25/01/2025

Băn khoăn chương trình mới lớp 1

Đọc ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết đăng trong bài viết “Chương trình mới: Lớp 1 sẽ học thế nào?” (Tuổi Trẻ, ngày 4-5), tuy không phải là giáo viên tiểu học nhưng quả thật tôi hết sức lo lắng về chương trình mới dành cho lớp 1.

 

Băn khoăn chương trình mới lớp 1

 Đọc ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết đăng trong bài viết “Chương trình mới: Lớp 1 sẽ học thế nào?” (Tuổi Trẻ, ngày 4-5), tuy không phải là giáo viên tiểu học nhưng quả thật tôi hết sức lo lắng về chương trình mới dành cho lớp 1.

 

 

 

Băn khoăn chương trình mới lớp 1
Với học sinh lớp 1, đến trường là để được vui chơi, ca hát, giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa. Trong ảnh: học sinh lớp 1 Trường tiểu học Châu Văn Liêm, Q.6 (TP.HCM) trong buổi sinh hoạt ngoài trời – Ảnh: NHƯ HÙNG

Xin đừng mong ước biến học sinh lớp 1 lúc khôn lớn sẽ là những kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, tướng lĩnh quân đội, nhà thơ lớn… Khiêm nhường thôi, tương lai các em sẽ là những công dân có sức khoẻ, trung thực, sống có trách nhiệm, có kỷ luật và khoan dung

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

Có mấy điều, tôi muốn được trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết:

1. Với lớp 1, đến trường là để được nô đùa, vẽ vời, ca hát, giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa; được ấm áp trong vòng tay yêu thương của người cha, người mẹ thứ hai.

Thông qua đó, các em sẽ phát triển kỹ năng. Vậy tại sao chương trình mới cứ mãi loay hoay chuyện các em học bao nhiêu môn, bao nhiêu tiết/tuần?

Sao ban soạn thảo thêm môn này, bớt môn kia; hết tăng rồi giảm tiết, để chứng minh rằng chương trình mới của lớp 1 là nhẹ nhàng?

Nhiều thành viên trong ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới hay nói về quy trình xây dựng chương trình theo “back – mapping” (sơ đồ ngược, thường được áp dụng trong xây dựng chương trình giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực người học – TS).

Vậy với lớp 1, nhu cầu của gia đình và xã hội đặt hàng cho giáo dục là gì? Phải chăng là trẻ được mạnh khoẻ, sống lễ phép, ngăn nắp, tự tin?

2. “Lớp 1 chỉ còn học bốn môn học bắt buộc, ba môn học bắt buộc có phân hóa và các môn học tự chọn”. Vậy là ít, nhiều hay vừa đủ? Riêng tôi, nhẩm tính các môn đó là đã phát hoảng, vì số môn học quá nhiều.

Nếu cho rằng nhiều môn học nhưng nội dung từng môn nhẹ nhàng, thì tại sao phải nâng quy định khung của chương trình thành môn học?

Ban soạn thảo đã có sự nhầm lẫn giữa khung chương trình và số môn học. Sao không chỉ học một, hai môn ở lớp 1, còn lại thời gian là tổ chức hoạt động cho học sinh?

3. Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, với chương trình mới, chủ yếu là giáo viên thay đổi phương pháp dạy học.

Thế nhưng, chương trình – sách giáo khoa (trên cơ sở các mục tiêu định tính, định lượng) sẽ quyết định phương pháp dạy học. Và rằng, khi thực hiện chương trình cũ lớp 1, nhiều giáo viên cho rằng các phương pháp dạy học mới không mang lại hiệu quả 
như mong muốn.

Bây giờ, với chương trình mới của lớp 1, phương pháp dạy học thay đổi như thế nào đây? Hay lại là một phương pháp “bàn tay nặn bột” mới? Tôi thiển nghĩ muốn “nặn bột” được trước hết người giáo viên phải… “nặn lòng”.

Quan điểm của GS Thuyết về vấn đề này như thế nào? Phải chăng lại xảy ra chuyện lo dạy cho xong bài, hết tiết, cặm cụi soạn giảng để đối phó cho một, hai buổi học/ngày tại trường. Còn buổi thứ ba, thậm chí là buổi thứ tư mới học thực sự tại nhà riêng của cô?

