16/01/2025

Trường học và bài giảng vẫn là lý tưởng nhất!

Ở góc độ một phụ huynh có con đang học cấp I và cấp II, tôi xin chia sẻ một vài ý kiến, về việc cần cân nhắc kỹ càng chuyện home schooling – tự học.

 TIẾP TỤC CÂU CHUYỆN “NGHỈ HỌC PHỔ THÔNG ĐỂ TỰ HỌC Ở NHÀ”:

Trường học và bài giảng vẫn là lý tưởng nhất!

 

Ở góc độ một phụ huynh có con đang học cấp I và cấp II, tôi xin chia sẻ một vài ý kiến, về việc cần cân nhắc kỹ càng chuyện home schooling – tự học. 

 

 

 

Trường học và bài giảng vẫn là lý tưởng nhất!
Ở trường, với hình thức bài giảng cùng giáo viên, học sinh sẽ phát huy được tinh thần học hỏi, thi đua giữa các bạn, các nhóm học tập. Trong ảnh: một buổi học nhóm với giáo viên hướng dẫn của học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản, Q.Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Tôi chỉ nêu lên những khía cạnh mà chỉ có học ở trường phổ thông trẻ mới nhận được, còn tự học ở nhà sẽ khó có thể đạt kết quả.

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao câu chuyện hai anh em Đặng Nhật Anh, Đặng Thái Anh ở Q.Tân Bình (TP.HCM) được cha mẹ cho nghỉ học phổ thông, tự học ở nhà.

Từ mô hình này, nhiều phụ huynh băn khoăn: nếu gia đình có điều kiện thì nên chọn mô hình này không? Sẽ gặp khó khăn và thuận lợi gì? Liệu con cái mình sau này có “khôn” hơn các bạn cùng trang lứa?…

Đúng như nhiều chuyên gia nhận định, mô hình này đang phát triển mạnh mẽ tại một số nước trên thế giới, nhất là tại Mỹ thì khá phổ biến. Tuy nhiên, việc cho trẻ học ở trường phổ thông vẫn có những ưu điểm nổi trội.

 

Thứ nhất, học ở trường phổ thông, các bài giảng bao giờ cũng được tổ chức một cách có kế hoạch, khoa học, có đội ngũ giáo viên đủ trình độ chuyên môn, khả năng sư phạm, nắm vững tâm lý người học. Nội dung chương trình phù hợp với trình độ của từng độ tuổi nhất định. Mỗi lớp được giới hạn bởi số lượng học sinh phù hợp với khả năng bao quát của giáo viên.

Như vậy, ở khía cạnh này, hình thức bài giảng trên lớp sẽ giúp cho trẻ hình thành được những kiến thức phổ thông, cơ bản, thiết thực, vững chắc và phù hợp nhất của từng độ tuổi khác nhau (ở đây không phân biệt là trẻ có trình độ phát triển vượt trước).

Còn tự học ở nhà, dù cha mẹ có trình độ tốt nhưng cũng khó để có thể hiểu rõ tâm lý con trẻ bằng đội ngũ thầy cô giáo ở trường được đào tạo một cách bài bản.

Thứ hai, về môi trường giáo dục: ở trường, với hình thức bài giảng thì học sinh sẽ phát huy được tinh thần học hỏi, thi đua giữa các bạn, các nhóm học tập khác nhau. Dù có áp lực thế nào đi chăng nữa, thì tinh thần thi đua của trẻ học tại trường bao giờ cũng cao hơn so với trẻ học ở nhà, với người dạy chính là cha mẹ học sinh.

Bên cạnh đó, khả năng thu hút, lôi cuốn của giáo viên luôn có sức ảnh hưởng mạnh hơn phụ huynh (cổ nhân thường nói “bụt nhà không thiêng” là vậy).

Cho nên, một đứa trẻ được thầy có chuyên môn dạy bơi thì chỉ khoảng một tuần là các em biết bơi, còn cha mẹ có thể đưa con đi tắm và dạy bơi có khi mất vài tháng vẫn chưa bơi được là vậy.

Thứ ba, về giao tiếp và kỹ năng sống: tôi thừa nhận, một số phụ huynh có trình độ có thể tự dạy con, có thể sau này cho con đi du học ở một số nước có nền giáo dục chất lượng cao. Nhưng ở Việt Nam, với nhiều giá trị truyền thống thì có một số giá trị cha mẹ không thể tự dạy con được, chỉ có thể hình thành ở trường phổ thông.

