10/01/2025

Bỏ biên chế trong ngành giáo dục, nên hay không?

Nhiều ý kiến tranh luận trước thông tin sắp tới Bộ GD-ĐT giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập.

 

Bỏ biên chế trong ngành giáo dục, nên hay không?

Nhiều ý kiến tranh luận trước thông tin sắp tới Bộ GD-ĐT giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xoá bỏ biên chế trong các đơn vị công lập.



Vẫn còn nhiều băn khoăn về chính sách để đảm bảo công bằng và đời sống cho giáo viên nếu bỏ biên chế ngành giáo dục /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Vẫn còn nhiều băn khoăn về chính sách để đảm bảo công bằng và đời sống cho giáo viên nếu bỏ biên chế ngành giáo dụcẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Phóng viên Thanh Niên ghi nhận các luồng ý kiến trước thông tin nóng này; qua đó cho thấy còn nhiều điều phải làm nếu thực hiện bỏ biên chế.
Cần một lộ trình và quy định rõ ràng
Việc bỏ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng, ưu điểm lớn nhất là để cho giáo viên (GV) phải luôn nỗ lực, cố gắng để khẳng định chất lượng học sinh của mình và không được phép chểnh mảng. Phải thẳng thắn thừa nhận với nhau, hiện nay có một bộ phận GV không thực sự say mê với nghề, không tâm huyết, chỉ lên lớp cho có, không làm hết trách nhiệm mà vẫn nhận đủ lương so với những người tận tâm với nghề. Điều đó khiến giáo dục trở nên trì trệ hơn. Nay chúng ta thay bằng chế độ hợp đồng, buộc GV phải “vận động” để được ký hợp đồng vào những năm tiếp theo. Tuy nhiên, khi triển khai phải có lộ trình rõ ràng và phải đồng bộ. Bởi lẽ, nếu không thực hiện đồng bộ, số GV kém chất lượng, không có hợp đồng quá nhiều, không biết làm gì cũng ảnh hưởng đến xã hội. Đó là chưa kể, những GV giỏi khi thấy những trường khác lương cao hơn, chế độ đãi ngộ lớn hơn, họ sẵn sàng ra đi mà không gắn bó với trường nữa. Điều này sẽ khiến đội ngũ GV trong một cơ sở giáo dục không ổn định. Đó cũng là một khó khăn. Khi không còn viên chức, công chức thì GV hưởng lương từ đâu? Giao quyền cho hiệu trưởng nhưng hiệu trưởng có lạm quyền không? GV nếu ký hợp đồng 2 năm nhưng chỉ dạy được 1 năm mà tự ý bỏ việc thì sẽ làm sao?… Bộ đưa ra chủ trương như vậy thì cần công bố một lộ trình rõ ràng, thí điểm ở mức độ nào với từng giai đoạn. Điều rất quan trọng là nếu chuyển sang chế độ hợp đồng mà chúng ta đảm bảo được GV có thể sống bằng lương của mình thì sẽ không đáng lo ngại lắm.
PGS Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội)
Bỏ biên chế trong ngành giáo dục, nên hay không? - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Sẽ bỏ biên chế ngành giáo dục

Từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xoá bỏ biên chế trong các đơn vị công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động…

Sẽ dẹp được tiêu cực

Nếu xóa biên chế thì GV sẽ phải tích cực hơn và xóa được những hiện tượng tiêu cực như “chạy” vào biên chế. Với ngành nào cũng thế, nếu phải bỏ tiền để “chạy” vào biên chế thì khi vào rồi họ sẽ tìm cách để lấy lại số tiền đã bỏ ra. Ví dụ, với ngành GD-ĐT là dạy thêm học thêm trái quy định. Tiêu cực này sẽ kéo theo tiêu cực khác…
Về mặt lý thuyết thì đây là một chủ trương đúng, nhưng chủ trương này phải được thực hiện đồng bộ, công bằng. Đồng bộ cùng với những chế độ, chính sách của ngành nhưng cũng phải đồng bộ với tất cả các cơ quan là đơn vị hành chính sự nghiệp như GD-ĐT. Nếu chỉ thực hiện riêng với ngành GD-ĐT thì chắc chắn GV sẽ rất tâm tư, tại sao nghề giáo được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý mà lại phải “mang ra” thí điểm, trong khi các ngành khác vẫn có biên chế, vẫn có những người hưởng lương nhà nước đầy đủ mà không phải nỗ lực thay đổi… Chúng tôi rất mong nhà nước có chế độ về tiền lương, thưởng tốt hơn, công bằng hơn để GV yên tâm dồn sức cống hiến cho nghề.
Vũ Hoàng Ly (GV Trường tiểu học Quang Trung, Q.Đống Đa, Hà Nội)

