10/01/2025

Sóng Trường Sa vọng đất Trường Sơn

Trường Sơn là biểu tượng can trường, bất khuất suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mỗi nắm đất ở đó có hàng vạn xương cốt liệt sĩ hoá thân, có mồ hôi và nước mắt những người Pa Kô, Vân Kiều, Tà Ôi sắt son theo cách mạng.

 

Sóng Trường Sa vọng đất Trường Sơn

Trường Sơn là biểu tượng can trường, bất khuất suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mỗi nắm đất ở đó có hàng vạn xương cốt liệt sĩ hoá thân, có mồ hôi và nước mắt những người Pa Kô, Vân Kiều, Tà Ôi sắt son theo cách mạng.

 

 

 

Sóng Trường Sa vọng đất Trường Sơn
Những người cựu binh, người dân Vân Kiều cùng các phật tử đi hành hương lấy đất ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để gửi ra Trường Sa – Ảnh: TẠ THÀNH ĐẠT

Trong hành trình “Hồn đất quê nhà gửi Trường Sa” của Tuổi Trẻ, chúng tôi chọn nắm đất nơi đây, tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, để Trường Sơn sát cánh Trường Sa.

Trong nắm đất 
có linh hồn người lính

Buổi sáng tháng 5. Khi chúng tôi chuẩn bị lễ đón nhận đất thiêng đã có rất nhiều đoàn khách về đây, từ những cựu binh phía Bắc, ngực áo lính gắn đầy huân chương, đến đoàn phật tử của một ngôi chùa tận Gia Lâm (Hà Nội) tình cờ có mặt. Những em thiếu nhi từ Đồng Hới cùng các thầy cô giáo tận Quảng Bình cũng đến đây từ sớm.

Cụ ông Hồ Văn Vê – một già bản người dân tộc Vân Kiều ở xã Vĩnh Trường – được mời dự buổi lễ đón nhận đất thiêng gặp chúng tôi cứ nắm bàn tay lắc lắc. Dường như cụ Vê không biết làm thế nào để diễn tả cảm xúc của mình. Mừng như ngày chiến tranh chấm dứt, như ngày thống nhất non sông.

Từ ngôi nhà của già Vê ra nghĩa trang Trường Sơn chỉ một quãng đường đi bộ không dài, nhưng để có thể đi bộ bình yên từ bản ra đây, hơn ai hết già Vê cảm thấu được những gì đã trải qua từ chính cuộc đời mình và dân tộc Vân Kiều của mình.

Già Vê là hình ảnh của hàng vạn người dân Vân Kiều, Pa Kô ở miền Tây Trường Sơn đã gùi gạo, tải đạn phục vụ cho tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.

Sẽ không thể nào hình dung về cuộc chiến trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa khốc liệt mà thiếu đi hình ảnh hồn hậu bao dung hết lòng cho cách mạng, cho Trường Sơn của những người dân chân chất chốn núi rừng này.

Cựu binh, đại úy Thái Xuân Cừ – vốn là sĩ quan kỹ thuật của bộ đội Trường Sơn năm xưa, đại diện cho những cựu binh Trường Sơn – nghẹn ngào nhớ về những đồng đội: “Không thể nào quên được những đoàn xe vận tải của chúng ta ngày ấy. Những chiếc xe phải vượt hàng chục, hàng trăm toạ độ lửa để vào Nam. Mỗi toạ độ lửa là mỗi tọa độ của máu xương. Rất nhiều anh em đang nằm trong nghĩa trang này đã hi sinh trong các tọa độ lửa 
như thế”.

Rồi giọng ông sôi nổi: “Những gian khó khốc liệt của toạ độ lửa mà người lính Trường Sơn chúng tôi đã vượt năm xưa cũng đâu khác gì những anh em đang gìn giữ Trường Sa hôm nay, cho dù vẫn bình yên mỗi ngày nhưng cũng đầy cam go giông bão, vẫn tiềm ẩn những “toạ độ lửa” mà anh em lính trẻ Trường Sa sẽ vượt qua để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo”.

Sóng Trường Sa vọng đất Trường Sơn
Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Gio Linh Hoàng Liên Sơn (trái) và già làng Hồ Văn Vê mang “Đất thiêng gửi Trường Sa” – Ảnh: TẠ THÀNH ĐẠT

Thấm đẫm ba miền 
Nam – Trung – Bắc

Ông Hồ Tất Ái – trưởng ban quản trang của Nghĩa trang Trường Sơn – đưa mọi người ra phía sau tượng đài. Chín tiếng chuông ngân vọng, chạy dài tít tắp trên mười ngàn mộ bia trong nắng sớm…

Già làng Hồ Văn Vê, hai cựu binh Thái Xuân Cừ và Hoàng Liên Sơn, các thầy cô giáo ở Trường tiểu học Vĩnh Trường và nhiều tăng ni phật tử… lùa tay vốc từng nắm đất, nhẹ nhàng thành kính đặt vào hộp đựng có dòng chữ “Đất thiêng gửi Trường Sa”.

Từng hộp đất được đặt nghiêm trang trên đài tưởng niệm ở trung tâm nghĩa trang, nhìn bao quát hàng ngàn bia mộ.

Trên mộ bia ấy có đủ những người con từ cực Bắc đến cực Nam. Nắm đất thiêng nơi đây không chỉ là đất máu của dải Trường Sơn bất tử mà còn là hương hồn những người lính cực Bắc Hà Giang, Lào Cai; những người lính ra đi từ châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương; là những người lính khu Bốn như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và những người lính từ miền Nam ở khu vực trung tâm.

Tất cả ở đây, ngôi nhà đất nước của người ngã xuống.

Trong nắm đất từ Trường Sơn ra Trường Sa hôm nay có máu xương của người chiến sĩ, có sự can trường của đồng bào các dân tộc anh em Pa Kô, Vân Kiều, Tà Ôi… sắt son suốt 21 năm khói lửa.

Có niềm tin, có hi vọng. Có trông ngóng, có gửi gắm. Có lời thề xả thân gìn giữ biên cương, như dải Trường Sơn vững chãi che chắn phía Tây đất nước, gửi gắm niềm tin với đảo xa Trường Sa giữa chập chùng sóng nước: rằng, dẫu đốt cháy Trường Sơn, dẫu bão tố Trường Sa, cũng gìn giữ yên bờ cõi non nước này!

Thượng nguồn dòng Hiền Lương lịch sử

Trường Sơn là thượng nguồn của dòng Hiền Lương, dòng sông của khát vọng thống nhất, của lằn ranh vĩ tuyến 17, của nhịp cầu Bến Hải mà để đi qua, đất nước trải hơn 20 năm với bao nhiêu máu xương dằng dặc. Ngay sau ngày thống nhất đất nước, chọn một vùng đất cho những liệt sĩ Trường Sơn quần tụ về với đội hình người lính, tướng Đồng Sĩ Nguyên và những lãnh đạo của Binh đoàn 559 đã chọn vùng đất đầu nguồn con sông để lập nghĩa trang liệt sĩ quốc gia này.

Nơi thượng nguồn, linh hồn những người lính sẽ mỗi ngày nhìn xuống con nước của dòng sông Hiền Lương xuôi ra biển, để chứng kiến cái giá hoà bình thống nhất của đất nước hôm nay được trả bằng chính máu xương tuổi thanh xuân của họ.

LÊ ĐỨC DỤC – QUỐC NAM