11/01/2025

Chấn thương sọ não trẻ em nhiều nhất ở 3-5 tuổi

Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) nhận hàng chục trẻ em bị chấn thương đầu. Nhiều trẻ phải mổ vì chấn thương sọ não, có trẻ tử vong rất đau lòng khi người nhà vừa đưa tới khoa cấp cứu…

 

Chấn thương sọ não trẻ em nhiều nhất ở 3-5 tuổi

 Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) nhận hàng chục trẻ em bị chấn thương đầu. Nhiều trẻ phải mổ vì chấn thương sọ não, có trẻ tử vong rất đau lòng khi người nhà vừa đưa tới khoa cấp cứu…

 

 

 

Chấn thương sọ não trẻ em nhiều nhất ở 3-5 tuổi
Một bé bị chấn thương sọ não nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 – Ảnh: L.TH.H.

Tại khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2, trung bình một tuần có 5-6 trẻ bị chấn thương sọ não phải mổ, cá biệt có ngày các bác sĩ phải mổ đến 5 trẻ.

Té võng bất ngờ

Ngày 10-5, tại khoa ngoại thần kinh của bệnh viện có đến 40 trẻ bị chấn thương sọ não đang nằm điều trị. Có trẻ nằm viện cả tháng nhưng vẫn còn mê, co giật, vô thức do chấn thương sọ não quá nặng.

Điển hình là bé N.T.N. (2 tuổi, Kiên Giang) bị té võng từ ngày 9-4. Mẹ bé N. cho biết hai chị em bé N. nằm võng chơi với nhau. Sau đó bé N. bị té xuống đất, đập đầu vào thành võng bằng gỗ. Té xong bé khóc nhưng vẫn tự ngồi dậy được.

Lúc đầu mẹ bé nghĩ bé té bình thường nhưng một tiếng sau thấy bé co giật, sốt, màng tang tai trái bị bầm, chị liền đưa con đến một bệnh viện huyện.

Một bác sĩ của bệnh viện này khám xong nói bé N. sốt co giật chứ không bị gì hết.

Sau đó thấy bé N. co giật nhiều, mẹ bé xin chuyển bé lên Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.

Bác sĩ chẩn đoán bé bị chấn thương sọ não, mổ ngày 10-4. Ngày 18-4, Bệnh viện Kiên Giang chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị tiếp.

Theo BS CK2 Đặng Xuân Vinh – phó khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2, sau khi té võng bé N. bị máu tụ dưới màng cứng, điểm glasgow (thang điểm đánh giá tri giác về mắt, lời nói, vận động) của bé trước mổ chỉ có 6 điểm (bình thường 15 điểm) là rất nặng, bé không tự thở được nên phải thở máy.

Sau ba tuần hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé N. đã tự thở được, mở mắt nhưng không tiếp xúc, không nhận biết được xung quanh. Bé N. còn phải nằm viện lâu và việc hồi phục của bé thế nào chưa thể đánh giá hết được.

Chỉ một giây sơ sẩy

Theo BS Xuân Vinh, nguyên nhân trẻ bị bệnh này chủ yếu do tai nạn trong sinh hoạt, kế đến là tai nạn giao thông và nguyên nhân khác.

Tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ là: té võng; mắc võng vào tủ, cột… và bị đổ xuống gây chấn thương cho trẻ đang nằm võng; té ngã do trẻ leo cổng rào, cổng rào đổ xuống; té gác, lầu hoặc cầu thang khi ở nhà, trong đó té gác rất thường gặp ở các bé là con em công nhân ở trọ tại một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai.

Trẻ trèo lên tủ, kệ để tivi và tủ đổ xuống khiến tivi (tivi đời cũ rất to và nặng) rơi trúng đầu; trẻ được anh, chị lớn hơn vài tuổi ẵm và làm rớt bé xuống; tổn thương não do anh chị của bé chơi đùa dùng tay lắc người bé quá mạnh, khiến não bị va chạm vào hộp sọ; té ở trường do khi chơi xô đẩy nhau, té do trượt chân trên nền nhà ướt…

Chấn thương sọ não trẻ em xảy ra nhiều nhất ở trẻ 3-5 tuổi, với trẻ trai nhiều hơn trẻ gái do các bé tuổi này rất hiếu động, hay chạy nhảy, chưa biết các nguy cơ nguy hiểm.

Khi trẻ bị té ngã, có nguy cơ cao bị chấn thương sọ não, người nhà cần bình tĩnh, đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để bác sĩ khám. Không nên bằng mọi giá đưa trẻ đến ngay bệnh viện tuyến cao vì sẽ gây nguy hiểm cho bé nếu đã bị chấn thương nặng, bé có thể vào sốc, suy hô hấp, co giật…thì không trở tay kịp và cũng không biết xử trí thế nào, phải ghé bệnh viện gần nhất để cấp cứu.

Tránh mọi nguy cơ

Để tránh chấn thương sọ não cho trẻ nhỏ, BS Xuân Vinh khuyến cáo gia đình cần phòng ngừa hết mọi nguy cơ có thể xảy ra tai nạn cho trẻ. Các đồ vật sử dụng, thiết kế trong nhà cần tránh tối đa nguy hiểm cho trẻ.

Cụ thể, lan can gác phải thiết kế không leo ra được, cầu thang gác cần có cửa chắn và chốt không mở được. Không để bé tự đi cầu thang một mình, phải luôn có người lớn đi cùng quan sát. Trong nhà có tủ để vật nặng bên trên phải cột cố định để tránh trẻ leo lên làm rơi trúng người.

Khi trẻ nằm võng phải có người lớn cùng nằm, không để hai trẻ nằm chung võng đùa giỡn, dễ té xuống đất. Giường ngủ nên làm chân thật thấp, nên để nệm phía dưới giường. Hạn chế kê nhiều bàn ghế trong nhà, sử dụng bàn loại không có cạnh vuông, nhọn, để trẻ đi không bị va chạm gây tổn thương sọ não, không nên để ghế cho trẻ dễ dàng leo lên…

Nhận biết trẻ bị chấn thương sọ não

Ói mửa (nôn) nhiều lần, co giật và ngủ “gà”. Ói do té ngã khác với ói bình thường (sốt, ho, tiêu chảy cũng ói) là trẻ ói rất mạnh, nhiều lần (3-4 lần/giờ). Ói xong bé dễ chịu hơn một chút nhưng sau đó tiếp tục ói trở lại.

Cùng với ói nhiều, tri giác của bé cũng lừ đừ đi, bé buồn ngủ, ngủ gà (gọi thì bé mở mắt lơ mơ, không gọi sẽ ngủ hoài).

Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như chảy dịch qua mũi, họng, lỗ tai, lõm sọ.

58% trẻ bị chấn thương sọ não dưới 4 tuổi

Một nghiên cứu về chấn thương sọ não ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 do các bác sĩ của bệnh viện này và Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện trên 341 trẻ nhập viện từ 1-7-2015 đến 30-6-2016 cho thấy: hơn 58% trẻ bị chấn thương sọ não dưới 4 tuổi, gần 28% là 5-9 tuổi, còn lại là 10-15 tuổi. Có 12 trẻ chết, 8 trẻ bị di chứng nhẹ.

LÊ THANH HÀ , [email protected]