Ám ảnh tuổi già
Ám ảnh tuổi già là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với con người trong xã hội đương đại, không chỉ ở VN mà còn ở nhiều quốc gia khác. Câu chuyện dưới đây của bạn đọc Trần Khánh An giúp ta thêm một góc nhìn.
Ám ảnh tuổi già
Ám ảnh tuổi già là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với con người trong xã hội đương đại, không chỉ ở VN mà còn ở nhiều quốc gia khác. Câu chuyện dưới đây của bạn đọc Trần Khánh An giúp ta thêm một góc nhìn.
Nụ cười hạnh phúc của người già ở làng Trà Quế – Quảng Nam – Ảnh: Réhahn/ Dailymail |
1. Hồi trước, tôi ở cạnh một gia đình có ba cô con gái. Họ chuyển về sau tôi khoảng 5 năm. Trong nhà họ còn có một người già, sau này tôi và các con hay gọi là bà ngoại.
Xã hội cũng cần có những chính sách và sự quan tâm thiết thực đến từng hoàn cảnh cụ thể để kịp thời can thiệp, giúp đỡ những người già thoát khỏi những nỗi đau đớn về vật chất lẫn tinh thần, để tuổi già không còn là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với mỗi chúng ta” |
Trần Khánh An |
Bà có mái tóc bạc phơ, bồng bềnh và nụ cười rất hiền hậu. Bà quý mấy đứa nhỏ nhà tôi, thỉnh thoảng đi chùa về có cái bánh, trái xoài, trái thanh long, bà cũng đem sang cho các cháu. Bà chỉ có một cô con gái – hàng xóm mới của tôi, và một con trai nuôi ở tỉnh xa.
Sau khi bán căn nhà mặt tiền ở quận 5 (TP.HCM), bà cho vợ chồng cô con gái tiền mua căn nhà này và còn một ít gửi ngân hàng để dưỡng già.
Tôi đã chứng kiến thời gian êm đềm của bà bên cạnh con cháu, nhưng những ngày đó quá ngắn ngủi. Những tháng ngày còn lại của bà đong đầy nước mắt. Đó là sau khi bà đã lấy số tiền ít ỏi trong ngân hàng ra giúp đỡ người con trai nuôi, vì gia đình anh ấy rơi vào cảnh ốm đau, túng quẫn, và bà trở nên “vô sản” giữa con cháu mình.
2. Một ngày, mới sáng sớm, tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy bà tay gậy, tay xách ra khỏi nhà, trên đầu là chiếc nón lá cũ. Tôi nghe tiếng cửa sắt bên cạnh rít lên những tiếng ken két, lạnh lùng… Tôi vội chạy theo bà ra đầu hẻm: “Ngoại đi đâu sớm vậy?”. “Tui đi bán vé số, cô”. “Trời, ngoại 80 tuổi rồi, yếu rồi, chân cẳng vậy làm sao bán vé số được? Sao ngoại không ở nhà cho khoẻ?”.
Ngoại cười, nụ cười hồn hậu nhưng có phần héo hắt: “Kệ, còn mạnh, đi làm cái gì cho đỡ buồn cô, ở nhà hoài cũng chán”. Nhìn nét mặt của bà, tôi không nghĩ bà đi bán vé số vì “ở nhà hoài cũng chán”…
Sau đó, mỗi ngày cứ 5h sáng bà đã thức dậy, chân thấp chân cao ra trạm xe buýt, rồi đón xe xuống Chợ Lớn, địa bàn quen thuộc của bà ngày xưa để bán vé số, đến tối mịt mới về đến nhà. Có những buổi chiều tôi đi làm về, thấy bà mệt mỏi, tay cắp nón lá, tay chống gậy đứng tựa lưng vào cánh cửa sắt, mắt buồn rười rượi.
Nhìn cánh cửa im ỉm khóa, tôi biết bà không có chìa khoá vô nhà. Tôi lật đật mở cửa, mời bà vào nhà uống nước, nghỉ ngơi chờ con cháu về.
Tôi hỏi: “Sao ngoại không nói cháu làm cho cái chìa khoá, đi về cho tiện?”. Bà trả lời: “Tui già rồi, lẩm cẩm, cầm theo chìa khóa nhiều khi mất, nguy hiểm lắm cô”. Tôi biết bà lại nói tránh, người biết giữ thể diện cho con cháu như vậy không thể là người lẩm cẩm.
3. Rồi bà không đi bán vé số nữa. Đó là khi bà bệnh nặng, không dậy được, phải nằm một chỗ. Có thể nói đó là những tháng ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời bà. Những tháng ngày đó đã ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ – nỗi ám ảnh về tuổi già, hay đúng hơn là ám ảnh về một kiếp người. Mỗi ngày đi làm về, tôi xót xa khi nghe lời lẽ nặng nề từ người con gái, con rể và cả những cô cháu gái của bà. Vì hình như bà bị lẫn, ăn uống luộm thuộm, thậm chí còn đi vệ sinh ra ngoài mà không kêu.
Rồi một ngày, chỗ nằm của bà được chuyển ra bancông, bên ngoài được che bằng một tấm vải. Vì hai nhà sát vách nhau nên nhiều đêm, tôi không ngủ được khi nghe rõ tiếng rên của bà vì lạnh: “T. ơi, L. ơi, H. ơi, mở cửa cho ngoại vô với”. Nhưng tiếng kêu yếu ớt của bà cứ rơi vào vô vọng…
4. Một ngày đầu tháng 5-2012, sau một chuyến công tác xa về, tôi đã vĩnh viễn không nhìn thấy bà. Tôi lặng người khi nghĩ đến cảnh bà ra đi trong đau đớn. Tôi thắp nhang trước bàn thờ bà mà không nén được tiếng khóc. Nhưng như vậy cũng khoẻ cho ngoại rồi. Ngoại kéo dài thêm nỗi đau đớn ở cõi tạm này thêm để làm gì. Ngoại hãy yên lòng mà đi vào cuộc chơi miên viễn…
Nhưng có một điều cho đến bây giờ tôi vẫn không thôi day dứt và ân hận. Đó là tôi đã không giúp đỡ gì được cho bà trong những ngày tháng ấy. Nếu tôi mạnh mẽ hơn, bất chấp tất cả sự phản ứng từ phía gia đình họ, có lẽ tôi đã giúp bà thoát khỏi những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần trước khi rời khỏi cõi tạm này.
Ám ảnh tuổi già là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với con người trong xã hội đương đại, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác. Xã hội càng hiện đại, sợi dây tình cảm của con người càng lỏng lẻo, kể cả đó là sợi dây kết nối mối quan hệ máu mủ ruột rà.
Kể lại câu chuyện buồn của 5 năm trước, tôi muốn gửi đến mọi người thông điệp: giáo dục cho giới trẻ tình yêu thương, trách nhiệm đối với ông bà, cha mẹ là điều quan trọng và bức thiết, nhưng quan trọng hơn là giáo dục cho họ niềm tin sâu vào nhân – quả để họ biết gieo nhân lành và tránh xa điều ác.
Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy, quan sát được xung quanh để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: [email protected] hoặc [email protected]. Cảm ơn bạn! |