29/12/2024

Sạp báo Sài Gòn

Dẫn người bạn nước ngoài đi vòng quanh thành phố, khi ngồi uống nước với tôi trong một quán nhỏ, anh ta đã đưa ra một nhận xét: ‘Thành phố của anh cái gì cũng có từ tiệm bán thời trang cao cấp, quán ăn của nhiều quốc gia, nhà hàng quán bia rộn rịp nhưng hình như dân anh không đọc báo’.

 

Sạp báo Sài Gòn

Dẫn người bạn nước ngoài đi vòng quanh thành phố, khi ngồi uống nước với tôi trong một quán nhỏ, anh ta đã đưa ra một nhận xét: ‘Thành phố của anh cái gì cũng có từ tiệm bán thời trang cao cấp, quán ăn của nhiều quốc gia, nhà hàng quán bia rộn rịp nhưng hình như dân anh không đọc báo’.



 

Sạp bán báo tại Sài Gòn thập niên 1950 – 1960ẢNH: LIFE

Thế là tự ái nhà báo nổi lên, tôi phản bác bằng cách chỉ một bác xe ôm đang ngồi trên yên xe đọc một tờ báo ngày: “Anh không thấy ông ta làm gì à?”. Anh bạn nước ngoài trả lời câu hỏi của tôi cũng bằng một câu hỏi: “Thế thì họ mua báo ở đâu? Tại nước tôi, thường thì người đọc mua báo tại các ki ốt bán báo trên một số ngã tư đông người qua, mà không chỉ bán báo đâu…”.
Có dịp đi qua một số nước châu Âu, Mỹ… tôi thấy những ki ốt bán báo và tạp phẩm như thuốc lá, kẹo, đôi khi có cả vé số. Những ki ốt này với đủ hình dáng nằm ngay trên lề đường được trưng bày rất đẹp bằng những tờ báo in nhiều màu sặc sỡ đập ngay vào mắt khách bộ hành.
Người xưa đọc báo
Sài Gòn xưa không có những sạp báo bề thế vì diện tích của lề đường không cho phép. Thời đó có 3 kênh phân phối là giao báo tận nhà, mua ở sạp tại một số ngã tư. Thân sạp báo giống như một cái tủ, được gia cố bằng một khung sắt có mái che, chừng 1 m2 và cao 2 m. Các tờ báo hằng ngày được bày trên mặt tủ nếu báo còn dư thì khi “đóng cửa” sẽ được cất vào tủ có khoá ngoài. Tôi không biết các kiểu dáng sạp báo này có được “quy hoạch” đúng quy cách hay không nhưng đều có hình dạng và diện tích như nhau. Còn ở những khu thị tứ thì có những sạp báo khá bề thế, người bán báo có thể ngủ trong đó được luôn như một sạp báo ở đường Nguyễn Chí Thanh mãi đến năm 1985 vẫn còn. Những sạp này bán đủ thứ báo và các loại tạp chí, thậm chí có sạp bán cả những quyển sách mới ra lò như sạp báo quen thuộc của chị H. góc Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và Lê Lợi.
Sạp báo Sài Gòn - ảnh 1

Ki ốt bán báo trên đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn thập niên 1950 – 1960ẢNH: T.L

