29/11/2024

Quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm

Nhiều trường CĐ sư phạm hiện đang khó khăn trong hoạt động, địa phương không cấp kinh phí đào tạo, còn sinh viên ra trường dù chật vật đủ cách vẫn không tìm được việc làm.

 

Quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm

Nhiều trường CĐ sư phạm hiện đang khó khăn trong hoạt động, địa phương không cấp kinh phí đào tạo, còn sinh viên ra trường dù chật vật đủ cách vẫn không tìm được việc làm.

 

 

 

 

Quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm
TS Nguyễn Thị Kim Phụng – Ảnh: Việt Dũng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thị Kim Phụng (vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) cho biết:

– Để hạn chế việc sinh viên tốt nghiệp sư phạm thiếu việc làm, hệ thống các trường đào tạo giáo viên cần đạt chuẩn chất lượng và phát triển theo quy hoạch, không cho phép đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở các trường không đủ điều kiện chất lượng.

Trường sư phạm phát triển đa ngành

* Đứng trước tình cảnh cả thầy, trò và trường sư phạm đều lao đao từ “đầu vào” đến “đầu ra”, Bộ GD-ĐT dự định sẽ quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm ra sao để phù hợp với tình hình mới, thưa bà?

– Bộ đang triển khai việc quy hoạch lại hệ thống các trường ĐH nói chung và hệ thống các trường đào tạo giáo viên nói riêng. Công tác quy hoạch được thực hiện dựa trên các cơ sở, các phương pháp quy hoạch và khảo sát thực tiễn, dự báo nhu cầu…

Do vậy, tình hình thừa thiếu việc làm, năng lực cán bộ đào tạo của các trường và biến động dân số, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong tương lai (khoảng 15 năm tới) đều được đưa vào là tham số của công tác quy hoạch.

Mục tiêu của công tác quy hoạch lần này là để nâng cao được chất lượng đào tạo, tăng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ rõ: quy hoạch là xếp lại và tạo ra một hệ thống trường sư phạm có chất lượng với vai trò đầu tàu của một số trường có tính chất trọng điểm quốc gia, các trường còn lại sẽ đóng vai trò như là trường vệ tinh hoặc phân hiệu của các trường trọng điểm.

* Một số trường CĐ sư phạm tìm lối ra bằng cách sáp nhập với khoa sư phạm của trường ĐH hoặc nhập chung với các trường khác để đào tạo đa ngành. Đây là cách làm tự phát của từng trường hay cũng chính là chủ trương chung của bộ?

– Thực tế tồn tại và phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH luôn tiềm ẩn những thay đổi nội tại cho phù hợp với sự vận động, phát triển, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội. Sự ổn định bao giờ cũng chỉ là tương đối.

Ở các nước phát triển, xu hướng hình thành các trường đa ngành cũng là tất yếu để phát huy thế mạnh của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất… và để các ngành có sự tương hỗ, cộng hưởng trong đào tạo và nghiên cứu.

Ví dụ các cơ sở có đào tạo giáo viên thường đào tạo đồng thời các ngành khoa học cơ bản (ngôn ngữ, toán học, địa lý học…) và các ngành phát triển từ khoa học cơ bản (văn hoá, du lịch, công nghệ chế biến, sinh học ứng dụng…) và sẽ ngày càng mở rộng phạm vi ngành nghề đào tạo.

Vì vậy, trong thời gian gần đây, một số trường sư phạm đã đổi tên, phát triển thành trường đa ngành, không “đóng khung” trong các ngành sư phạm cũng là tất yếu khách quan.

Trong giai đoạn quy hoạch lại sẽ hình thành các trường “đầu tàu” và các trường vệ tinh cũng là cách tự vận động trong mạng lưới để nâng cao chất lượng đào tạo, sắp xếp lại hệ thống một cách hợp lý hơn.

Việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH (trong đó có các cơ sở đào tạo sư phạm) là để xây dựng lộ trình phát triển quy mô đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng giáo viên trong các giai đoạn tiếp theo.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các trường và các địa phương trong từng trường hợp cụ thể để lựa chọn phương án phù hợp, khả thi, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm
Theo Bộ GD-ĐT, việc UBND tỉnh Cà Mau giải thể Trường CĐ Sư phạm Cà Mau là sai luật – Ảnh: N.Hùng

Cắt giảm mạnh chỉ tiêu

* Vài năm trở lại đây, Bộ GD-ĐT liên tục thông báo cắt giảm 10%, rồi 20% chỉ tiêu đào tạo sư phạm. Căn cứ nào để bộ đưa ra chủ trương này và việc triển khai thực tế có theo kế hoạch đề ra?

