Biên soạn sách bằng cách photo sách người khác
Một cuốn sách về kỹ thuật điện được “biên soạn” bằng cách photo… nguyên bản từ một cuốn sách của người khác, viết lại phần lời nói đầu và đổi tên tác giả.
Biên soạn sách bằng cách photo sách người khác
Một cuốn sách về kỹ thuật điện được “biên soạn” bằng cách photo… nguyên bản từ một cuốn sách của người khác, viết lại phần lời nói đầu và đổi tên tác giả.
Cuốn sách Tính toán thiết kế hệ thống phân phối truyền tải điện của Nguyễn Văn Tuệ bị phát hiện có nội dung giống hoàn toàn cuốn Thiết kế cấp điện của tác giả Ngô Hồng Quang – Vũ Văn Tẩm – Ảnh: TRẦN HUỲNH |
Mới đây, một nhóm giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) đã phát hiện hai cuốn sách của các tác giả khác nhau nhưng có nội dung giống nhau đến từng từ, công thức, đơn vị…, cùng một nhà xuất bản (NXB).
Theo đó, cuốn sách Thiết kế cấp điện của tác giả Ngô Hồng Quang – Vũ Văn Tẩm (do NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật ấn hành, in lần thứ 9, có sửa chữa, bổ sung tháng 11-2011) đã bị tác giả Nguyễn Văn Tuệ (TP.HCM) photo 100% nội dung, đổi tựa sách thành Tính toán thiết kế hệ thống phân phối truyền tải điện (do Công ty TNHH văn hóa Trí Dân, TP.HCM liên kết với NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật ấn hành vào tháng 1-2012).
Mua bản quyền tác giả từ… người mang sách photo đến
Theo ông Trần Khánh Duy, giám đốc Công ty TNHH TM-DV văn hóa Trí Dân, năm 2010 ông Nguyễn Văn Tuệ tìm đến công ty này, mang theo mấy bản thảo cuốn sách về kỹ thuật điện và đề nghị hợp tác xuất bản.
“Ông Tuệ nói sách do ông biên soạn. Tôi chỉ nhìn tựa sách, đọc sơ nội dung và quyết định làm hai cuốn Tính toán thiết kế hệ thống phân phối truyền tải điện, Thiết kế dây quấn – quấn dây điện máy của ông Tuệ” – ông Duy cho biết.
Ông Duy cho chúng tôi xem bản thảo cuốn sách mà ông Tuệ đã đem đến, có tựa Thiết kế hệ thống cấp điện và lắp đặt công trình điện. Bản thảo này chỉ có trang lời nói đầu được viết tay, còn lại toàn bộ nội dung như được photocopy. Ngay cả trong lời nói đầu của bản thảo này cũng có nhiều đoạn chép nguyên văn lời nói đầu cuốn sách Thiết kế cấp điện của tác giả Ngô Hồng Quang – Vũ Văn Tẩm.
Ông Duy thừa nhận: “Thực sự, khi liên kết xuất bản tôi chỉ xem qua nội dung cuốn sách thôi, chứ không biết nội dung có trùng với sách nào khác. Khi làm hợp đồng mua bán bản quyền, ông Tuệ có đưa giấy CMND và cam kết về bản quyền tác giả. Dựa trên bản thảo này tôi biên tập, sắp chữ lại và tổ chức thành một bản thảo hoàn chỉnh.
Là đơn vị liên kết xuất bản, chúng tôi thực hiện đầy đủ các thủ tục bản quyền tác giả, biên tập nội dung không sai trái quan điểm chính trị. Sau đó, tôi gửi bản thảo ra NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật để họ biên tập và cấp phép, rồi tôi mới đưa đi in”.
Tuy nhiên, theo “hợp đồng mua bán bản quyền” được ký kết ngày 23-11-2010 giữa Công ty TNHH TM-DV văn hoá Trí Dân và ông Nguyễn Văn Tuệ (Q.Tân Phú, TP.HCM) không có một điều khoản nào thể hiện sự cam kết của tác giả về quyền sở hữu trí tuệ cuốn sách này.
