28/11/2024

Thiếu thuốc, người bệnh thiệt

Bệnh viện K trong tháng 4 này đã nhận được ba thư của ba bệnh viện đề nghị được mượn thuốc Vincristine, trong đó có Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đề nghị được mượn 100 ống.

 

Thiếu thuốc, người bệnh thiệt

 Bệnh viện K trong tháng 4 này đã nhận được ba thư của ba bệnh viện đề nghị được mượn thuốc Vincristine, trong đó có Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đề nghị được mượn 100 ống.

 

 

 

Thiếu thuốc, người bệnh thiệt
Thuốc Vincran (tên hoạt chất là Vincristine) là một trong số các thuốc đang bị đứt hàng – Ảnh: L.Anh

Tại nhiều bệnh viện, tình trạng đứt hàng, thiếu thuốc đang xảy ra, nhiều bác sĩ than họ đang “bó tay” vì không có thuốc dùng cho người bệnh.

Thiếu nhiều loại thuốc

Theo ông Vũ Đình Tiến – trưởng khoa dược Bệnh viện K, với sản phẩm Vincristine tại Bệnh viện K duy nhất có một nhà sản xuất của Hàn Quốc tham gia đấu thầu, cung cấp sản phẩm có tên thương mại là Vincran. Đây là thuốc điều trị ung thư vòm, ung thư hạch và nhiều loại ung thư khác.

Tuy nhiên trong tháng này Bệnh viện K đã nhận được ba thư mượn thuốc từ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và cả một bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt tuyến T.Ư cũng đề nghị mượn thuốc vì hết sạch Vincristine.

 

“Theo thông tin chúng tôi nắm được thì phải cuối tuần sau nhà cung cấp Hàn Quốc kể trên mới cung ứng Vincristine trở lại”- ông Tiến cho biết.

Không chỉ thiếu thuốc Vincristine, các bệnh viện hiện đang thiếu nhiều loại thuốc vì đủ thứ lý do. Một chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cho hay bệnh viện này đang thiếu loại thuốc tối cần thiết cho cấp cứu tim mạch từ khoảng một tháng nay nhưng không có hàng. Một sản phẩm khác rất cần cho kỹ thuật điều trị ung thư gan, nhưng vì giá tăng và các quy định hiện hành “bó buộc” nên cũng không có thuốc.

“Giá thuốc tăng nên nhà cung ứng trúng thầu nói rằng chỉ bán nốt 100 lọ với giá cũ, sau đó bán với giá mới, chúng tôi đề nghị lên Bộ Y tế để được mua với giá mới nhưng quy định hiện hành yêu cầu chỉ được mua với giá trúng thầu, mà mua qua nhà thuốc thì bị thông tư 15 “bó” nên không có thuốc”- chuyên gia này cho biết.

Ông Hà Văn Thúy, phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, cho biết trong quá trình giải quyết đơn thư của người bệnh, gần đây họ nhận thư của một người bệnh ở Thái Bình phàn nàn bệnh viện hết thuốc điều trị bệnh u tiền liệt tuyến.

“Những trường hợp như thế này chúng tôi đều giải quyết theo hướng chuyển người bệnh lên bệnh viện tuyến trên, do đây là bệnh phải điều trị dài ngày”- ông Thúy cho biết.

Tuy nhiên việc chuyển người bệnh như thế này (ví như đi Hà Nội) chỉ hợp lý khi người bệnh có điều kiện, có khả năng tài chính…

Mua thuốc với giá đắt hơn 30 lần

Hiện giá morphine dạng viên chỉ trên 3.000 đồng/viên, đây là sản phẩm có giá hợp lý nhất trong các thuốc cùng loại, nhưng do nhà sản xuất đang thay đổi quy trình nên nhiều bệnh viện cũng đang hết thuốc.

