23/01/2025

Hội thề không tham nhũng vẫn còn nguyên giá trị

Hội Minh Thề, nơi có lễ thề không tham nhũng, vừa trở thành di sản phi vật thể quốc gia. Và câu chuyện chống tham nhũng của người xưa không chỉ bó gọn trong hội thề này.

 

 

Hội thề không tham nhũng vẫn còn nguyên giá trị

Hội Minh Thề, nơi có lễ thề không tham nhũng, vừa trở thành di sản phi vật thể quốc gia. Và câu chuyện chống tham nhũng của người xưa không chỉ bó gọn trong hội thề này.




Các nghi thức trong hội Minh Thề	 /// Ảnh: Trang Lý

Các nghi thức trong hội Minh ThềẢNH: TRANG LÝ

Hội xưa trở lại
Đã ngoài 80 tuổi, cụ Phạm Đăng Khoa (thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) vẫn không quên được ngày đầu tiên được mặc quần áo mới đi xem hội Minh Thề (Minh Thệ), ngày trước Cách mạng Tháng 8. “Khi đó tôi khoảng mười mấy tuổi, đi theo ông nội ra xem thề xem tế. Cụ phải quần chùng áo the khăn xếp, đi giày Gia Định. Tiếc là kiểu giày này giờ tìm không được để đi cho đẹp”, cụ Khoa nhớ lại.
Hội thề không tham nhũng vẫn còn nguyên giá trị - ảnh 1

Đọc lời thề trong hội Minh ThềẢNH: LÊ TÂN

Tới năm 2002, khi huyện tổ chức khôi phục lại hội, cụ Khoa vui vô cùng. Nhiều cụ khi đó đã 80 – 90 tuổi cũng cùng tâm trạng. “Chúng tôi phải họp để nhớ, ghi lại. Ai chứng kiến thế nào thì kể lại, ghi lại. Chúng tôi hỏi nhau về cách diễn đạt, cách vẽ vòng thiêng trong hội thề. Cụ Phù, cụ Trúc, cụ Mọc… và nhiều cụ nữa cũng đã từng được tham gia kể lại để ghi chép. Hồi đó cứ tuổi mười tám trở lên là được tham gia”, cụ Khoa nói. 

 
 
Trong bản văn của hội Minh Thề có đoạn: “Ở trong việc thi hành pháp luật sẽ được Thánh đức xét soi. Nếu người nào chứa chấp của gian tà, bao che kẻ trộm cắp, thần linh sẽ điều tra xét hỏi, công tư rõ ràng, lấy quyền hành chính trực chiếu theo luật thề này mà trị tội. Khi đã rõ ràng cứ việc thi hành đừng bảo rằng là tệ ác. Chiếu theo công việc, mong Thánh đức ban khen như phong tục đã định. Chúng dân sẽ ngoan ngoãn tuân theo sự công bằng của pháp lý”.

 


