10/01/2025

Dự án ‘5 không’ vẫn được thi công

Đó là dự án khu đô thị mới Bắc Lục Khẩu (khu A), tên thương mại là khu đô thị Vịnh Xuân Đài (P.Xuân Phú, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên).

 

Dự án ‘5 không’ vẫn được thi công

 Đó là dự án khu đô thị mới Bắc Lục Khẩu (khu A), tên thương mại là khu đô thị Vịnh Xuân Đài (P.Xuân Phú, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên).

 

 

 

Dự án '5 không' vẫn được thi công
Dự án đã tạm dừng thi công từ cuối tháng 4 đến nay, nên công nhân đã rút đi hết – Ảnh: Duy Thanh

Do nhà đầu tư làm việc và được tỉnh đồng ý cho san lấp mặt bằng trước, nên thị xã để họ làm nhằm rút ngắn thời gian thi công dự án

Ông Phạm Kiên (chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, Phú Yên)

Dự án này được UBND tỉnh Phú Yên cho phép san lấp mặt bằng khi chưa có quyết định về chủ trương đầu tư và đến khi được tạm dừng vào cuối tháng 4, chủ đầu tư chưa trình được báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ thiết kế thi công được cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt, đồng thời dự án cũng chưa được cấp phép xây dựng, cấp phép khai thác khoáng sản…

Cho san lấp khi chưa có chủ trương đầu tư

Dự án khu đô thị Vịnh Xuân Đài được UBND tỉnh Phú Yên có quyết định về chủ trương đầu tư vào ngày 25-11-2016, do Công ty TNHH một thành viên Việt Long Phú Yên (gọi tắt là Công ty Việt Long) đầu tư.

Theo đó, tỉnh Phú Yên cho nhà đầu tư san nền trên tổng diện tích 16,9ha để bán 466 lô đất ở nhà phố và biệt thự, xây dựng trung tâm thương mại cho thuê chỗ và xây trường học.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 240 tỉ đồng. Trong đó nhà đầu tư phải nộp 68 tỉ đồng tiền sử dụng đất cho Nhà nước và hỗ trợ địa phương giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng 
xã hội 10 tỉ đồng.

Mặc dù dự án đến gần cuối tháng 11-2016 mới được cấp chủ trương đầu tư nhưng theo ông Nguyễn Xuân Châu – giám đốc Công ty Việt Long, ngày 9-8-2016 UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản thống nhất với đề nghị của công ty và của Sở Xây dựng Phú Yên, cho phép san lấp đối với các khu vực đã thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng.

Đồng thời triển khai thi công lu lèn đường Lê Lợi nối dài trong khu vực này trước ngày 18-8-2016 để UBND thị xã Sông Cầu tổ chức diễn tập phòng thủ.

Từ “bảo bối” này, nhà đầu tư đã triển khai việc san lấp mặt bằng ngay từ tháng 8-2016 và đến tháng 3 vừa qua thì cơ bản hoàn thành việc san lấp mặt bằng diện tích 11,5ha được giao và tập kết vật tư, vật liệu để chuẩn bị xây dựng hạ tầng khu đô thị.

Đến cuối tháng 3, UBND thị xã Sông Cầu có văn bản đề nghị nhà đầu tư cung cấp các hồ sơ liên quan đến dự án thì mới biết hàng loạt hồ sơ theo quy định pháp luật chưa có.

Đó là báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản vẽ thiết kế thi công được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Do chưa có những hồ sơ này nên đương nhiên UBND thị xã Sông Cầu cũng chưa cấp giấy phép xây dựng cho dự án, đồng thời các cơ quan chức năng còn phát hiện hơn 130.000m3đất dùng san nền cho dự án được lấy từ xã Xuân Lâm (thị xã Sông Cầu) khi chưa được cấp phép 
khai thác khoáng sản.

Trả lời về việc này, ông Nguyễn Xuân Châu giải thích: “Chúng tôi biết chưa có các hồ sơ cần thiết mà tổ chức san lấp mặt bằng là chưa đúng nên mới xin ý kiến và được UBND tỉnh Phú Yên đồng ý thì mới làm.