Trong trường hợp này, người bệnh có thể chuyển sang sử dụng loại thuốc tương tự nhưng giá cao hơn. Tuy nhiên ngay cả khi chấp nhận giá thuốc cao hơn, thì những người bệnh được chỉ định sử dụng Vincristine cũng không may mắn như vậy vì đây là loại duy nhất trúng thầu vào bệnh viện.

Đã có những người bệnh buộc phải đi mua thuốc bên ngoài với giá cao hơn nhiều so với giá trúng thầu vào bệnh viện (khoảng 89.000 – 92.000 đồng/lọ).

Theo ông Phạm Lương Sơn – phó TGĐ Bảo hiểm xã hội VN, trong những trường hợp người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc trong danh mục mà bệnh viện hết thuốc thì người bệnh có thể mua thuốc ở ngoài, bệnh viện thanh toán lại với người bệnh theo hoá đơn mua thuốc, sau đó bệnh viện thanh toán lại với cơ quan bảo hiểm.

“Tuy nhiên, đúng là đang có khoảng trống về chính sách, để hỗ trợ người bệnh trong những trường hợp giá thuốc bên ngoài cao hơn giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện. Khi đó không bệnh viện nào thanh toán cho người bệnh với giá “chợ đen” rồi thanh toán lại với bảo hiểm bằng giá trúng thầu”- ông Sơn nói.

Một giám đốc bệnh viện ung bướu cho hay tình trạng đứt hàng, thiếu thuốc rất hay xảy ra, Bộ Y tế nên sớm có quy định để người bệnh đỡ thiệt thòi vì có những “khoảng trống chính sách” như thế này.

Giá thuốc tốt chắc chắn sẽ rẻ hơn?

Theo thống kê của ban dược – vật tư y tế – BHXH VN, qua phân tích số liệu đấu thầu thuốc từ 59 tỉnh thành, chi phí mua biệt dược gốc chiếm 1/4 chi phí sử dụng thuốc, tuy nhiên do không có cạnh tranh trong đấu thầu nên thuốc biệt dược gốc cứ đấu thầu là trúng với mức giá cao.

Đơn cử một số mặt hàng như thuốc tiêm Ceftriaxone 1g biệt dược gốc trên 180.000 đồng/lọ, trong khi nhóm 1 có 10 thuốc tương tự, giá trung bình chỉ 25.000 đồng/lọ; thuốc Meropenem 1g biệt dược gốc giá trên 700.000 đồng/lọ, trong khi 4 thuốc tương tự ở nhóm 1 chỉ khoảng 300.000 đồng/lọ; đặc biệt thuốc Paclitaxel 100 mg biệt dược gốc giá gần 4 triệu đồng/lọ, trong khi nhóm 1 có 3 loại tương tự giá chỉ gần 900.000 đồng/lọ.

Bà Nguyễn Thị Yến, phó trưởng ban dược – vật tư y tế, cho biết tại bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Chợ Rẫy tỉ lệ biệt dược gốc được sử dụng chiếm 45-50% thuốc dùng, trong khi bệnh viện ở Lào Cai, Sơn La, Nam Định, Hà Nam chỉ sử dụng 1-2% biệt dược gốc.

Bà Yến cho rằng biệt dược gốc là thuốc tốt, tuy nhiên danh mục biệt dược gốc hết thời hạn bảo hộ bản quyền cho nên nếu thay đổi về quy định, giá biệt dược gốc sẽ về gần với giá thuốc nhóm 1 hơn, người bệnh và quỹ bảo hiểm sẽ được lợi.

BHXH VN cũng đề nghị Bộ Y tế sớm thông báo danh mục biệt dược gốc đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền, phối hợp với BHXH VN xem xét và đề xuất cơ cấu mua sắm, sử dụng thuốc.

“Chỉ một thay đổi quy định về đấu thầu giá thuốc đã giảm 1/3, nếu thay đổi quy định về biệt dược gốc, giá thuốc chắc chắn sẽ giảm”- bà Yến nói.

LAN ANH