Game show Việt: Mạnh ai nấy diễn, mạnh ai nấy ‘xàm’
Chất lượng các game show đang trở thành “điểm nóng” trong mối quan tâm của bạn đọc, khi có đến 1.500 ý kiến gửi đến toà soạn Tuổi Trẻ từ sau ‘sự cố’ giữa nghệ sĩ Trung Dân và Hương Giang trong một game show.
Game show Việt: Mạnh ai nấy diễn, mạnh ai nấy ‘xàm’
Chất lượng các game show đang trở thành “điểm nóng” trong mối quan tâm của bạn đọc, khi có đến 1.500 ý kiến gửi đến toà soạn Tuổi Trẻ từ sau ‘sự cố’ giữa nghệ sĩ Trung Dân và Hương Giang trong một game show.
Biếm hoạ ủa L.A.P |
Một lý do đáng quan tâm là lâu nay nhiều khán giả cũng dễ dãi, nên dù có thể biết đó là các game show nhảm nhưng vẫn xem và nhà sản xuất thấy có nhiều người xem nên vẫn sản xuất chương trình. |
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã |
Phần lớn bạn đọc bày tỏ sự lo ngại về chất lượng game show đang đi xuống hiện nay.
Nghệ sĩ lên ‘thớt – Nhà đài ở đâu?
Bạn đọc “5 tri” cho rằng các nghệ sĩ thường ăn nói thiếu tế nhị và thậm chí thiếu văn hóa trong các game show hài.
Bạn đọc Người miền Tây nhận xét các game show ngày càng nhiều mà na ná nhau, còn “ban giám khảo lúc nào cũng khen thí sinh như đúng rồi, nhận xét đánh giá không đúng tầm của bạn giám khảo”.
Hay như ý kiến của bạn đọc KVân: “Những người ngồi ghế giám khảo ở không ít game show nhí nhố với những lời nói phản cảm, thiếu tôn trọng khán giả, có lúc cứ thế la hét, nói nhảm nhí, có lúc ra vẻ dạy đời nghe rất khó lọt tai”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đạo diễn Quốc Thảo nhận định: “Đang có một xu hướng đáng báo động là các nghệ sĩ tham gia game show hiện nay sử dụng hình thức diễn ngẫu hứng, mà ngẫu hứng trần trụi.
Thật ra ở nước ngoài hình thức diễn này có rồi nhưng người ta có đường dây kịch bản, có nội dung rõ ràng, nghệ sĩ phải theo đúng đường dây này.
Còn các nghệ sĩ của ta là khai thác chủ nghĩa tự nhiên (bản năng) sân khấu. Mạnh ai nấy diễn, mạnh ai nấy xàm. Bản năng không phải là sáng tạo.
Tham gia hết game show này đến game show khác bản năng nghệ sĩ cũng cạn kiệt dần. Tiếng cười không chỉ để cười mà cần phải bao hàm ý nghĩa gì đó”.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng đâu phải chỉ có diễn viên, nghệ sĩ ngồi ghế nóng hay tham gia game show mới phải “đứng mũi chịu sào” cho chất lượng game show.
Nhiều khán giả đã thẳng thắn đặt câu hỏi nếu có chuyện gì thì nghệ sĩ bị đưa lên “thớt”, trong khi một game show phát sóng phải trải qua nhiều khâu, vậy vai trò của đạo diễn, biên tập, nhà đài ở đâu khi để lọt sóng những game show kém chất lượng?
Bạn đọc Da Nang nói với nhà đài: “Không thể để quá nhiều game show lố bịch, nhí nha nhí nhố, nhảm nhí… ngang nhiên phát sóng tràn lan như hiện nay!”.
Khán giả phải có khả năng tự vệ văn hoá
Ở góc nhìn người trong cuộc, đạo diễn Chánh Trực cho rằng phần lớn các game show hiện nay không làm theo khuôn mẫu sẵn mà cần sự tương tác, ứng biến tức thời ngay trường quay để tạo sự tự nhiên và tính hấp dẫn.
“Khi đã chọn lựa điều này dĩ nhiên người làm chương trình phải chấp nhận cái giá của nó. Bởi không phải người chơi nào cũng giỏi xử lý”.
Ông đưa ra ví dụ rằng cùng là hình thức đố tục giảng thanh, người có kinh nghiệm, có khả năng nói ra sẽ là miếng hài duyên dáng, còn người không duyên sẽ biến câu nói trở nên thô tục.
Để điều khiển và giữ chất lượng chương trình, đạo diễn, biên tập phải là những người bản lĩnh, có tiếng nói để kiểm soát mọi việc, cố gắng lường trước tất cả mọi việc có thể xảy ra. Mạnh dạn can thiệp một cách quyết liệt với những sự cố xảy ra tại trường quay.
Đừng quá nể vì các ngôi sao, nương theo họ. Ví von biên tập, đạo diễn chương trình như người làm vườn, đạo diễn nhấn mạnh:
“Biên tập, đạo diễn cũng như người làm vườn, nếu mình dung túng cho cái sai thì sẽ tạo mảnh đất màu mỡ cho những điều không hay nảy nở, và khi đã tràn lan rồi thì khó mà kiểm soát…”.
Vậy nếu biên tập, đạo diễn làm chỉn chu, nghệ sĩ ứng đối tốt, những game show hài nhảm còn chiếm sóng không?
Hay làm sao để truyền hình chỉ còn những món ăn tinh thần ngon lành? Ở đây còn có vai trò quan trọng của khán giả, như nhận định của biên kịch Trịnh Thanh Nhã:
“Khán giả phải có khả năng tự vệ văn hoá. Như vậy mới góp phần loại bỏ các game show nhảm nhí. Các game show càng nhảm nhí thì càng dễ xuất hiện các sự cố, chuyện hỗn hào, ứng xử không có văn hoá… là điều đương nhiên.
Phản ứng của xã hội chúng ta, của truyền thông, báo chí với các chương trình đó lại hơi chậm”.
Theo kết quả thăm dò trên Tuổi Trẻ Online về game show, hiện có gần 3.000 ý kiến đánh giá, 1656 ý kiến chọn quá dễ dãi và phản cảm, 1062 ý kiến chọn tắt tivi hoặc chuyển kênh. |
Tập mới nhất của Siêu sao đoán chữ (phát sóng tối 15-5 trên kênh HTV7) đã cắt hình ảnh của Hương Giang Idol trong chương trình. Trước câu hỏi liệu trong các tập mới Hương Giang có xuất hiện trở lại không, đại diện lãnh đạo Đài truyền hình TP.HCM trả lời: “Chuyện xuất hiện hay không xuất hiện hình ảnh một nghệ sĩ trong một chương trình truyền hình cũng là điều hết sức bình thường của công tác truyền hình, bởi từ khâu sản xuất đến khâu phát sóng là một quá trình dài, có sự thay đổi”. |