Thiếu người, 1 bác sĩ trực ‘gánh’ 100 bệnh nhân
Nhiều năm nay Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tuyển bác sĩ mà không ai chịu về. Bệnh viện chỉ có 11 bác sĩ, trong đó có 3 lãnh đạo, một số thì gần tuổi hưu.
Thiếu người, 1 bác sĩ trực ‘gánh’ 100 bệnh nhân
Nhiều năm nay Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tuyển bác sĩ mà không ai chịu về. Bệnh viện chỉ có 11 bác sĩ, trong đó có 3 lãnh đạo, một số thì gần tuổi hưu.
100 cán bộ, chỉ có 11 bác sĩ
Bác sĩ (BS) Phùng Đình Thạnh, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện (BV) Phổi Đà Nẵng, cho biết ngay từ khi thành lập (năm 2006), BV đã gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là BS. Thời điểm đó, BV được “ghép” bởi Trung tâm phòng chống lao Đà Nẵng và Khoa Lao – BV Đà Nẵng. BV tiếp nhận đông bệnh nhân từ nhiều tỉnh, thành ở khu vực miền Trung – Tây nguyên nhưng lại thiếu hụt BS.
Hiện cả BV có gần 100 cán bộ, nhân viên nhưng chỉ có vỏn vẹn 11 BS, trong đó có 3 BS là lãnh đạo và 1 BS xét nghiệm, chỉ còn lại 7 BS trực tiếp khám chẩn đoán, điều trị bệnh, xử lý khối lượng công việc rất lớn cho các ca trực ở phòng khám và 4 khoa lâm sàng với tổng số 110 giường bệnh. Ngoài số bệnh nhân điều trị nội trú, có ngày BV tiếp nhận gần 100 bệnh nhân lao đến khám, xét nghiệm và điều trị cách ly trong tình trạng lao kháng thuốc… Ban đêm, cả BV chỉ có 1 BS trực phải “gánh” khoảng 100 bệnh nhân điều trị nội trú.
“Thực trạng này khiến các BS, điều dưỡng dễ đối mặt với những tình huống bất trắc khi cùng lúc có nhiều bệnh nhân ho ra máu, gặp khó khăn về đường thở, trở nặng…”, BS Thạnh lo ngại và cho biết BV cần ít nhất 20 BS lâm sàng (trực tiếp khám, điều trị). Mỗi ca trực ban đêm, cần ít nhất 3 BS.
TIN LIÊN QUAN
Quá tải cấp cứu vì bệnh viện tuyến dưới muốn ‘lấy điểm’
Bác sĩ Phạm Trí Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết từ ngày 26 đến sáng 27.12, khoa tiếp nhận 384 bệnh nhân – con số kỷ lục tại khoa cấp cứu của BV này từ trước đến nay (trung bình chỉ khoảng 290 ca/ngày), khiến các y, bác sĩ tất bật.
Vì thiếu nhân lực trầm trọng nên các lãnh đạo BV cũng kiêm nhiệm (không lương) nhiều vị trí ở các phòng, khoa. Như: BS Thạnh vừa làm Phó giám đốc phụ trách chuyên môn vừa kiêm nhiệm trưởng cả hai khoa: khoa bệnh phổi và khoa kháng thuốc. Giám đốc BV cũng kiêm nhiệm phụ trách chỉ đạo tuyến và trưởng một chuyên khoa. Một phó giám đốc khác kiêm lãnh đạo khoa chống nhiễm khuẩn và quản lý phòng kế hoạch tổng hợp.
Đổi tên Bệnh viện vẫn chưa tuyển được
Làm chuyên khoa lao gần 37 năm, BS Thạnh nhìn nhận, các BS mới ra trường hễ nghe đến về làm ở BV lao phổi là… né, từ chối không về. “Do yếu tố tâm lý sợ lây nhiễm bệnh cho mình và người thân; người nhà cũng không muốn BS làm việc ở BV lao. Chính vì sự kỳ thị này mà trước đây BV lấy tên là “BV Lao và bệnh phổi” thì năm 2016 đổi tên lại là BV Phổi. BS phải tâm huyết lắm mới chịu về BV này và trụ lại được”, BS Thạnh chia sẻ và cho biết nhiều BS về làm được một thời gian rồi lại đi.
Trước đây, Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP.Đà Nẵng (Đề án 922) cũng đưa được 1 BS về BV, nhưng người này chỉ làm vỏn vẹn 1 năm thì xin nghỉ, chấp nhận bồi thường chi phí đào tạo. Suốt 10 năm nay, từ khi BV được xây mới và đi vào hoạt động, ít nhất 6 BS đã chuyển công tác. 2 năm qua, dù đã đăng tuyển dụng thường xuyên nhưng cũng không có BS nào về, khiến BV còn thiếu đến 10 vị trí dù có nhiều chính sách ưu đãi (hỗ trợ chỗ ở, chi phí thuê nhà, hỗ trợ 0,6% lương ngoài chi phí độc hại…). Giải pháp hiện tại của BV là… động viên và tạo điều kiện cho các y sĩ tiếp tục học lên BS. Tuy nhiên, BV có 10 y sĩ, nhưng chỉ có 1 y sĩ đủ tiêu chuẩn đi học lên BS.
TIN LIÊN QUAN
Cận cảnh bệnh viện phục vụ chuẩn quốc tế, phí khám chỉ 20.000 đồng
Không phân chia khám dịch vụ, khám thường và phí khám bệnh 20.000 đồng nhưng phục vụ bệnh nhân theo chuẩn quốc tế. Tại bệnh viện này, lần đầu tiên, ba mẹ đưa con đi khám bệnh thấy thảnh thơi, không ‘đổ mồ hôi’ vì quá tải.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: Chính phủ đã có quy định về phụ cấp cho các y BS thuộc chuyên ngành truyền nhiễm, lây nhiễm như lao; công tác trong chuyên khoa này được hưởng phụ cấp độc hại và các ưu đãi khác như thời gian làm việc (giờ hành chính) được giảm hơn so với chuyên khoa không lây nhiễm; được hỗ trợ kinh phí tham gia khóa học nâng cao nghiệp vụ chuyên môn… Tuy nhiên, do các đãi ngộ và thu nhập có thể chưa bù đắp tương xứng với công sức và nguy cơ lây nhiễm cao trong quá trình làm chuyên môn, điều trị nên chưa thu hút nhân lực. Thiết nghĩ, ngoài chế độ chung của nhà nước, địa phương nên có chính sách hỗ trợ, khuyến khích hơn nữa, tạo thuận lợi hơn cho các y BS công tác trong các chuyên khoa lây nhiễm.
Liên Châu
|
An Dy