Và sau cùng là một kênh phát hành báo đắc dụng là những đứa trẻ bán báo trạc tuổi tôi. “Báo đây, báo mới đây, báo mới ra lò nóng hôi hổi đây… Gạo tăng giá, lương công chức cũng sẽ tăng… Tai nạn thảm khốc… Đại dân tộc đòi hỏi hòa bình, báo Dân Chủ Mới nói về sinh viên biểu tình chống bầu cử độc diễn… đây” là những tiếng rao lanh lảnh mà người thời đó thường được nghe khi báo mới được phát hành. Khách vãng lai thường nghe những câu rao báo bùi tai nên chọn ngay những tờ báo có tin gọi là “nóng hổi bù thổi, bù xem”. Nếu không họ sẽ chọn mua báo tại các sạp báo quen thuộc. Nơi đây họ sẽ bình tĩnh lướt qua “mặt bằng” các tờ báo hôm đó để lựa chọn hay lấy tờ báo quen thuộc có đăng truyện dài kỳ (feuilleton) mà họ ưa thích. Sạp báo là nơi quen thuộc của các bác xích lô, xe ôm khi vắng khách.
Cần những sạp báo đàng hoàng, sang trọng
Hình ảnh các sạp báo nho nhỏ làm cho các ngã tư trở nên mềm mại, dịu mắt và đầy văn hoá hơn. Một thời gian sau năm 1975, những sạp báo loại này biến mất vì báo chí lúc ấy được phát hành qua bưu điện cũng một phần là do báo chí thời kỳ đầu còn bao cấp, làm báo theo lối cũ chưa đổi mới nội dung nên người ta cũng chưa cần tìm đọc hằng ngày vì thế sạp báo cũng chưa cần thiết lắm. Thành phố thời đó vắng những sạp báo ngã tư. Một thời gian sau thời kỳ báo chí tự đổi mới, trên lề đường, ngã tư hè phố bắt đầu có những sạp báo nho nhỏ, không kiên cố xuất hiện. Những sạp báo này, đôi khi là cái bàn nhỏ, đôi khi chỉ là cái ghế đựng một chồng báo đang ăn khách. Có người thì cho báo dựa vào tường, còn họ cầm báo đứng ngoài lề đường rao vẫy khách qua đường. Ở một số góc đường cũng có những sạp ra hình dáng sạp báo đàng hoàng, tuy số lượng chỉ lác đác.
Vừa qua, sau chiến dịch “trả lại lề đường cho người đi bộ”, những sạp báo với những hình dạng vừa kể trên lại “tàng hình” một lần nữa vì lý do “lấn chiếm lề đường” của người đi bộ. Khi tôi đi ngang góc đường Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu, nơi đây đã từng có một sạp báo to rồi nhỏ dần, nhỏ dần. Bây giờ chỉ là một vài chồng báo nằm trên lề đường, dựa sát mé tường được giới thiệu bằng vài tờ báo, gia cố bằng một sợi dây dài đặt dọc theo bức tường. Nhớ lại cách đây không lâu, các sạp báo dù dã chiến, tạm bợ nhưng cũng sặc sỡ, đầy màu sắc trông rất bắt mắt. Còn hiện nay, ai có rảnh rỗi thử đi một vòng các con đường trong thành phố này để mua một tờ báo xem sao. Hình như các sạp báo đã rút lui vào bí mật sau chiến dịch dọn dẹp lề đường? Qua tìm hiểu, được biết nhiều sạp báo đã rút vào trong hẻm.
Sạp báo Sài Gòn - ảnh 2

Một sạp báo trong hẻm 306 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCMẢNH: THẢO THƯƠNG

Sạp báo lề đường nhìn về mặt kinh tế cũng là một loại mặt hàng phải bán trên vỉa hè phục vụ cho ông đi qua bà đi lại. Đây là một mặt hàng dành cho những người muốn biết về tình hình thời sự, chính trị và văn hoá. Chính những sạp báo lề đường là nơi cung cấp cho mọi người thông tin về sự phát triển của thành phố, của đất nước nhanh nhạy và hiệu quả hơn phòng thông tin văn hóa quận hay các cơ quan tuyên truyền. Sạp báo lề đường là một kênh phát hành cho những tờ báo, là bộ phận không thể thiếu được để đưa báo đến tay bạn đọc. Thế mà các sạp báo lề đường bị đối xử ngang cấp cùng với những gian hàng cóc ổi, mía ghim, bò bía, cháo huyết…
Sạp báo bán hàng thuộc loại văn hoá phẩm, cần phát triển để báo chí, tiếng nói của Đảng và đoàn thể đến tận tay quần chúng, tại sao lại không được quan tâm? Chí ít một sạp báo đàng hoàng, sang trọng sẽ làm đẹp về cảnh quan cũng như đời sống tinh thần cho thành phố, để sau này, sẽ không còn ai bị một người nước ngoài hỏi câu cắc cớ: “Thành phố này không ai đọc báo hay sao mà tôi không thấy chỗ nào bán báo cả?”. Nên chăng, chính quyền nên phân cấp cho mỗi quận, huyện chọn những ngã tư hoặc lề đường rộng rãi, quy hoạch một hình thức nhất định cho các sạp báo nhỏ chiếm diện tích chừng 2 m2 và có thu thuế đàng hoàng.

 

Lê Văn Nghĩa