– Trong những năm qua, việc đào tạo giáo viên đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Theo khảo sát sơ bộ về cung – cầu giáo viên toàn quốc đã xuất hiện tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ ở từng địa phương, vùng miền.

Do đó, những năm gần đây Bộ GD-ĐT đã và đang thực hiện chủ trương giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên để đảm bảo phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng.

Tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường làm việc không đúng ngành nghề cũng là cơ sở của việc giảm chỉ tiêu sư phạm trong những năm gần đây để tránh gây lãng phí ngân sách của Nhà nước (đang thực hiện chính sách cấp bù học phí đối với sinh viên sư phạm theo nghị định 86/NĐ-CP) và chi phí xã hội.

Từ thực tiễn như vậy, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương và thực hiện cắt giảm chỉ tiêu sư phạm từ năm 2015, 2016; mỗi năm giảm 10% so với năm trước ở tất cả các trường đào tạo giáo viên.

Thực tế chỉ tiêu sư phạm ở các trường thuộc Bộ GD-ĐT trong những năm qua giảm nhiều hơn so với mức trung bình chung: nếu năm 2014 chỉ tiêu sư phạm ở các trường thuộc Bộ GD-ĐT là gần 37.000 thì năm 2016 chỉ còn hơn 23.000, giảm hơn 13.000 chỉ tiêu (tức là hai năm giảm gần 37%).

Chỉ tiêu sư phạm của các trường không thuộc Bộ GD-ĐT giảm ở mức thấp hơn nhưng trong toàn hệ thống đào tạo sư phạm, chỉ tiêu vẫn giảm được 20,76% (năm 2014 có gần 84.000 chỉ tiêu sư phạm; năm 2016 còn chưa đến 68.000 chỉ tiêu).

Riêng với năm 2017 đã cắt giảm 20% chỉ tiêu sư phạm so với năm 2016 (còn gần 54.000 chỉ tiêu) để giảm dần quy mô, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và tránh lãng phí nguồn lực.

Tạm dừng mở mới các ngành đào tạo giáo viên

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Đức Minh – cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT – cho rằng trong 5 năm qua, Bộ GD-ĐT đã chủ động cảnh báo về tình trạng thừa giáo viên và đề nghị hạn chế tuyển sinh vào sư phạm. Tuy nhiên, tình trạng thừa – thiếu giáo viên vẫn diễn ra.

Hiện tại, ngoài việc cắt giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm, Bộ GD-ĐT còn yêu cầu các cơ sở đào tạo tạm dừng mở mới các ngành thuộc lĩnh vực đào tạo giáo viên và giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường đào tạo sư phạm để cân đối nhu cầu sử dụng với nhu cầu đào tạo.

Theo ông Minh, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đang giao cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên giai đoạn 2017-2025 để có căn cứ xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên cả nước.

Giải thể Trường CĐ Sư phạm Cà Mau: “Không đúng luật”

Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã ra quyết định giải thể Trường CĐ Sư phạm Cà Mau khi chưa được sự đồng thuận của Bộ GD-ĐT. UBND tỉnh giải thích quyết định này là do đã gửi công văn cho bộ từ cuối năm 2016 mà không nhận được phản hồi. Như vậy, việc giải thể Trường CĐ Sư phạm Cà Mau có đúng luật?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Xuân Hậu, phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ GD-ĐT, cho biết tháng 10-2016, Bộ GD-ĐT có nhận được văn bản của UBND tỉnh Cà Mau về việc giải thể Trường CĐ Sư phạm Cà Mau. Sau đó, ngày 28-10-2016, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc này.

Trong văn bản gửi chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, bộ đã nói rõ theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và nghị quyết số 76/NĐ-CP ngày 3-9-2016, việc quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các trường CĐ sư phạm thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh tham mưu để thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc này.

“Như vậy, có thể khẳng định việc UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định giải thể Trường CĐ Sư phạm Cà Mau là không đúng thẩm quyền mặc dù trước đó Bộ GD-ĐT đã có văn bản trả lời về việc này” – ông Hậu nói.

NGỌC HÀ thực hiện