Việc san lấp mặt bằng chỉ chiếm khoảng 10% khối lượng toàn dự án và cũng không ảnh hưởng gì lớn vì đã có thiết kế cơ sở. Chúng tôi làm vậy để rút ngắn thời gian thi công dự án được ấn định trong hai năm 2017, 2018…”.

Nhiều khách hàng đã “góp vốn” lấy đất nền

Ông Phạm Kiên – chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu – thừa nhận chính quyền địa phương chưa quản lý chặt chẽ việc triển khai đối với dự án nói trên, nên để nhà đầu tư thi công san nền khi chưa đầy đủ các thủ tục theo luật định.

Cũng theo ông Kiên, ngày 27-4 UBND thị xã đã đề nghị tạm dừng thi công dự án để nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý và nhà đầu tư đã dừng từ đó đến nay.

Đồng thời thị xã Sông Cầu vừa đề xuất UBND tỉnh xử phạt việc khai thác khoáng sản trái phép đối với nhà đầu tư dự án này.

Ngoài ra, thị xã thực hiện chỉ đạo của tỉnh là phối hợp với cơ quan chức năng nghiêm cấm nhà đầu tư chuyển nhượng đất nền dưới mọi hình thức khi chưa hoàn thiện kỹ thuật hạ tầng và thủ tục pháp lý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Châu cho biết từ tháng 9-2016, Công ty Việt Long đã thông báo để khách hàng đăng ký giữ chỗ nền đất tại khu đô thị này với mức đặt cọc 50 triệu đồng/lô, ai có nhu cầu góp vốn thì góp để sau khi đủ điều kiện sẽ được nhận đất nền.

“Đến nay chúng tôi nhận số tiền góp vốn khoảng 100 lô, giá trị khoảng 50 tỉ đồng. Đây không phải là sang nhượng bán nền, mà chỉ kêu gọi góp vốn cùng đầu tư dự án, việc này luật không cấm” – ông Châu nói.

Ông Châu cũng cho biết đến nay ông đã đóng đủ 39 tỉ đồng tiền sử dụng đất cho tỉnh Phú Yên theo tiến độ…

Ông Huỳnh Lữ Tân – giám đốc Sở Xây dựng Phú Yên – cho biết sau khi dự án khu đô thị Vịnh Xuân Đài tạm dừng thi công, nhà đầu tư đã xúc tiến thực hiện các hồ sơ pháp lý và được UBND tỉnh Phú Yên phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án vào ngày 11-5. Hiện nay, Sở Xây dựng đang thẩm định bản vẽ thiết kế thi công dự án.

Ngày 23-5, chúng tôi đăng ký làm việc với UBND tỉnh Phú Yên để làm rõ một số vấn đề của dự án này, nhưng ông Đào Mỹ – chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Phú Yên – cho hay bận nhiều cuộc họp nên đề nghị gửi câu hỏi lại để tỉnh trả lời sau.

Thị xã thông báo thu hồi đất an ninh

Để có mặt bằng thực hiện dự án trên, ngày 30-12-2016 UBND thị xã Sông Cầu có thông báo thu hồi gần 739m2 đất an ninh do Công an thị xã Sông Cầu quản lý, sử dụng.

Đại tá Lương Tấn Dĩnh – trưởng phòng tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Phú Yên – cho biết: “Việc thu hồi đất của Công an thị xã Sông Cầu để làm dự án khu đô thị Vịnh Xuân Đài đang trong quá trình giải quyết.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì Thủ tướng mới có thẩm quyền cho thu hồi đất an ninh quốc phòng, chính quyền địa phương không thể ra thông báo thu hồi đất an ninh được”.

Liên quan đến việc này, ông Lương Công Tuấn – phó chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, người ký thông báo trên – cho rằng việc ra thông báo chỉ để thông báo về hiện trạng đất đai, chưa phải quyết định thu hồi đất.

DUY THANH