13/01/2025

Những ngộ nhận về chất lượng giáo dục

Việc đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đã làm thay đổi công tác quản lý chất lượng ở các trường THPT. Tuy nhiên điều này vẫn còn nhiều bất cập cần sớm khắc phục, đặc biệt là những ngộ nhận về chất lượng.

 

Những ngộ nhận về chất lượng giáo dục

Việc đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đã làm thay đổi công tác quản lý chất lượng ở các trường THPT. Tuy nhiên điều này vẫn còn nhiều bất cập cần sớm khắc phục, đặc biệt là những ngộ nhận về chất lượng.




Chất lượng giáo dục là cả một quá trình chứ không chỉ dựa vào kết quả các kỳ thiẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Chất lượng của giáo dục đồng nghĩa với kết quả thi
Có một cách hiểu vẫn còn phổ biến và có khi được coi là chuẩn mực trong đánh giá, đó là chất lượng giáo dục đồng nghĩa với kết quả thi (thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi, thi ĐH…). Trong một nghiên cứu mới đây của chúng tôi về quản lý chất lượng ở trường THPT các tỉnh Tây nguyên, đã có tới 75% cán bộ quản lý và 79,5% giáo viên cho rằng chất lượng giáo dục của một trường được đánh giá thông qua tỷ lệ phần trăm tốt nghiệp THPT và đỗ ĐH, CĐ hằng năm.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn quan niệm này: do áp lực của xã hội, phụ huynh về kết quả thi cử và do mâu thuẫn rất lớn giữa chỉ tiêu đặt ra và chất lượng thực chất đầu vào cấp THPT. Chỉ tiêu đến năm 2020 có 80% thanh niên trong độ tuổi tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, trong khi ở các trường THCS do chạy theo phổ cập mà chất lượng giảm, dẫn đến đầu vào THPT thấp. Do vậy, các hoạt động dạy và học ở trường chủ yếu xoay quanh vấn đề làm sao nâng tỷ lệ tốt nghiệp. Trong khi nhiều mặt khác như đạo đức, sức khoẻ, thẩm mỹ, năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề, kỹ năng nghề nghiệp… rất cần để hình thành nhân cách học sinh (HS) lại bị xem nhẹ. Một thực tế đáng lo ngại là do quy chế xét tốt nghiệp có sự tham gia 50% điểm trung bình cả năm lớp 12 nên một số trường đã cố ý đánh giá nương nhẹ, nâng cao điểm trung bình cả năm để có lợi cho việc tốt nghiệp của HS. Nhiều trường phổ thông có điểm trung bình cả năm toàn trường trên 8 (trước đây không bao giờ đạt), trong khi bình quân điểm 4 môn thi tốt nghiệp chỉ đạt xấp xỉ 4.
Bên cạnh đó, trong khâu coi thi, chấm thi THPT (ở cụm thi xét tốt nghiệp) vẫn còn có biểu hiện tiêu cực. Kết quả là số trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100% không còn là cá biệt và tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc các năm 2013, 2014 đạt tới 99%, một tỷ lệ rất hiếm trên thế giới. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2015 và 2016 đã giảm (92%) do quá trình coi thi và chấm thi nghiêm túc hơn (có trường ĐH tham gia) và do HS bị điểm liệt ở môn thi tự luận.
 
 
Chưa có hệ thống đối sánh
Chúng ta mới có cơ quan khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục ở Bộ GD-ĐT và các sở, chưa có một cơ quan tổng hợp, đồng bộ để quản lý chương trình, đánh giá và báo cáo giáo dục. Qua đánh giá PISA (chương trình đánh giá HS quốc tế) của Tổ chức Hợp tác – Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, những nước có thành tích cao là những nước thực hiện một cách đồng bộ giữa chương trình, giảng dạy và đánh giá. Chẳng hạn như ở Úc có cơ quan chuyên trách về chương trình, đánh giá và báo cáo đã thiết lập hệ thống đối sánh myschool.edu.au. Trong hệ thống này có dữ liệu của gần 10.000 trường phổ thông trong toàn nước Úc, với dữ liệu về cơ sở vật chất, đội ngũ, tài chính, kết quả đánh giá, học nghề và sự chuyên cần… không chỉ giúp cho các trường biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình trong tương quan so sánh mà còn giúp phụ huynh biết được trường nào tốt để đưa ra quyết định cho con vào học.

 

Coi nhẹ quá trình đào tạo

Hiện nay việc giáo dục ở các trường chủ yếu nhằm vào mục tiêu tỷ lệ thi đỗ mà coi nhẹ quá trình. Thực tiễn cho thấy đối với tất cả các hoạt động, quá trình diễn ra thế nào thì kết quả nhận được thế ấy. Như vậy, không thể nói một trường chất lượng cao chỉ dựa vào kết quả tốt nghiệp và để có kết quả này, nhà trường đã bất chấp quá trình, phương pháp, động cơ và thái độ, miễn tốt nghiệp càng cao càng tốt.
Chính vì quan niệm này mà chúng ta chưa đưa ra được một hệ tiêu chí và phương pháp đánh giá quá trình, nhất là đối với phẩm chất và năng lực. Mặc dù hiện nay các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá chất lượng một trường không chỉ dựa vào kết quả thi mà đã chú ý đến các hoạt động khác như: nghiên cứu khoa học, nghệ thuật, hoạt động xã hội, nhưng các tiêu chí và phương pháp ấy vẫn còn rời rạc, chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống, thiếu luận cứ khoa học và chưa được chuẩn hóa. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng hiện nay vẫn nặng về thanh tra, kiểm tra do cấp trên hay cơ quan kiểm định thực hiện là chính. Thiếu hẳn việc tự kiểm tra, tự đánh giá, tự điều chỉnh, cải tiến chất lượng như một hoạt động thường xuyên, có nền nếp và có tính chủ động để thực sự trở thành nhân tố nội lực thúc đẩy chất lượng.
Xem nhẹ vai trò của giáo viên
Sai lầm lớn nhất hiện nay là xem nhẹ vai trò của giáo viên, những người giữ vai trò then chốt và trực tiếp tạo nên chất lượng. Một nghiên cứu năm 2003 của Tổ chức Hattie (Úc) cho thấy thành tích của HS tạo nên bởi 50% là do HS, 30% do giáo viên, 5 – 10% do gia đình, 5 – 10% do nhà trường, 5-10% do hiệu trưởng và 5 – 10% do bạn bè… Như vậy, trong giáo dục nhân cách, HS có vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên việc để giáo viên hướng dẫn HS về động cơ, thái độ, phương pháp học tập hiện nay bị xem nhẹ khi mà nhiều trường, phụ huynh chỉ chú trọng đến dạy thêm và học thêm.
Ngoài ra, giáo dục phổ thông vẫn theo mô hình quản lý tập trung. Bộ, sở, phòng vừa hoạch định mục tiêu chất lượng, ban hành hệ thống quy chế và các văn bản chỉ đạo, nội dung, kế hoạch dạy học, vừa tổ chức thanh tra, kiểm tra, thi cử và đánh giá. Trong khi đó, việc quản lý chất lượng cần giao cho từng nhà trường để nâng cao tính tích cực, chủ động.

 

Hồ Sỹ Anh