Các cụ cũng còn tìm đọc những bản dịch hương ước, bia đá, thư tịch, văn tự cổ. Hồ sơ di sản của hội cho biết các bước, thứ tự diễn ra trước đài thề, cách thức đọc văn thề, cách thức dâng dao bầu, dâng kim kê (gà trống), cách thức cắt máu ăn thề… đều theo tục lệ của làng ghi trong bản Tục lệ năm 1923. Sau đó, kịch bản 10 trang cho hội Minh Thề mới được cụ Khoa soạn ra, trình xã và huyện đọc. “Khi bắt đầu manh nha ý tưởng khôi phục lễ hội, điều tôi lo lắng nhất là bị coi là mê tín dị đoan. Đến khi lãnh đạo huyện đọc kịch bản thấy hợp lý nên đồng ý cho làng khôi phục lễ hội”, cụ Khoa nói.
Ông Lại Đình Ngọc, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hải Phòng, cho biết sau năm 1945, Minh Thề bị gián đoạn một thời gian dài. Mãi đến năm 1993, khi cụm di tích đền chùa Hoà Liễu được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, nhân dân địa phương bắt tay vào việc phục dựng lễ hội truyền thống. Hội Minh Thề chính thức được phục dựng vào năm 2002. Lễ hội được tổ chức vào 14 tháng giêng âm lịch hằng năm.
Cụ Khoa cho biết khôi phục xong lễ hội, các bậc cao niên trong làng đi tìm người tâm huyết để truyền dạy, để có người lo tổ chức và bảo tồn sau này. Hiện tại, anh Phạm Văn Cường (30 tuổi, nhân viên công ty cây xanh), anh Nguyễn Văn Tuyên (42 tuổi, nghệ sĩ hát chèo ở làng) rất nhiệt tình học. Hằng năm, trước lễ hội 2 tháng, các anh đều phải gặp các cụ để tập luyện đọc hịch, nghe giảng nghi lễ, giải thích kịch bản. “Tế thần tế thánh thì tôi vẫn đọc. Nhưng phải có các anh đọc hịch hội cơ. Đọc hịch hội mới khó. Đọc phải dõng dạc, chân phải đứng chữ đinh, rồi thì quần chùng áo the, khăn đội đầu, khăn đỏ thắt ngang lưng… Như thế đọc hịch tuyên thệ không tham nhũng mới mạnh mẽ chứ”, cụ Khoa hào hứng nói. Ngoài tốt giọng, nhiệt tình, người đọc hịch được chọn phải có gia đình trọn vẹn, con cái ngoan ngoãn.
Lãnh đạo nên về thề cùng với dân
Hồ sơ di sản phi vật thể của hội Minh Thề cho biết hội do bà Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (vợ Thái tổ Mạc Đăng Dung) tiếp thu nghi lễ các đời trước mà tạo nên.
PGS-TS Vũ Thị Phụng, Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và quản trị văn phòng, ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết có thể coi hội Minh Thề là một biểu hiện về việc người xưa nêu vấn đề tránh tư lợi. “Phòng chống tham nhũng và tránh tư lợi đã được nêu thành giá trị từ sớm”, bà nói.
Hội thề không tham nhũng vẫn còn nguyên giá trị - ảnh 2

Ảnh: Lê Tân  

GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá VN, cho rằng: “Đây là một hội thề cho quan chức, vì tham nhũng gắn với nhà nước. Vì thế, việc nó tồn tại ở Hải Phòng cũng là một trong những chỉ báo gắn với nhà Mạc vì nó phải gắn với trung ương. Như thế, khi nhà Mạc tan thì nó phai dần đi, cuối cùng chỉ còn dân thề. Dân thề cũng tốt thôi. Nhưng theo tôi cũng rất cần lãnh đạo về thề cùng với dân. Như thế thì nó sẽ thành một hiện tượng văn hoá xã hội có tính biểu tượng cao hơn”.

Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Trịnh, Phó bí thư H.Kiến Thuỵ, nói: “Được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia sẽ giúp chúng tôi có điều kiện để xây dựng, hoàn thiện, duy trì và quảng bá lễ hội hơn. Có thể từ năm tới, chúng tôi sẽ mở rộng, mạnh dạn mời lãnh đạo T.Ư về dự lễ hội”. T.N –
Quan không thề trong sạch sẽ bị phạt tiền
Trước Minh Thề, việc ăn thề của các vua quan về lòng trung cũng đã được sử sách ghi lại. Vua quan thời Lý, Trần có tục ăn thề hằng năm tại đền Đồng Cổ, Hà Nội. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, các quan đi từ cửa Đông vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, đọc lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung xin Thần minh giết chết”. Đến thời Trần, triều đình cũng tuyên bố các điều khoản lễ Minh Thệ theo như lệ cũ của nhà Lý. Tuy nhiên, lời thề có thay đổi nội dung thành: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, Thần minh giết chết”. Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép, khi đọc lời thề xong, tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người nào vắng mặt phải phạt 5 quan tiền.

 

Trinh Nguyễn – Lê Tân