2-3 tiết tiếng Anh/tuần chỉ đủ dạy 1 kỹ năng!
Sau bài “Học tiếng Anh quá ít cũng gây… quá tải” của ThS Nguyễn Hồ Thuỵ Anh, nhiều giáo viên đang trực tiếp đứng lớp ở các trường phổ thông cũng đã có phản hồi xung quanh vấn đề trên.
GÓP Ý DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỔNG THỂ:
2-3 tiết tiếng Anh/tuần chỉ đủ dạy 1 kỹ năng!
Sau bài “Học tiếng Anh quá ít cũng gây… quá tải” của ThS Nguyễn Hồ Thuỵ Anh, nhiều giáo viên đang trực tiếp đứng lớp ở các trường phổ thông cũng đã có phản hồi xung quanh vấn đề trên.
Một tiết học tiếng Anh của học sinh Trường tiểu học Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM – Ảnh: H.HG. |
“Hiện nay, nhiều học sinh đã học tiếng Anh trong trường phổ thông nhưng vẫn phải đi học thêm, đó là vì: học sinh học chính khóa chưa đủ kiến thức để hiểu bài, làm bài kiểm tra, nên các em phải đi học thêm ngoại khoá trái buổi, học thêm tại các trung tâm hoặc tại nhà giáo viên. Điều này là chưa hợp lý, chúng ta cần phải xem xét lại việc dạy và học tiếng Anh chính khoá“ |
Cô Lily Haverty (quốc tịch Anh, giáo viên Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, Q.Tân Bình, TP.HCM):
Một tiết tiếng Anh mỗi ngày
Đa số học sinh Việt Nam đều rất hứng thú và sẵn sàng học tiếng Anh. Các em thông minh, hầu hết đều hiểu lợi ích của việc sử dụng tiếng Anh. Nếu mỗi tuần học sinh học từ 2-3 tiết tiếng Anh thì chỉ đủ thời gian cho giáo viên dạy được một chủ đề, hoặc rèn luyện được một kỹ năng trong số bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết mà thôi.
Tôi cho rằng các em học sinh cần được học tiếng Anh mỗi ngày là tốt nhất. Nếu có thể thì một tiết tiếng Anh mỗi ngày sẽ giúp học sinh tiến bộ rất nhiều về khả năng hiểu tiếng Anh, và quan trọng hơn là sẽ giúp học sinh tăng mức độ tự tin khi nói tiếng Anh.
Theo tôi, sẽ khó khăn cho giáo viên khi dạy ngôn ngữ thứ hai cho học sinh phổ thông trong những lớp học đông học sinh ở các trường công lập. Nếu lớp học được giảm sĩ số, các em học sinh có thể trở nên tích cực hơn và học hiệu quả hơn, thông qua các hoạt động học tập.
Hiện nay, ở các trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM, thường thì giáo viên tiếng Anh người Việt sẽ đảm nhận dạy phần kỹ năng đọc – viết; giáo viên nước ngoài như chúng tôi sẽ đảm nhận giảng dạy phần kỹ năng nghe – nói.
Tổng cộng, mỗi tuần học sinh tiểu học lớp tiếng Anh tăng cường học tám tiết tiếng Anh, chia ra thành bốn buổi. Đây là thời lượng khá lý tưởng cho việc học tiếng Anh của học sinh.
Thầy Phạm Tất Đạt (nguyên tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THCS Hồng Bàng, Q.5, TP.HCM):
Cần từ 4-6 tiết/tuần
Trước hết, phải xem xét nội dung chương trình học, sau đó mới tính đến số tiết học cho mỗi tuần.
Chương trình tiếng Anh lớp 9 hiện hành có 10 Unit, chỉ học hai tiết/tuần. Ngoài ra, học sinh còn có thêm hai tiết tiếng Anh tự chọn. Còn khối lớp 8, 7 và 6 có 16 Unit tiếng Anh, học ba tiết/tuần, và thêm một tiết tự chọn.
Với số tiết như vậy, giáo viên phải dùng các tiết tự chọn dạy chương trình chính khóa mới hoàn thành được bài học. Còn nếu theo số tiết phân phối thì không thể dạy đủ nội dung kiến thức cho các em.
Theo dự thảo chương trình mới, dạy ngoại ngữ 1 được phân phối ba tiết/tuần. Nếu số Unit là 10, dạy đủ bốn kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), thực hành và làm bài tập, kiểm tra đánh giá thì chắc chắn không thể hoàn thành được. Với ba tiết/tuần thì giáo viên chỉ có thể cung cấp nội dung chương trình, giới thiệu các kiến thức quan trọng trong bài, sẽ không có thời gian luyện tập các kỹ năng cho học sinh và làm bài ôn tập, kiểm tra.
Với mục tiêu học sinh có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2, thì ngoại ngữ 1 ở bậc trung học phải cần ít nhất 4-6 tiết/tuần.
Tôi cho rằng mục tiêu dạy ngoại ngữ để học sinh sử dụng thành thạo tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 (mà chương trình giáo dục phổ thông mới đã xác định) đòi hỏi rất nhiều điều kiện và quá trình rèn luyện của người học.
Chương trình phải bao gồm đủ bốn kỹ năng và tập trung vào các kỹ năng quan trọng theo từng cấp lớp. Nội dung chương trình mới cũng cần phải phù hợp với lứa tuổi người học và thiết thực với cuộc sống thế giới ngày nay.
Việc kiểm tra đánh giá học sinh cũng cần đầy đủ các kỹ năng, để người học có động lực rèn luyện tiếng Anh theo bốn kỹ năng. Nội dung chương trình nặng và chế độ kiểm tra không phù hợp cũng là nguyên nhân đưa đến việc dạy thêm học thêm.