4. Cũng theo GS Thuyết, “nội dung môn học lớp 1 ở dự thảo chương trình mới không khác nhiều so với chương trình hiện hành”, vậy tại sao không giữ nguyên chương trình hiện hành, để tập trung giúp giáo viên tinh luyện phương pháp thì sẽ ít tốn kém, và điều quan trọng là hiệu quả đạt được ắt sẽ cao hơn.

5. Lớp 1 học hai buổi/ngày hay một buổi/ngày không chỉ phụ thuộc vào điều kiện thực hiện của nhà trường, mà theo tôi, còn chịu sự chi phối của phụ huynh.

Phụ huynh không có nhiều thời gian dành cho con em, họ có thể gửi con cho nhà trường hai, ba buổi/ngày; ngược lại, có thể họ chỉ gửi con em mình ở trường một buổi/ngày. Thế nên, nếu xem việc áp dụng mô hình học hai buổi/ngày là thượng sách thì liệu có hợp tình, hợp lý hay không?

Với các em lớp 1, những ngày tháng đầu tiên tập tễnh đến trường sẽ là những ấn tượng theo các em mãi trong đời. Đó sẽ là cơ sở cho sự phát triển phẩm chất, năng lực của trẻ sau này.

Thế nên, với lớp 1, khó nhất là ở khâu tổ chức, thực hiện, trách nhiệm của giáo viên và của nhà quản lý giáo dục. Còn chương trình, sách giáo khoa lớp 1 chỉ nên nhẹ nhàng, tươi vui; các em học – chơi cùng bạn bè có tổ chức, nhưng 
phù hợp với từng em.

Làm sao đủ trường lớp?

Bài báo “Chương trình mới: Lớp 1 sẽ học thế nào?” đã thông tin thêm về dự kiến triển khai chương trình mới đại trà ở lớp 1 vào năm học 2018-2019, với những vấn đề đặt ra từ phía ban chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Theo đó, để có thể triển khai tốt chương trình mới đại trà ở lớp 1 như kế hoạch, nhất thiết ngành giáo dục các địa phương phải tham mưu với chính quyền, sắp xếp ưu tiên sao cho đủ trường lớp để toàn bộ học sinh lớp 1 vào năm học nói trên được học hai buổi/ngày, như “ở các nước phát triển, học sinh tiểu học đều học hai buổi/ngày.

Vì thế, nếu chúng ta chỉ học một buổi/ngày thì sẽ khó giải quyết được tình trạng quá tải, và khó nâng chất lượng giáo dục” – GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ quan điểm trong bài báo.

Cũng trong phần bày tỏ quan điểm về việc “học hai buổi/ngày là thượng sách” của mình, GS Thuyết đã đưa thêm một “trung sách” – đó là học sinh sẽ học sáu buổi/tuần thay cho việc học hai buổi/ngày; khi học như thế sẽ thiếu hụt khoảng 7 tiết so với thiết kế chương trình, và sẽ giải quyết bằng cách… bỏ môn tự chọn.

Theo dõi thông tin này, bạn đọc là phụ huynh sẽ có con em vào lớp 1 năm học 2018-2019 thảy đều toát mồ hôi hột.

Một dự thảo chương trình gọi là đổi mới thì lẽ ra phải viết sao cho phù hợp với tình hình cơ sở vật chất hiện có của ngành giáo dục, phải giải quyết được bức xúc lâu nay của xã hội về cái gọi là “sự quá tải” của chương trình với học sinh.

Đằng này, nhìn tổng thể đâu cũng thấy một chữ học thật lớn mà các cháu lớp 1 sắp phải mang vác.

Và khi định hướng rằng “sự học to lớn” đó chỉ được giải quyết khi các cháu lớp 1 được học hai buổi/ngày, người ta đã không cần quan tâm xem, chỉ trong vòng chưa đến 12 tháng nữa, tốc độ xây dựng trường lớp nào cho đủ để triển khai đại trà cho cái sự “học đại” này?

Ở các thành phố lớn đã gặp khó khăn về trường lớp thì về các vùng sâu, vùng xa liệu sẽ có bao nhiêu huyện thị đủ lớp, đủ thầy để dạy hai buổi/ngày?

Bấy nhiêu băn khoăn như vậy, mà nay lại tổ chức đại trà hai buổi/ngày cho các cháu lớp 1 vào năm học 2018-2019 thì sẽ trở thành một “ám ảnh”, không chỉ với ngành giáo dục mà còn cho chính quyền các địa phương, khi phải chạy đua với thời gian để xây cho đủ trường lớp đại trà.

LÂM MINH TRANG

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG