18/01/2025

Hội thảo kỷ niệm 100 năm thành lập Bộ các Giáo hội Đông phương

Để ghi dấu một trăm năm Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV thành lập Bộ các Giáo hội Đông phương (ngày 01-05-1917), Bộ này cùng với Viện Giáo hoàng Nghiên cứu Giáo hội Đông phương sẽ tổ chức một Hội thảo với chủ đề “Căn tính của sứ vụ tương lai, giữa quá khứ và hiện tại”, trong 2 ngày 04 và 05 tháng 5 năm 2017 tại Roma.

 Hội thảo kỷ niệm 100 năm thành lập Bộ các Giáo hội Đông phương

 

 
WHĐ (04.05.2017) / Zenit – Để ghi dấu một trăm năm Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV thành lập Bộ các Giáo hội Đông phương (ngày 01-05-1917), Bộ này cùng với Viện Giáo hoàng Nghiên cứu Giáo hội Đông phương sẽ tổ chức một Hội thảo với chủ đề “Căn tính của sứ vụ tương lai, giữa quá khứ và hiện tại”, trong 2 ngày 04 và 05 tháng 5 năm 2017 tại Roma.

Đức Hồng y Leonardo Sandri, Bộ trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, sẽ khai mạc Hội thảo lúc 8g45 thứ năm 4 tháng 5.

Trong 3 phiên họp tiếp theo, Hội nghị sẽ thảo luận về lịch sử và sứ mệnh của Bộ cũng như về công việc phục vụ của Bộ, trong hiện tại và tương lai. Trong ngày cuối cùng, thảo luận bàn tròn về đề tài “Tông thư Misericordia et Misera (Lòng thương xót và nỗi khốn cùng): những thách đố mục vụ mới ở châu Âu và Trung Đông” sẽ diễn ra lúc 17g30.

Một buổi hoà nhạc của ca đoàn các Trường Đại học Đông phương sẽ được tổ chức tại Nhà thờ Thánh Antonio Tu viện trưởng của Đại học Giáo hoàng Russicum, ngày 5 tháng 5, lúc 19g.

Bộ các Giáo hội Đông phương hiện nay gồm 32 thành viên, có nhiệm vụ thúc đẩy, phát triển và bảo vệ các quyền lợi và di sản phụng vụ, kỷ luật và linh đạo của người Công giáo Đông phương thuộc các nghi lễ Armenia, Byzantine, Copt và Syria.

Người Công giáo Đông phương sống tại nhiều nước, trong đó có Hy Lạp, Albania, Bulgaria, Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Jordan, Syria, Liban, Palestine, bán đảo Sinai, Ai Cập, Eritrea và Bắc Ethiopia.

Tiền thân của Bộ các Giáo hội Đông phương là một phân bộ thuộc Bộ Truyền bá Đức tin (De Propaganda Fide), được Đức Giáo hoàng Piô IX thiết lập ngày 06-01-1862 để phụ trách các Giáo hội Đông phương, sau đó trở thành một Bộ biệt lập vào năm 1917. Tên gọi hiện nay của Bộ được ấn định trong Tông hiến Regimini Ecclesiae Universæ của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, ban hành ngày 15-08-1967.
 
 
 

Minh Đức