Sau khi xem, đối chiếu nội dung giữa hai cuốn sách nói trên, chúng tôi mang sách đến cho ông Duy và ông này thừa nhận: “Đúng là cuốn sách Tính toán thiết kế hệ thống phân phối truyền tải điện được copy từ cuốn Thiết kế cấp điện của tác giả Ngô Hồng Quang”.
“Tôi rất bất ngờ. Thấy ông Tuệ lớn tuổi rồi (sinh năm 1933), có sách mảng kỹ thuật, nội dung rất bài bản nên tôi đồng ý hợp tác làm sách. Trước khi làm sách này, tôi cũng được biết trên thị trường sách về kỹ thuật ông Tuệ đứng tên tác giả rất nhiều, do các NXB lớn ấn hành” – ông Duy nói.
“Tham khảo nhiều sách rồi biên soạn lại”!
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Tuệ ở Q.Tân Phú. Khi chúng tôi đưa ra cuốn sách Tính toán thiết kế hệ thống phân phối truyền tải điện, ông Tuệ nhận ngay đó là sách của mình và cho biết còn có cuốn Thiết kế dây quấn - quấn dây điện máy cùng làm chỗ Công ty Trí Dân nữa. “Trong quá trình công tác, tôi thường để dành nhiều tài liệu nghiên cứu. Sau khi về hưu, khoảng năm 1998 tôi ở nhà đọc lại tài liệu, sách cũ để biên soạn sách”.
Ông Tuệ còn cho hay: “Tôi tham khảo nhiều sách rồi chọn ra, tổng hợp, biên soạn lại cho phù hợp với tên gọi của sách, làm thành bản thảo. Tôi giới thiệu bản thảo đến NXB, nhà sách nào coi thấy nội dung phù hợp, muốn kinh doanh thì người ta mua lại bản thảo; về họ đánh máy, đồ hoạ, biên tập lại để in sách xuất bản. Tôi bán bản thảo chỉ hưởng 10% giá bìa cuốn sách”.
Chúng tôi tiếp tục đưa ra cuốn Thiết kế cấp điện của tác giả Ngô Hồng Quang – Vũ Văn Tẩm. Ông Tuệ xem qua nội dung rồi nói: “Sách về thiết kế điện nên nội dung cũng phải giống nhau thôi. Tôi chỉ biết Ngô Hồng Quang là giáo viên dạy Trường ĐH Bách khoa thôi chứ không quen. Tôi thấy ông Quang viết sách giỏi, hay nên tôi mua về học, làm việc, và sau này nghỉ hưu tôi lấy tài liệu này tham khảo để biên soạn sách”.
Lừa đơn vị liên kết và cả nhà xuất bản Theo TS Huỳnh Bá Lân – nguyên giám đốc NXB ĐHQG TP.HCM, hiện nay các NXB chỉ thường làm việc với các đơn vị liên kết tư nhân, ít khi làm việc trực tiếp với tác giả sách. Những đơn vị liên kết mua bản quyền tác giả, tự tổ chức bản thảo, chịu trách nhiệm về tác quyền, sau đó đưa sang các NXB để liên kết xuất bản. Nhân thân của tác giả thể hiện trên hợp đồng mua bán bản quyền. Những thủ tục về nguồn gốc sách đó đều do công ty liên kết chịu trách nhiệm. “Trước đây, ông Nguyễn Văn Tuệ thường bán bản quyền tác giả cho Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa, và đơn vị này thường liên kết với NXB ĐHQG TP.HCM để ấn hành sách. NXB chỉ có trách nhiệm biên tập bản thảo xem nội dung có phù hợp hay không. Cách đây 7-8 năm, vì có người phát hiện một cuốn sách của tác giả Nguyễn Văn Tuệ lấy nội dung từ sách của tác giả khác nên chúng tôi có mời Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa lên làm việc. Họ có đưa ra hợp đồng mua bán bản quyền với ông Tuệ, cùng bản thảo chép tay cuốn sách. Sau đó, chúng tôi mời ông Tuệ đến để làm rõ. Tại đây, ông Tuệ đã thừa nhận “có tham khảo một số sách, thấy hay nên chép lại”. Rõ ràng ông Tuệ đã lừa đơn vị liên kết và cả NXB. Từ đó, chúng tôi từ chối làm sách của tác giả này” – ông Lân nói. |