29/11/2024

Người Việt ăn thường chấm chung chén nước mắm, coi chừng!

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP trong cộng đồng rất cao là do thói quen ăn uống “chung đụng”.

 

Người Việt ăn thường chấm chung chén nước mắm, coi chừng!

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP trong cộng đồng rất cao là do thói quen ăn uống “chung đụng”.

 

 

 

Người Việt ăn thường chấm chung chén nước mắm, coi chừng!
Dùng chung nước chấm hay gắp thức ăn cho nhau cùng một đũa ăn dễ lây nhiễm nhiều bệnh – Ảnh: T.T.D.

Khi ăn uống, người Việt có thói quen chỉ chấm chung một chén nước chấm, dùng đũa cá nhân của mình gắp thức ăn cho người khác để bày tỏ sự hiếu khách… Tuy nhiên, đây cũng chính là con đường lây lan vi khuẩn HP ngẫu nhiên “miệng – miệng”, thậm chí nhiễm nhiều bệnh khác.

Đừng nghĩ là việc nhỏ

Helicobacter pylori viết tắt HP là vi khuẩn sống trong dạ dày có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày – tá tràng. HP còn được xác định là nguyên nhân hàng đầu có thể gây ung thư dạ dày.

Ở các nước có nền công nghiệp chưa phát triển như nước ta, do yếu kém về điều kiện nguồn nước, thực phẩm, vệ sinh con người, tỉ lệ nhiễm vi khuẩn này chiếm đến 90% dân số.

Nếu tránh được các yếu tố nguy cơ và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhất định, chúng ta có thể giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn HP.

“Tiêu diệt” HP rất khó vì con vi khuẩn này phát sinh tính đề kháng, tức chống lại tác dụng của kháng sinh rất nhanh và phức tạp. Để đối phó với tính đề kháng rất nhanh của vi khuẩn HP, các nhà khoa học y dược luôn phải theo dõi, tìm các phác đồ điều trị mới để thay cho các phác đồ bị thất bại.

Việc điều trị HP rất khó khăn nên từ lâu người ta nghĩ đến phòng ngừa, tức không để HP lây nhiễm từ người này sang người khác. Không bị lây nhiễm thì không phải gian nan trong việc điều trị.

Vi khuẩn HP có thể có trong nước bọt, chất nôn, dịch tiết ra từ dạ dày hoặc miệng. Nguy cơ nhiễm khuẩn HP sẽ tăng nếu những chất này được đưa đến miệng hoặc cho tay vào miệng sau khi chạm vào những nơi chứa vi khuẩn.

Đối với người dân châu Á, dùng đũa ăn cơm vừa gắp thức ăn chung, vừa ăn cơm và cho thức ăn vào miệng khiến nguy cơ nhiễm HP rất cao. HP sẽ từ miệng người bị nhiễm theo đũa và cơm lây vào thức ăn khi được dùng để gắp.

Dễ nhiễm nhiều loại bệnh

Nên từ bỏ thói quen chấm chung một chén nước chấm, dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác để tỏ sự hiếu khách. Một số người còn dùng đũa “khua khoắng” hết miếng này đến miếng khác trên đĩa chung trước khi gắp được một miếng ưng ý, rồi lại dùng chính đũa của mình gắp cho người khác.

Thói quen ăn uống này tưởng như thân tình nhưng nó là con đường để vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể nhanh nhất. Bên cạnh đó, sở thích ăn uống ở hàng quán vỉa hè kém vệ sinh càng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn HP, thậm chí nhiễm nhiều bệnh lây qua đường miệng khác như viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi E.

Để hạn chế nhiễm khuẩn HP và cả sự lây nhiễm các mầm bệnh lây qua miệng trong cộng đồng, mọi người nên tập thói quen giữ vệ sinh cá nhân, tránh chung đụng trong ăn uống.

Nếu có điều kiện, nên dùng phần ăn riêng, nhất là nước chấm. Nếu món ăn bắt buộc phải dùng chung, nên để vào đó một chiếc muỗng sạch dùng chung. Múc riêng ra vào chén mình mỗi khi dùng. Không nên dùng chung ly uống nước để đảm bảo vệ sinh cho mình và cho người.

Tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, không thấm nước bọt khi đếm tiền, lật giấy…

Theo BS CK1 Đào Thị Yến Thuỷ thì dùng chung muỗng đũa dễ lây nhiễm hơn dùng chung nước chấm nguyên chất. Tuy nhiên, chung nước chấm vẫn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virút và truyền bệnh cho nhau.

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương cho biết cách tốt nhất vừa đảm bảo vệ sinh vừa tránh những bệnh lây nhiễm qua ăn uống là nên có một đôi đũa chung và một cái muỗng chung để gắp đồ ăn cho mọi người (nếu cần) cũng như múc nước mắm vô chén cá nhân của mình. Xuân Mai ghi

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC