Sa Kỳ – Cảng cá kiên cường
“Nó cấm kệ nó chớ, biển mình thì mình ra khơi thôi!” – ngư dân ở cảng cá Sa Kỳ thản nhiên nói về lệnh cấm đánh cá ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Sa Kỳ – Cảng cá kiên cường
“Nó cấm kệ nó chớ, biển mình thì mình ra khơi thôi!” – ngư dân ở cảng cá Sa Kỳ thản nhiên nói về lệnh cấm đánh cá ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tàu cá ngư dân Bình Châu, Lý Sơn ra khơi – Ảnh: TRẦN MAI |
Cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) những ngày này tấp nập ngư dân hối hả chuyển nhu yếu phẩm xuống tàu ra quần đảo Hoàng Sa đánh bắt. Chiều ngược lại, những tàu cá từ Hoàng Sa trở về với cá đầy khoang, những nụ cười ngư dân rạng rỡ.
Hối hả ra khơi, tấp nập về bến
10h sáng 11-5, hàng chục ngư dân tất bật chuyển lương thực, thực phẩm, nước đá, xăng dầu xuống 8 chiếc tàu đang đậu tại cảng Sa Kỳ. Sáu tàu cá khác mới về bờ, đang bán hải sản cho thương lái. Không khí cảng biển rộn ràng. Tiếng gọi nhau ơi ới…
Dọc con đường nối từ cảng Sa Kỳ lên TP Quảng Ngãi, hàng chục xe đông lạnh tấp vào lề đường chờ đến lượt “ăn” cá. Tài xế Phạm Thành Công đang chờ cá cho biết anh vừa chở cá vào TP.HCM xong là quay ra cho chuyến kế tiếp.
Người đàn ông nước da đen như thân gỗ mun vừa trở về từ biển khơi sau 20 ngày đánh bắt ở Hoàng Sa – thuyền trưởng Nguyễn Quang Vũ – nói chuyến này tàu anh trúng lớn hải sâm và cá mú: “Trúng nhất từ đầu năm đến nay, bán hết chỗ này cũng trên dưới tỉ bạc. Trừ chi phí anh em mỗi người kiếm được bốn, năm chục triệu”.
“Từ khi có lệnh cấm, tôi trực icom liên tục để theo dõi tình hình đoàn viên, động viên nhau cảnh giác và đoàn kết - Ông Nguyễn Quốc Chinh (chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) |
Trúng lớn nhưng cũng là chuyến bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu nhiều nhất từ đầu năm đến nay.
“Tàu họ đuổi nguyên hai đêm, pha đèn sáng rực. Mình vòng qua vòng lại tránh né thôi. Tới sáng tàu nó bỏ đi thì mình quay lại đánh tiếp, đánh hai đêm đầy khoang mới về”, anh Vũ kể.
Khu vực tàu anh Vũ đánh là ở đảo Đá Lồi. Nhiều ngư dân khác trở về từ Hoàng Sa hôm nay cũng gặp chuyện tương tự nhưng không ai tỏ ra sợ hãi.
Mùa này là mùa biển chính của ngư dân hành nghề lặn ở Hoàng Sa. Trai tráng từ xã Bình Châu và huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) ngồi dọc các quán cà phê gần cảng trò chuyện, bên cạnh là balô quần áo đi biển.
Thuyền trưởng tàu QNg 95705 Phạm Văn Phương và thuyền trưởng tàu QNg 90569 Phạm Mỹ (xã Bình Châu) là hai anh em ruột cùng tấp vào cảng Sa Kỳ nhập nhu yếu phẩm. Đôi tàu anh em này cũng vừa trở về cảng Sa Kỳ cách đây một tuần, sau khi nghỉ ngơi hôm nay ra biển trở lại.
Thuyền trưởng Mỹ bảo rằng năm nào Trung Quốc cũng ra lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông thời gian này. Cũng chả có ai quan tâm.
“Khi nào Nhà nước mình cấm thì tụi tui nghỉ chứ Trung Quốc cấm thì kệ. Năm nào chả cấm. Nếu bọn tôi quan tâm chắc bỏ Hoàng Sa mấy năm nay rồi”, thuyền trưởng Mỹ nói.
Khi tàu anh Phương còn đang chất nhu yếu phẩm thì người anh trai Phạm Mỹ đã xình xịch nổ máy ra khơi. Lập tức tàu cá QNg 96147 của ngư dân Nguyễn Quang (huyện Lý Sơn) vội lấp chỗ trống chuyển đá lạnh xuống tàu. Chuyến này tàu ông Quang dự tính sẽ đánh bắt ở khu vực biển gần đảo Phú Lâm.