Tạo ra môi trường giáo dục thanh sạch

Với những người tâm huyết với ngành giáo dục, giảng dạy một cách nghiêm túc khi nghe tin này chắc chắn họ sẽ thấy rất vui. Bỏ biên chế ngành giáo dục thay thế bằng hợp đồng lao động tạo ra cơ chế mở, có ra, có vào, sẽ tạo ra một môi trường giáo dục thanh sạch hơn nền giáo dục của VN hiện nay. Hiện tại, theo quy định của ngành thì để kỷ luật, buộc thôi việc một GV làm sai rất mất thời gian và thủ tục rất phức tạp. Nhiều người chậm đổi mới, không đáp ứng yêu cầu dạy học nhưng vì đã được biên chế nên ỷ tới tháng thì lãnh lương. Khi triển khai chính sách mới nào đó thì liền bàn lùi, ngại khó không chịu làm. Việc này khiến cho quá trình đổi mới giáo dục gặp nhiều khó khăn. Vì vậy tôi cho rằng việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục là cần thiết. Ngay cả hiệu trưởng cũng nên bỏ biên chế để tạo động lực làm việc tốt hơn. Việc này sẽ tạo cơ chế làm tốt được chấp nhận, làm không tốt bị đào thải. Đây là xu hướng tiến bộ của giáo dục ở các nước tiến bộ. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả và không gây ra rối loạn thì cần phải xây dựng một hành lang pháp lý tỉ mỉ. Tức là vẫn phải đảm bảo, bảo vệ quyền lợi GV, người lao động. Tạo sự ổn định cần thiết để GV yên tâm giảng dạy, người lao động yên tâm làm việc. Đặc biệt, đối với công tác quản lý cũng cần có những quy định rõ ràng để thuận lợi khi thực hiện và tránh được những yếu điểm mà cơ chế hiện tại đang gặp phải.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.3, TP.HCM


Giảm những chi phí không cần thiết
Việc bỏ biên chế sẽ tạo động lực tích cực cho toàn bộ GV có ý thức cần cập nhật nhiều phương pháp mới để thích ứng với nền giáo dục ngày càng phát triển. Nếu không tự cố gắng họ sẽ phải lo việc mình bị đào thải. Như vậy không cần phải đốc thúc cũng có thể tạo ra tinh thần tự học hỏi ở GV.
Hơn nữa, việc bỏ biên chế sẽ giúp ngành giáo dục giảm được những chi phí không cần thiết. Hiện tại, nhân sự của các trường đều phải tuân theo định biên. Tức là cần có nhân viên thư viện, nhân viên thiết bị… Trong khi đó, những công việc này không chiếm quá nhiều thời gian mà chỉ một người cũng có thể kiêm nhiệm được và có thể tăng thu nhập. Cách làm này sẽ giúp người lao động tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, để làm điều này cần quy định rõ nhằm tránh sự độc tôn của hiệu trưởng. Khi áp dụng cơ chế này chắc chắn sẽ tồn tại việc người yêu kẻ ghét, lúc này người lao động không còn được bảo vệ bởi luật Viên chức, vậy họ sẽ được bảo vệ như thế nào thì cần tính toán kỹ lưỡng.
Một trưởng phòng GD-ĐT tại TP.HCM
Tin vui với nhiều người
Việc bỏ biên chế ngành giáo dục sẽ là tin mừng không phải chỉ với tôi mà với rất nhiều đồng nghiệp khác. Không chỉ tới khi ra trường mà ngay khi còn là sinh viên trường sư phạm chúng tôi luôn phải sống trong nỗi lo ra trường làm sao xin được việc. Nếu nhà không có điều kiện thì phải học thật giỏi để mong được giữ lại trường hoặc được khoa giới thiệu. Tuy nhiên, cơ hội có việc mà không phải thông qua quan hệ, nhờ vả là rất khó. Tôi đã từng gặp rất nhiều người, kể cả GV, hiệu trưởng để kiếm một cơ hội được tuyển dụng. Tuy nhiên, vì họ thường đề cập đến tiền để xin việc nhưng ngoài khả năng của tôi nên đến giờ tôi vẫn chưa có được một suất biên chế. Việc bỏ biên chế sẽ tạo cơ hội cho giáo sinh ra trường tìm được việc làm đúng nghề.
Đỗ Thị Quế (GV một trường tư thục tại TP.HCM)
Lương và chế độ đãi ngộ ra sao?
Theo bà Võ Thị Thuỳ Linh, GV Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM), điều này sẽ tạo động lực cho GV. Tuy nhiên, đi kèm với quy định này phải là một chế độ trả lương phù hợp với công sức chứ không thể như hiện nay. Đồng quan điểm, ông Hoàng Long Trọng, GV Trường THCS Văn Lang (Q.1), nói rằng đây là chuyện nên làm vì hiện nay có một bộ phận GV có suy nghĩ biên chế là “cần câu cơm”. Đã vào được rồi thì yên tâm, không cần phải cố gắng đổi mới phương pháp, sáng tạo trong giảng dạy, nhiệt tâm với học trò. Tuy nhiên, vấn đề xoá bỏ biên chế thì mức lương như thế nào, khi được tuyển dụng có nhận lương theo năng lực hay không?
Còn ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc (SIC), cho biết việc xoá biên chế trong ngành giáo dục là khuynh hướng của nhiều nước phát triển. Về lý thuyết thì hay, có người ra người vào mới tạo động lực làm việc nhưng ở các nước điều này đi kèm với chế độ đãi ngộ khá ưu việt. Bên cạnh đó, hệ thống trường tư, công phát triển đồng đều.
Bích Thanh (ghi)

 

Tuệ Nguyễn – Lam Ngọc (ghi)