25/01/2025

Để không lặp lại thuốc quý bị đem huỷ

Liên quan đến câu chuyện “Thủ tục nhiêu khê, 20.000 viên thuốc trị ung thư phải tiêu huỷ”, nhiều ý kiến cho rằng cần tìm ra nguyên nhân chậm trễ cũng như có hướng điều phối thuốc để không lặp lại tình trạng lãng phí này.

 

Để không lặp lại thuốc quý bị đem huỷ

 Liên quan đến câu chuyện “Thủ tục nhiêu khê, 20.000 viên thuốc trị ung thư phải tiêu huỷ”, nhiều ý kiến cho rằng cần tìm ra nguyên nhân chậm trễ cũng như có hướng điều phối thuốc để không lặp lại tình trạng lãng phí này.

 

 

 

Để không lặp lại thuốc quý bị đem hủy
Bệnh nhân nhận thuốc Tasigna tại Viện Huyết học truyền máu T.Ư ngày 5-5 – Ảnh: THUÝ ANH

* Ông Hồ Chí Công (Hải Phòng):

Cơ hội sống của người bệnh

Tôi phát hiện bị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy và điều trị tại Viện Huyết học truyền máu T.Ư từ năm 2015. Khi mới nhập viện, tôi được điều trị một loại thuốc khác, cảm giác khi ấy là rất mệt và đau người.

Một thời gian tôi được chuyển sang dùng Glivec, thuốc thế hệ trước của Tasigna. Từ một tháng nay bác sĩ chỉ định cho tôi dùng Tasigna.

 

Khi dùng Tasigna, nửa tháng tiền thuốc phần bảo hiểm chi trả đã khoảng 16 triệu đồng (tương ứng 40% tiền thuốc), phần còn lại là hãng thuốc chi trả.

 

Với chi phí như thế này, người làm công ăn lương như tôi hoàn toàn không có khả năng chi trả. Nếu không có hỗ trợ, chúng tôi đành chịu chết.

Trong hai năm nay, tôi mặc dù đang điều trị ngoại trú nhưng vẫn đi làm được bình thường. Chúng tôi quý từng viên thuốc nhận được vì đây là cơ hội sống của người bệnh như chúng tôi.

* Đại diện Vụ Kế hoạch 
tài chính (Bộ Y tế):

Xử lý cứng nhắc

Quy trình tiếp nhận viện trợ là thuốc bao gồm các bước: đề nghị Cục Quản lý dược, xin phép sở y tế và UBND tỉnh thành, xác nhận viện trợ tại sở tài chính. Quy trình này rõ rồi và nhiều nơi đã làm, riêng TP.HCM có vướng mắc này. Có quy trình nhưng còn liên quan đến con người thực hiện.

Được biết, trong gần một năm xin các giấy phép nhận lô Tasigna được tặng, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM có xin phép hai lần tại Cục Quản lý dược Bộ Y tế, thời gian từ xin đến khi cho khoảng ba tháng.

Trong khi đó, ba khâu xin phép tại Sở Y tế, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và UBND TP.HCM mất thời gian khoảng sáu tháng.

Ở vụ việc này, tôi cũng cho rằng hải quan đã xử lý cứng nhắc khi không cho thuốc vào vì hạn sử dụng còn 10 tháng, thiếu hai tháng so với quy định. Không thể để cho bệnh nhân sử dụng thuốc hết hạn, nhưng còn hạn 10 tháng cũng không được dùng là phí quá.

Tôi có người thân bị ung thư và biết có khi không có thuốc vẫn phải mua cả thuốc sắp hết hạn để dùng.

* Vụ trưởng Vụ Pháp chế 
(Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang:

Phải tìm nguyên nhân sự vô cảm

Gần 20.000 viên thuốc đắt tiền phải tiêu hủy là rất lãng phí, thật đáng tiếc.

Trong một chuỗi quy trình liên quan đến nhập khẩu lô thuốc Tasigna được tặng, theo tôi, được biết qua kênh báo chí là kéo dài gần một năm, trải qua năm khâu ở bốn cơ quan, nếu xem xét kỹ thì sẽ rõ ngay là khâu nào, thủ tục nào bị chậm. Cần làm rõ trong các thủ tục, phần nào của riêng TP.HCM, hay chậm ở khâu nào khác?

Và cũng phải xem lại trong thời gian đi xin phép đó, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM có “kêu” không, có thấy bức bách cần phải đẩy nhanh thủ tục hay không? Từ đó, xác định ai đã gây ra chậm trễ, ai vô cảm để từ đó quy trách nhiệm.

Có ý kiến đề nghị nên có một quy định về điều phối hàng biếu tặng, nơi được nhận nhiều không dùng hết thì nên chuyển cho nơi thiếu và có nhu cầu sử dụng. Chúng tôi sẽ xem xét các quy định hiện có để xem có cho phép điều phối và từ đó có quy định phù hợp.

Bên cạnh đó, theo tôi, nên có hướng dẫn kỹ hơn về quy trình nhận những lô hàng như thế này, ví dụ như các nơi được xin phép thì bao nhiêu ngày phải trả kết quả.

Quá xót xa!

Đọc thông tin “Thủ tục nhiêu khê, 20.000 viên thuốc trị ung thư phải tiêu hủy”, tôi thấy quá xót xa!

Tôi có mấy người bạn mắc căn bệnh nan y này. Gia đình họ gần như khánh kiệt vì chi phí chữa trị quá tốn kém và kéo dài.

Nhiều gia đình nghèo ngậm nước mắt đưa người thân về nhà chờ chết vì không kiếm đâu ra tiền chạy chữa.

Nhiều gia đình ở miền Tây phải bán ruộng vườn nhà cửa đưa người nhà sống lay lắt trong Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mong cơ hội chữa lành căn bệnh quái ác.

Những ngày vào thăm bệnh người quen tại đây, vài lần tôi ngồi viết giùm cho một số bệnh nhân lá đơn xin chính quyền địa phương ở quê chứng nhận gia đình thuộc diện hộ nghèo để mong được xét giảm chi phí điều trị.

Nhiều người cả đời chỉ quen cày cấy, giờ cùng người thân bị bệnh đến sống tạm ở bệnh viện.

Chuyện ăn họ trông vào các tổ chức từ thiện giúp mỗi ngày, nhưng nặng tiền thuốc điều trị nên họ phải làm đủ thứ việc chân tay, bán vé số, hàng rong và giúp việc theo giờ để kiếm tiền mua thuốc cho người thân.

Ngặt nỗi giá thuốc điều trị căn bệnh này không hề rẻ so với thu nhập của một người lao động đầu tắt mặt tối từ sáng sớm đến tối mịt.

Hãy đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vào những đêm mưa rả rích, nhìn những thân phận con người đang nằm co ro dưới hàng hiên ngày qua ngày, đêm qua đêm giữa màn trời chiếu đất.

Những tiếng rên rỉ vì đau, những ánh mắt thất thần, vô vọng nhìn màn mưa khi nghĩ đến ngày mai đen tối.

Hãy qua khu bệnh nhi, những ánh mắt trẻ còn quá ngây thơ để hiểu được chuyện gì đang xảy ra với thân thể mình. Rồi những giọt nước mắt trên những gương mặt đen sạm vì cơ cực khi nghe bác sĩ dặn nhỏ: “Thôi đưa anh (chị) về nhà, thèm ăn gì thì cứ cho ăn thoải mái…”.

Vậy mà gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư – niềm hi vọng và ước mơ của bao mảnh đời khốn khó – phải đem tiêu hủy. Thật là một việc khó chấp nhận.

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA

LAN ANH ghi