Theo kinh nghiệm của ông Quang, mùa này cá mú, cá mó và hải sâm ở khu vực đó rất nhiều. Lấy hải đồ ra với hai dấu chấm nhỏ viết bằng bút chì, ghi dòng chữ “khu vực tháng 5”, thuyền trưởng Quang nói: “Tôi đánh dấu vị trí này, cứ đến tháng 5 là ra đánh. Đảm bảo trúng, bãi rạn đó tháng này như ổ hải sản”.
Ngư dân Hiền Anh (trái), người từng bị Trung Quốc đánh đập, vẫn can trường ra khơi – Ảnh: TRẦN MAI |
Đoàn kết hơn, chống lệnh cấm vô lý
Trên tàu cá của thuyền trưởng Phương, tôi gặp lại ngư dân Nguyễn Lê Hiền Anh. Tháng 5-2014, chàng ngư dân 26 tuổi này trở về cảng Sa Kỳ bằng cáng cứu thương với cơ thể đầy thương tích.
Hôm đó là rạng sáng, 12 người đi lặn, chỉ còn Hiền Anh và một ngư dân khác tên Hải ở trên tàu lo hậu cần thì bị hai canô chở đầy lính Trung Quốc áp sát mang theo vũ khí, dùi cui tấn công đập phá ngư cụ. Hải bị đánh gãy tay, còn Hiền Anh thì bầm giập cả người.
Vết thương ở chân ngày đó vẫn còn sẹo. Và giờ đây chàng ngư dân trẻ đến tháng 5 lại sắp có mặt ở Hoàng Sa. Hiền Anh cười tếu táo: “Hồi bị đánh con mới sinh, giờ nó 3 tuổi rồi. Con ăn nhiều, thằng cha phải ra Hoàng Sa nhiều hơn chứ nghỉ ở nhà nó la”.
Trên tàu của Hiền Anh không chỉ có ngư dân Bình Châu mà còn có cả những ngư dân từ Khánh Hòa đi làm cùng. Ngư dân Phạm Thanh dù đã ngoài ngũ tuần nhưng sức vóc chẳng thua gì thanh niên. Ông bảo đã gần 10 năm đi Hoàng Sa, gần như phiên biển nào cũng gặp tàu Trung Quốc.
“Khi có lệnh cấm thì tàu Trung Quốc quần thảo ráo riết hơn. Nhưng mà nói thiệt, già như tui còn không sợ thì nói gì bọn thanh niên. Tháng này tàu cá ngư dân mình hoạt động gần nhau hơn, giữ cự ly để ứng cứu nếu chẳng may bất trắc”, ông Thanh nói.
Phiên này, nhóm tàu của Phương và bạn bè có sáu chiếc cùng ra khu vực đảo Bạch Quy đánh bắt. Họ sẽ đi thành một đội hình.
Khi chiếc tàu anh Phương nổ máy thẳng tiến về phía biển là lúc trời vừa đứng bóng. Đến cuối ngày, có 37 tàu từ cảng Sa Kỳ ra khơi. Ông Viên, thuyền trưởng tàu QNg 90649 là người cuối cùng rời cảng Sa Kỳ trong ngày, cho biết chuyến này ông cần 14 người đi bạn, nhưng vì vào mùa, chỉ có 9 người. Thiếu vẫn phải ra khơi “vì anh em đi hết rồi, nóng ruột lắm”.
Chiều trên cảng cá Sa Kỳ dần xuống. Biển hiền hòa mở rộng đón những người con cần mẫn thân thương mà rất ngoan cường.
Ông Nguyễn Việt Thắng (chủ tịch Hội Nghề cá VN): Kêu gọi ngư dân bám biển và hỗ trợ cho bà con Lệnh cấm ngư dân đánh bắt cá của Trung Quốc (từ 1-5 đến 16-8, trên các vùng biển, trong đó có vùng biển phía đông đường phân định vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam) không có giá trị về pháp lý, vi phạm Luật biển của VN và luật pháp quốc tế. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội Nghề cá VN đều động viên ngư dân bám biển. Đồng thời khuyến nghị với bà con: bám biển cũng phải đảm bảo an toàn, tổ chức đi biển theo đoàn, đội để hỗ trợ nhau khi có sự cố xảy ra. Trên biển có các lực lượng biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển thực hiện công tác của mình. Trong những tình huống có sự cố, đề nghị các lực lượng này tăng cường hoạt động để bảo vệ tính mạng và tài sản của ngư dân, để ngư dân thực hiện quyền đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền VN của ngư dân VN. |