11/01/2025

Tôi dành 80% thời gian để dạy con tự học tại nhà

Sau bài báo “Nghỉ học phổ thông để tự học ở nhà”, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến phản hồi, thể hiện sự đồng tình với cách chọn lựa của phụ huynh em Thái Anh và Nhật Anh.

 

Tôi dành 80% thời gian để dạy con tự học tại nhà

Sau bài báo “Nghỉ học phổ thông để tự học ở nhà”, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến phản hồi, thể hiện sự đồng tình với cách chọn lựa của phụ huynh em Thái Anh và Nhật Anh.

 

 

 

 

Tôi dành 80% thời gian để dạy con tự học tại nhà
Hai con của chị Keziah Hương (bìa trái, hàng trước và sau) trong một tiết học nghệ thuật cùng với các bạn – Ảnh: KEZIAH HƯƠNG

Một số phụ huynh còn cho biết thông tin: đã có nhiều phụ huynh âm thầm thực hiện homeschooling (tự học ở nhà – PV) cho con mình. Họ còn lập hẳn một group để trao đổi kinh nghiệm với nhau về vấn 
đề này.

Chúng tôi trích đăng tâm sự của chị Keziah Hương – phụ huynh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, admin của group Homeschooling in VietNam:

“Tôi có 4 con, bé lớn nhất nhà tôi từng học 4 năm (từ lớp 1 đến lớp 4) ở trường tiểu học công lập. Trong thời gian ấy, bé không hạnh phúc khi đến trường vì mất quá nhiều thời gian hoàn thành bài tập của trường và cháu có quá ít thời gian với gia đình.

Tôi đã biết đến mô hình homeschooling từ khi còn là sinh viên, thông qua những người bạn nước ngoài làm ở trường quốc tế. Nhưng không phải cứ chán ngán cách giáo dục của nhà trường là có thể thực hiện homeschooling ngay cho con mình.

 

Cách đây khoảng 3 năm, tôi đã đi tìm những phụ huynh có ý định thực hiện homeschooling để trao đổi. Và tôi đã gặp được khá nhiều người giống mình: họ mong muốn thực hiện homeschooling cho con em nhưng sợ hãi nhiều thứ.

Sau đó, tôi lập group để tạo một cộng đồng có cùng ý tưởng. Đến nay, group Homeschooling in VietNam có hơn 7.000 thành viên theo dõi những chương trình homeschooling bổ ích… để dạy con ở nhà. Bé lớn nhà tôi thực sự học theo homeschooling cách đây 1 năm.

Hai bé sau nhà tôi được mẹ dạy theo homeschooling ngay từ nhỏ. Theo đó, bé thứ 2 đến năm 3 tuổi thì đi học trường mầm non nhưng không ổn, nên tôi cho nghỉ ở nhà.

Đến khi bé 6 tuổi, lần này tôi cho bé học lớp 1 trường tư thục nhưng vẫn không ổn vì thấy con mất nhiều thời gian cho việc học hành quá, chất lượng giáo viên thì không như mình mong muốn. Thế nên tôi cho bé ở nhà, tiếp tục học với mẹ.

Bé thứ 3 nhà tôi thì đến tháng 9-2017 đáng lẽ vào lớp 1, nhưng tôi đã xác định cho con học homeschooling rồi.

Tôi được một phụ huynh ở Mỹ (từng thực hiện homeschooling cho 8 đứa con của mình) chia sẻ chương trình dạy con. Hằng tuần, 3 bé nhà tôi cùng gặp mặt và sinh hoạt với khoảng 20 bé khác ở các độ tuổi khác nhau – là con em của những gia đình Việt Nam và nước ngoài.

Trong đó không phải gia đình nào cũng cho 100% con cái của mình học theo homeschooling, mà vẫn có bé đến trường.

Hiện tại, tôi dành 80% thời gian dạy con học ở nhà, 20% còn lại tôi điều hành từ xa một dự án kinh doanh nho nhỏ, nói thẳng ra là chồng tôi giữ trách nhiệm kiếm tiền, lo kinh tế gia đình. Chồng tôi rất ủng hộ việc tôi dành thời gian homeschooling cho các con, vì tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm việc đó.

Tôi coi đây là cơ hội để mình học hỏi và trưởng thành hơn, gia đình có nhiều thời gian cho nhau hơn và giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy kiến thức, mà còn tạo ra môi trường để các con phát triển bản thân.

Ngoài ra, tôi cũng tổ chức những buổi offline dành cho các bé tự học ở nhà với sự hướng dẫn của giáo viên bản ngữ, mục đích là dành cho các con sự phát triển tốt nhất”.

Học chỉ để đi thi thì thật phí phạm!

* “Ai cũng thấy nền giáo dục hiện tại quá lạc hậu, thiên về kiến thức hàn lâm và giáo điều, chưa quan tâm đúng mức đến phát huy kỹ năng và năng khiếu của người học. Nhưng cũng ít phụ huynh có đủ kiến thức cũng như thời gian để làm được điều mà ba mẹ của Nhật Anh, Thái Anh đã làm”.
(Bạn đọc Võ Hữu Thuận)

* “Tôi có con đang học tiểu học công lập, cô luôn bắt cháu phải học thuộc lòng từng chữ. Khi tôi nói con chỉ học ý chính thì cô cho cháu điểm kém và bắt học lại.

Làm văn thì luôn phải theo văn mẫu, khác đi là không được, phải làm lại; học toán cũng bắt học thuộc lòng công thức, không dạy tư duy phương pháp phân tích. Nói thật là tôi rất nản với giáo dục bây giờ, nhưng chưa đủ điều kiện cho con thoát được, chán thật”.
(Một bạn đọc)

* “Tôi rất thích hình thức tự học tại nhà. Cách đây gần 20 năm, thi tốt nghiệp THCS, tôi không hề tham gia ôn thi tại trường để tiết kiệm học phí mà tự học ở nhà nhưng vẫn có kết quả tốt.

Đến năm lớp 12, tôi bị ép đi học ôn thi tốt nghiệp THPT với đe dọa “sẽ bị hạ hạnh kiểm, không đủ điều kiện thi tốt nghiệp” nếu tôi không tự nguyện tham gia lớp ôn luyện của trường.

Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận việc học tại nhà cũng là một hình thức đào tạo, để tạo cơ hội cho mọi người đều được học và có sự chứng nhận như học tại trường”.
(Thành – thanhminhvk@…)

* “Tôi ủng hộ quan điểm “giáo dục phải định hướng cá nhân, chứ không thể áp dụng một phương pháp giống nhau cho tất cả trẻ em” của anh Quốc Anh.

Tuy nhiên, anh hãy đảm bảo trẻ luôn được tiếp xúc và học tập trong môi trường cùng bạn bè. Sẽ vô cùng nguy hiểm khi trẻ hình thành thói quen hoặc tư duy “một mình làm hết mọi việc”, điều đó sẽ làm mất đi tính tập thể, tinh thần đồng đội”. 
(Vũ Đình Đạt)

* “Mong sao Bộ GD-ĐT sớm có chủ trương: học sinh tự học ở nhà sẽ được cấp bằng khi tham gia một kỳ thi quốc gia. Tôi thấy bộ luôn khuyến khích tinh thần tự học của học sinh – sinh viên, tuy nhiên lại chưa hề có một cơ chế công nhận “danh chính ngôn thuận” nào cho phương pháp này.

Nếu bị mất đến 12 năm trong đời cho việc cắm cúi học trong trường, mà học xong cũng chỉ để đi thi thì thật phí phạm!”.
(trinh_hieuthuan14@…)

 

HOÀNG HƯƠNG ghi