Khi học sinh được học tập cùng thầy cô, bạn bè, được sinh hoạt ở môi trường học đường thì các em sẽ dần dần hình thành tình cảm bạn bè, thầy trò. Chắc chắn, ở môi trường học đường, học sinh sẽ được giao tiếp nhiều hơn, được tiếp xúc với nhiều bạn bè, qua đó nhận thức và thái độ của các em cũng đa dạng hơn.

Đặc biệt, trong quá trình học tập, học sinh sẽ hình thành tinh thần hợp tác, tinh thần chia sẻ, tinh thần trách nhiệm với mọi người, qua đó mà có được những kỹ năng sống cần thiết. Những điều này khi tự học ở nhà, cha mẹ khó mà mang lại được cho trẻ. Một đứa trẻ có nhiều kỹ năng hơn, hình thành nhiều giá trị sống hơn thì cơ hội phát triển sẽ rõ rệt hơn.

Bên cạnh đó, khi được học ở trường, học sinh còn rèn luyện được ý chí với những trải nghiệm mang tính tập thể, các em sẽ ý thức rõ hơn về trách nhiệm của người học…

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh (giảng viên Trường phát triển tính cách và tài năng John Robert Powers, Việt Nam):

Trường học và bài giảng vẫn là lý tưởng nhất!
Ảnh: H.HG

Trước hết, trẻ cần yêu và giỏi tiếng Việt

Cái được lớn nhất của mô hình home schooling là quá trình dạy và học diễn ra một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Bởi không ai hiểu trẻ bằng chính cha mẹ của chúng, từ việc con mình cần gì cho đến khả năng của con ra sao. Họ dạy con bằng tất cả tri thức và tấm lòng của đấng sinh thành, với công cụ dạy học sinh động, từ thực tế đời sống.

Do đó, xét về mặt học thuật, home schooling mang lại hiệu quả giáo dục rất cao: trẻ học qua thực tế sinh động và dễ tiếp thu. Và trên thực tế, đã có một số em vào được ĐH Harvard từ home schooling.

Nhưng khiếm khuyết lớn nhất của home schooling là việc tách trẻ ra khỏi môi trường tập thể của các bạn đồng trang lứa. Đây là điều các phụ huynh cần cân nhắc, vì chỉ ở trong môi trường có các bạn đồng lứa, trẻ mới có thể hình thành kỹ năng thuyết phục, kỹ năng hợp tác, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tôn trọng sự khác biệt…

Riêng đối với trẻ em Việt Nam, phụ huynh nên lưu ý về khả năng sử dụng tiếng Việt của con em mình khi chọn lựa home schooling. Bởi đa số phụ huynh chọn mô hình này đều có xu hướng muốn con em mình thoát ly khỏi nền giáo dục nước nhà (tức là rèn luyện ngoại ngữ cho giỏi, để du học nước ngoài).

Tôi cho rằng dù có học theo mô hình home schooling, trẻ em Việt Nam cũng phải yêu và giỏi tiếng Việt, sau đó mới đến giỏi ngoại ngữ. Để sau này, khi trở thành công dân toàn cầu, trẻ có thể hòa nhập tốt nhưng vẫn không bị hoà tan.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp (nguyên tổ trưởng tổ văn Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM):

Trường học và bài giảng vẫn là lý tưởng nhất!
Ảnh: H.HG

Sự phản ứng với nền giáo dục nước nhà

Câu chuyện “Nghỉ học ở trường phổ thông, tự học ở nhà” cho thấy quan niệm về tầm quan trọng của trường lớp giờ đã phai nhạt dần. Cách chọn lựa của gia đình em Thái Anh và Nhật Anh như một sự phản ứng với những bất cập của nền giáo dục nước nhà.

Là một giáo viên, tôi cũng thừa nhận là việc học của học sinh hiện nay nặng nề quá, vất vả quá. Học sinh phải “khổ học”, nên thiếu đi niềm vui cũng như sự đam mê trong học tập.

Tôi có một học sinh cũ, hiện em đã du học nước ngoài, em đã nhiều lần than thở với tôi rằng: “Khi du học, em mới thấy mình thiếu nhiều kỹ năng: từ kỹ năng hợp tác đến kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phát biểu trước đám đông…”.

Nếu nền giáo dục nước nhà không có sự chuyển mình thì việc cho con tự học ở nhà sẽ thành trào lưu chứ chẳng chơi.

H.HG. ghi

PHƯƠNG LAN (Đồng Nai)