29/11/2024

Các trường trung cấp y dược lại kêu cứu

Hội thảo định hướng hoạt động cho các trường trung cấp y dược ngày 23-5, với sự tham dự của cả ba bộ Y tế, GD-ĐT và LĐ-TB&XH đặt ra nhiều bất cập khiến các trường khối y – dược rơi vào thế kẹt, sau khi chuyển đổi cơ quan quản lý.

 

Các trường trung cấp y dược lại kêu cứu

 Hội thảo định hướng hoạt động cho các trường trung cấp y dược ngày 23-5, với sự tham dự của cả ba bộ Y tế, GD-ĐT và LĐ-TB&XH đặt ra nhiều bất cập khiến các trường khối y – dược rơi vào thế kẹt, sau khi chuyển đổi cơ quan quản lý.

 

 

 

Các trường trung cấp y dược lại kêu cứu
Bà Đào Thị Ngọc, đại diện Trường trung cấp Phương Nam, phát biểu tại hội thảo – Ảnh: Vĩnh Hà

Đây là lần thứ hai trong tháng 5-2017, các trường trung cấp y dược đứng ra tổ chức họp để “kêu cứu”.

Nguy cơ tan rã của nhiều trường

Thông tư liên tịch số 26, 27, 28/BYT-BNV đưa ra một lộ trình để tiến tới dừng tuyển sinh hệ trung cấp vào năm 2025 với các ngành dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh. Điều này gây hiểu nhầm cho xã hội về việc dừng tuyển sinh tất cả các ngành hệ trung cấp trong khối y dược, khiến các trường trung cấp trong khối này không tuyển sinh được.

Tại hội thảo trên, đại diện nhiều trường thừa nhận: có thể sẽ phải quyết định giải thể nếu không thể nâng cấp lên cao đẳng.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y dược tại hội thảo cũng cho rằng việc chuyển các trường khối y dược sang Bộ LĐ-TB&XH quản lý như các cơ sở giáo dục nghề có nhiều bất cập chưa được làm rõ, điều chỉnh, sẽ đẩy các trường trong khối đặc thù này vào tình trạng phải đóng cửa.

“Tại sao khối trường sư phạm vẫn được chuyển cho Bộ GD-ĐT quản lý và đặt ở tầm quan trọng, trong khi khối y dược lại giao về cho khối đào tạo nghề, không được coi trọng?” – nhiều chuyên gia bày tỏ trước đại diện của các cơ quan trong ba bộ có mặt tại hội thảo.

Trong tình thế hiện tại, việc nâng cấp lên cao đẳng (đào tạo 3 năm) phù hợp với xu thế chung, và cũng là con đường để các trường trung cấp khối y dược không tan rã. Nhưng những quy định hiện tại cho hướng đi trên, theo các trường cho biết, quá cứng nhắc, gần như thách đố các trường, và không phải trường nào cũng vượt qua được.

Theo bà Đào Thị Ngọc – đại diện Trường trung cấp Phương Nam, trước đây mỗi năm trường tuyển sinh 300-400 học sinh, nhưng tới thời điểm này chỉ tuyển sinh được vài chục học sinh. “Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ phải đóng cửa nếu không được hỗ trợ” – bà Ngọc ngậm ngùi chia sẻ.

Theo giải thích của đại diện Bộ Y tế, việc điều chỉnh chuyển sang đào tạo cao đẳng với một số ngành trong khối y dược là nhằm hội nhập trong khối Asean.

Tuy nhiên bà Ngọc lại cho biết thay vì lấy lý do “hội nhập khối Asean” để bắt các trường chuyển sang đào tạo 3 năm (thay cho 2 năm trung cấp) thì cơ quan quản lý nên khảo sát, tìm hiểu từ chính sản phẩm đào tạo của các trường đang được tung ra làm việc trong cộng đồng, để biết chất lượng đào tạo đến đâu, thiếu hụt gì và yêu cầu các trường bổ sung trong chương trình đào tạo. Chứ với những thay đổi lớn mang tính hành chính như hiện nay thì các trường trung cấp chỉ còn kết cục là giải thể.

GS.TS Vũ Đức Mối, hiệu trưởng Trường trung cấp Y – dược Hà Nội, nói thẳng “quy định cơ sở hạ tầng 5ha, vốn 100 tỉ thì mới chuyển lên trường cao đẳng là không thể làm được”.

Chương trình đào tạo thay đổi, cần thận trọng

Hầu hết các chuyên gia về y dược tại hội thảo đều cho rằng đào tạo y dược là ngành đặc thù, liên quan tới sức khoẻ con người nên cần phải thận trọng trong đào tạo. Việc điều chỉnh, chuyển đổi chương trình đào tạo trung cấp y dược (phù hợp với yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước hiện tại) cần được Bộ Y tế chấp thuận. Còn khi chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định thì đề nghị giữ nguyên chương trình đào tạo hiện tại.

Theo GS.TS Lê Ngọc Trọng – nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, đào tạo y dược ở hệ trung cấp phải theo mô hình “1 lý thuyết – 2 thực hành”, có nghĩa là thực hành nghề đặc biệt được coi trọng, và phải đào tạo hướng đến cộng đồng, cung cấp cho người học kỹ năng để tư vấn sức khoẻ, hiểu biết những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình chăm sóc y tế…

Vì thế, việc chuyển đổi chương trình đào tạo theo yêu cầu hiện nay chỉ nên thực hiện để đảm bảo thủ tục hành chính, còn chương trình đào tạo thực tế vẫn phải áp dụng như cũ. Việc thay đổi phải có quy trình chặt chẽ và phải có thời gian, được sự thống nhất của Bộ Y tế.

Còn GS.TS Vũ Đức Mối cho rằng: “Yêu cầu chuyển từ học trình sang tín chỉ với ngành nghề khác thì được, nhưng đối với các trường trung cấp y dược thì cần thận trọng. Vì nếu không cẩn thận sẽ xé vụn chương trình đào tạo, khiến cho việc đào tạo không đi theo trình tự logic nhằm phát triển các kỹ năng thực hành, đảm bảo yêu cầu hành nghề sau này”.

Đại diện các trường đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nên làm việc với Bộ Y tế để thống nhất chương trình khung đào tạo về y dược, mà trước đây vốn đã có sự thống nhất giữa Bộ Y tế với Bộ GD-ĐT. Theo đó phải giảm lý thuyết, tăng thực hành; các trường có thể tăng hoặc giảm 20% so với chương trình khung để xây dựng phần chương trình riêng cho từng trường.

Nhiều trường cũng đề nghị điều kiện nâng cấp các trường từ trung cấp lên cao đẳng phải giảm phần cứng (quy định đất đai, vốn tối thiểu) và cho các trường một lộ trình thực hiện. “Các thông tư của Bộ LĐ-TB&XH cần thực hiện từng bước để các trường có thể thích nghi” – một số ý kiến đề nghị.

Vướng tới đâu, gỡ tới đó

Trao đổi lại với các đại biểu, ông Đỗ Văn Giang – phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH – cho biết hội thảo giúp các cơ quan quản lý lắng nghe để hiểu hơn về các vướng mắc của các trường trung cấp y dược, nhằm vướng đến đâu gỡ tới đó.

Tuy nhiên, ông Giang cũng khẳng định: “Bộ luôn tôn trọng quyền về chuyên môn trong việc xây dựng chương trình khối y dược. Bộ LĐ-TB&XH luôn luôn đặt vấn đề phối hợp với Bộ Y tế trong quản lý chương trình đào tạo”.

Ông Giang cho biết thêm với những học sinh đang học tại các trường trung cấp trong giai đoạn chưa chuyển sang Bộ LĐ-TB&XH thì vẫn cấp bằng theo quy định cũ của Bộ GD-ĐT.

Chốt lại hội thảo, GS.TS Lê Ngọc Trọng vẫn nhấn mạnh: các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm tới những vấn đề cấp bách trước mắt với các trường trung cấp y dược và khó khăn về tuyển sinh. Vì nếu thêm một mùa tuyển sinh không có người học thì hàng loạt trường sẽ không trụ được.

VĨNH HÀ