lần. Cách đây 20 năm, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia không khác nhau mấy về 
công bố khoa học.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn

* Trong một bài báo về Việt Nam trên New York Times, phóng viên Seth Mydans nhận xét Việt Nam có nguồn nội lực rất lớn chưa được khai thác, đó là con người Việt Nam. Nếu được khai thác, Việt Nam phải làm cho các nước châu Á khác phải hổ thẹn. Giáo sư nghĩ gì về nhận xét ấy khi đưa câu chuyện vào nhiều bài viết của mình?

– Phóng viên Seth Mydans nhìn thấy thành công của sinh viên Việt Nam ở nước ngoài và qua hình ảnh đó nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam. Phóng viên này có viết rằng nếu Việt Nam mở cửa và có cơ chế trọng dụng người tài thì sẽ làm cho các nước trong vùng hổ thẹn.

Do đó, tôi rất tâm đắc với câu nói trên. Ông Lý Quang Diệu – cố thủ tướng Singapore – cũng đã từng nói một câu giống như vậy. Khi thấy sinh viên Việt Nam học ở Singapore toàn đạt điểm cao, ông Diệu nói đại ý: “Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Bởi vì con người Việt Nam rất độc đáo”.

Tôi xin nói về kinh nghiệm cá nhân của tôi: Những năm tôi học ở nước ngoài, “đối thủ” cạnh tranh lợi hại nhất về mặt học hành với tôi là những sinh viên gốc Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Do Thái.

Còn những “đối thủ” như Malaysia, Thái Lan không đáng gờm (cười). Khi ra ngoài, sinh viên Việt Nam thành công vượt bậc so với Thái Lan và Malaysia. Việt Nam có tiềm năng rất cao. Nếu môi trường học thuật trong nước được mở rộng, cởi mở thì sẽ phát triển thôi.

* Theo giáo sư, cần làm gì để đại học nước ta vượt qua ba thách thức lớn là thu hút nhân tài, mở rộng học thuật và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học?

– Thứ nhất, cần phân tầng lại một số đại học theo kiểu đại học nào là nghiên cứu, đại học nào là đào tạo. Thứ hai, các trường cần được tự chủ hơn trong tuyển sinh, tuyển giáo sư và quyết định ngân sách. Thứ ba là về nhân sự. Nếu nói đại học quốc tế phải có đội ngũ giảng viên quốc tế, trong khi với cơ chế của ta hiện nay thì ngay cả Việt kiều cũng ngại 
tham gia.

Cuối cùng, muốn có bứt phá trong nghiên cứu khoa học phải thay đổi từ khâu xét duyệt đề tài và cấp kinh phí nghiên cứu. Đây là khâu nhiều người kêu ca nhất ở Việt Nam. Rất nhiều người “sợ” đi xin tài trợ vì đương đầu với những hội đồng xét duyệt không có chuyên môn nhưng lại quyết định công trình của mình. Nhiều người trẻ thấy vậy cũng ngại nghiên cứu. Phải cải cách ngay từ đó.

Muốn thành công không thể là người trung bình

* Ra nước ngoài, phấn đấu đi từ một anh phụ bếp để trở thành giáo sư danh tiếng như hôm nay, giáo sư chia sẻ gì với những bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời?

– Tôi nghĩ nếu muốn thành công không thể làm người trung bình được. Phải phấn đấu hơn mọi người, không chỉ làm việc thông minh hơn mà còn làm nhiều hơn. Làm gì cũng phải có đam mê, có hoài bão. Hoài bão rất quan trọng.

Ở trường, tôi thường hỏi các em sinh viên trong 5 năm tới sẽ làm gì? Nhiều bạn trẻ trả lời sẽ trở thành giáo sư, lập doanh nghiệp khoa học, hay học thêm. Tôi thích câu trả lời này vì người học có định hướng rõ ràng.

Mình phải có hoài bão và theo đuổi nó. Cuộc sống sẽ có lúc thất bại nhưng đừng bao giờ nản. Nếu lúc trước tôi nản thì bây giờ vẫn làm trong nhà bếp của một bệnh viện đến bây giờ.

Một lần gặp Lý Quang Diệu

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn kể: “Khoảng 20 năm trước, tôi đến Singapore dự hội nghị. Sau khi phát biểu xong, ông Lý Quang Diệu đến hỏi: “Xin lỗi ông Nguyễn, ông chắc là người Việt Nam?”. Tôi hỏi lại sao ông biết? Ông Diệu cười: “Họ Nguyễn sao mà lầm được. Tôi rất ngưỡng mộ người Việt Nam bởi vì thấy cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thành công quá”.

Sau đó, tôi gặp một giáo sư người Singapore, ông này cũng nói đại ý rằng: “Tôi rất tự hào về Việt Nam. Việt Nam đánh thắng Mỹ, thắng Pháp mà chúng tôi không thể thắng được”. Tôi cảm ơn vị giáo sư và nói: “Nhưng nếu Việt Nam phát triển giống Singapore chúng tôi còn tự hào hơn nữa”.

Từ phụ bếp thành giáo sư

'Nhìn giáo dục đại học mà nóng ruột'
“Chất lượng giáo dục đại học nhìn từ góc độ hội nhập” (NXB Tổng Hợp TP.HCM), một trong những cuốn sách của GS Nguyễn Văn Tuấn

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn định cư tại Úc năm 1982. Những ngày mới đến Úc, ông làm phụ bếp trong Bệnh viện St Vincent’s (nơi hiện nay ông đang làm việc) để mưu sinh và kiếm tiền ăn học.

Ông hiện là giáo sư của 3 trường đại học: Khoa y Trường ĐH New South Wales, giáo sư của ĐH Công nghệ Sydney (Úc) và giáo sư của ĐH Notre Dame (Úc). Hiện nay ông công tác chính tại Viện Nghiên cứu y khoa Garvan, một viện gắn liền với ĐH New South Wales và Bệnh viện St Vincent’s, Sydney.

Ông là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học, học viện các nước và VN. Ông còn là tác giả nhiều cuốn sách khoa học, là một trong những sáng lập viên của Hội Loãng xương TP.HCM, được trao tặng nhiều giải thưởng của Hội Y học TP.HCM, Hội Nội tiết, Bộ Ngoại giao, UBND TP.HCM…


HÀ BÌNH thực hiện