10.000 bước chân thay đổi cuộc sống: Công thức vàng cho vận động
Để vận động mang lại hiệu quả cao, người vận động cần lưu ý: vận động phù hợp với thể trạng, lứa tuổi, đồng thời khuyến khích nên vận động cùng bạn bè.
10.000 bước chân thay đổi cuộc sống: Công thức vàng cho vận động
Để vận động mang lại hiệu quả cao, người vận động cần lưu ý: vận động phù hợp với thể trạng, lứa tuổi, đồng thời khuyến khích nên vận động cùng bạn bè.
Lưu ý chế độ dinh dưỡng phù hợp khi vận động mạnh, tiêu hao năng lượng nhiều – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
* Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ: Tập theo nhóm tuổi
Theo tôi, chương trình “10.000 bước chân – Thay đổi cuộc sống” là một chương trình rất hữu ích cho mọi lứa tuổi. Một xã hội cùng nhau vận động trong một tinh thần hưng phấn, thoải mái, tự nguyện, việc vận động rất có ích cho sức khỏe.
Khi vận động tập thể ngoài việc nâng cao sức khỏe còn giúp mọi người trở nên gắn kết, tăng thêm được các mối quan hệ, tự tin hơn. Khi vận động tập thể, tinh thần mỗi người được khích lệ từ những người bạn tập của mình.
Thường ở mỗi lứa tuổi có cách vận động và sân chơi khác nhau. Đối với lứa tuổi trẻ em, phụ huynh nên cho con em mình vui đùa, chạy nhảy với bạn bè. Việc này giúp trẻ dễ dàng kết bạn hơn, trẻ cảm thấy vui vẻ, bớt căng thẳng, bớt quậy phá.
Ở lứa tuổi trưởng thành, đặc biệt là những người trung niên, những bài tập dưỡng sinh, yoga… vừa nâng cao sức khoẻ, tăng tuổi thọ, đồng thời giúp họ có thêm bạn bè để tâm sự, tạo thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Chương trình “10.000 bước chân – Thay đổi cuộc sống” giúp nâng cao vận động của mọi người, ý thức về việc giữ gìn sức khỏe được lan toả trong cộng đồng trong từng lứa tuổi.
* THS.BS Ngô Bảo Khoa: Người bệnh tim tập trong mức cho phép
Vận động rất tốt cho người bệnh tim mạch nói riêng và mọi người nói chung. Vận động không chỉ là chạy bộ, bơi lội, tập dưỡng sinh… mà các hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày như quét dọn nhà cửa, đi tới đi lui… vẫn là cách vận động có lợi cho sức khoẻ.
Tuy nhiên phải hết sức lưu ý đến tình trạng tim mạch vì có thể gặp những nguy cơ nếu tập luyện không đúng cách. Nhiều người mắc bệnh tim có suy nghĩ không nên vận động, họ luôn sợ việc vận động nhiều sẽ làm sức khoẻ của mình tồi tệ hơn.
Tôi luôn khuyến khích người bệnh tim mạch vận động trong mức cho phép, trừ một số bệnh lý nguy hiểm hạn chế vận động như hẹp động mạch chủ, phình động mạch chủ, mạch vành…, còn nếu trong khả năng cho phép thì những người bệnh tim mạch có thể tham gia các hoạt động liên quan đến co cơ, chuyển động của tứ chi như đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội…
Những hoạt động này rất có ích cho sức khỏe tim mạch như làm tăng nhịp tim, kích thích vòng tuần hoàn máu, tăng mức tiêu thụ oxy.
Khi người bệnh tim mạch tập luyện những môn thể thao loại tĩnh như cử tạ, những môn thể thao loại này có thể làm tăng huyết áp đột ngột, gây nguy hiểm cho những người bị tăng huyết áp, bệnh mạch vành hay bệnh tim bẩm sinh…
Trên thực tế lâm sàng có 4 mức độ suy tim, với mỗi mức độ thì có cách tập luyện khác nhau. Đối với suy tim cấp độ I, người bệnh suy tim có thể vận động như người có sức khoẻ bình thường.
Đối với suy tim cấp độ II và III, người bệnh phải giới hạn mức độ vận động, nên vận động ở mức độ nhẹ. Đối với suy tim cấp độ IV, người bệnh dường như không vận động được.
* TS.BS Tăng Hà Nam Anh: Lười vận động, nguy cơ thoái hoá khớp cao
Vận động rất tốt cho sức khỏe, vận động giúp phòng ngừa bệnh tật, tiêu hao năng lượng, giảm nguy cơ béo phì, đặc biệt là giúp cơ xương khớp dẻo dai. Những bệnh liên quan đến cơ – xương – khớp ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là những hoạt động cần nhiều sự vận động.
Hiện nay, tỉ lệ người bị thoái hoá khớp ngày càng cao, trong đó đứng đầu là thoái hoá khớp vị trí gối. Một trong những nguyên nhân gây thoái hoá khớp là do lười vận động.
Người bị thoái hóa khớp nên tránh các hoạt động mạnh như bóng đá, chạy bộ…, nên vận động với những môn thể thao mà khớp gối chịu lực đè thấp nhất như bơi lội, đạp xe đạp, dưỡng sinh.
Khi bắt đầu vận động, người bị thoái hoá khớp nên có những động tác khởi động, thư giãn, nên vận động ở mức độ vừa phải.
Nếu có dấu hiệu đau nhức vị trí khớp thì nên dừng lại, nếu đau nhức vẫn không thuyên giảm nên đến bác sĩ theo dõi và điều trị.
Nhiều cách vận động có lợi Có nhiều cách vận động, trong đó vận động đơn giản là đi bộ. Thông thường là đi bộ chậm, khoan thai, thư giãn. Nhưng để đạt mục tiêu có lợi cho sức khoẻ như giảm mỡ dư trong cơ thể nên đi khoảng cách ít nhất 3-5km. Nếu đi bộ tốc độ nhanh, sải bước chân dài, khoảng cách có thể ngắn hơn (1-2km) mà cũng đem lại ích lợi tương đương. Đặc biệt khi đi bộ leo dốc, lên cầu thang bộ giúp tăng cao sức bền cho hệ tim mạch và hô hấp. Chỉ cần đi lên xuống vài vòng cầu thang bộ bạn sẽ thấy mệt hơn nhiều khi đi bộ trên đường phẳng bình thường. Nhưng sau vài tuần sẽ thấy quen dần, nhịp thở và nhịp tim của bạn sẽ không quá nhanh, quá mệt như những ngày đầu, nhờ hệ tim mạch, hô hấp đã thích nghi với cường độ làm việc. Tăng số bước đi hằng ngày (có thể quy đổi số 10.000 bước đi bằng nhiều cách vận động khác nhau như bơi lội, chơi bóng, làm việc nhà). Riêng những người có bệnh tim mạch, hô hấp, xương khớp cần kiểm tra điện tim gắng sức, chức năng hô hấp, chụp X-quang tim – phổi, kiểm tra cơ xương khớp trước khi áp dụng tập luyện. Nên nhớ mang giày đế phẳng, gót mềm để giảm chấn thương hệ cơ – xương – khớp. |