10/01/2025

Thế nào là tác phẩm ‘nude lành mạnh’?

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm cho biết: “Nếu như nude phản cảm, gợi dục, chúng ta mới cấm, nude lành mạnh, thực sự góp phần tạo nên hiệu quả và hiệu ứng của tác phẩm đó thì không cấm”.

 

Thế nào là tác phẩm ‘nude lành mạnh’?

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm cho biết: “Nếu như nude phản cảm, gợi dục, chúng ta mới cấm, nude lành mạnh, thực sự góp phần tạo nên hiệu quả và hiệu ứng của tác phẩm đó thì không cấm”.




Bức 'Bài ca nhan sắc' của Bùi Trọng Dư
 /// Ảnh: NVCC

Bức ‘Bài ca nhan sắc’ của Bùi Trọng DưẢNH: NVCC

Tại buổi phát động Festival Mỹ thuật trẻ 2017 diễn ra tại Hà Nội ngày 28.4, do Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) tổ chức, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm cho biết hội đồng nghệ thuật sẽ xem xét từng tác phẩm nude (nếu có) để quyết định có nên cấm dự festival hay không.
Cách nhìn về nude nên cởi mở hơn


Thế nào là tác phẩm 'nude lành mạnh'? - ảnh 1
Có thể nó nói về tình dục nhưng người ta vẫn phải chấm điểm nó trên cách nhìn đó là tác phẩm có ý tưởng tốt hay không, thể hiện tốt hay không, người ta không đánh giá nó đồi truỵ hay lành mạnh
Thế nào là tác phẩm 'nude lành mạnh'? - ảnh 2

Giám tuyển Lê Quang Đỉnh

Trả lời PV Thanh Niên về giới hạn của tác phẩm nude hay có cởi bỏ trang phục, ông Vi Kiến Thành cho biết: “Nếu như nude phản cảm, gợi dục, chúng ta mới cấm, nude lành mạnh, thực sự góp phần tạo nên hiệu quả và hiệu ứng của tác phẩm đó thì chúng ta không cấm”. Cho tới thời điểm này, tại VN chưa hề có một triển lãm nude nào được cấp phép tổ chức. Các tác phẩm nude chỉ xuất hiện lác đác trong vài triển lãm.

Quan điểm của ông Thành làm giám tuyển Lê Quang Đỉnh cảm thấy không thoả mãn. Theo ông Đỉnh, câu chuyện nude tại các cuộc thi mỹ thuật trong nước vẫn loanh quanh mãi không thay đổi. Trong khi các hoạ sĩ khi vẽ nude chỉ nghĩ đó là thể hiện vẻ đẹp của cơ thể người mẫu thì nhiều người lại cho rằng nó khêu gợi. “Luật lệ lại không rõ ràng nên lần nào cũng cứ loanh quanh, dù bàn với nhau riết rồi”, ông Đỉnh nói. Cũng theo ông Đỉnh, các festival mỹ thuật trẻ khác trên thế giới không hề cấm nude. “Khi chấm, giám tuyển chỉ xem đó có phải là tác phẩm tốt không, chứ không xem nó có phải tác phẩm nude không. Có thể nó nói về tình dục nhưng người ta vẫn phải chấm điểm nó trên cách nhìn đó là tác phẩm có ý tưởng tốt hay không, thể hiện tốt hay không, người ta không đánh giá nó đồi trụy hay lành mạnh”, ông Đỉnh nói.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn thì cho rằng việc “soi” tác phẩm nude hay trình diễn có trút bỏ trang phục có lành mạnh hay không là việc đánh tráo khái niệm. “Nhiều khi người ta cứ dùng đạo đức để cấm đoán. Trong khi đó, với một tác phẩm nghệ thuật, ý nghĩa của nó quan trọng hơn nhiều. Bản thân sinh viên mỹ thuật bây giờ cũng hiểu điều đó. Tác phẩm bây giờ không duy mỹ nữa mà có ý nghĩa xã hội. Vì thế, quan điểm như thế này thì nhiều sinh viên nói với tôi sẽ không dự thi”, vị giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội nói.


Theo thể lệ festival, mỗi tác giả là các nghệ sĩ trẻ VN từ 18 – 35 tuổi được gửi tối đa 2 tác phẩm, trong thời gian từ ngày 19 – 23.6, về Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm (38 Cao Bá Quát, Q.Ba Đình, Hà Nội). Nội dung sáng tác là các đề tài tự do, có tính phát hiện và có sự tiếp cận của thế hệ trẻ. Đặc biệt, BTC khuyến khích các đề tài về đời sống đương đại; các hình thức, khuynh hướng, ý tưởng, phong cách, bút pháp sáng tạo độc đáo; kỹ thuật thể hiện, chất liệu có những tìm tòi mới. Ngoài ra, tác phẩm dự thi sáng tác trong giai đoạn 2014 – 2017 và chưa từng công bố tại triển lãm toàn quốc nào do Bộ VH-TT-DL tổ chức. Giải thưởng gồm 3 giải nhất, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng; 6 giải nhì, mỗi giải 15 triệu đồng..

Ông Sơn cũng cho rằng cách nhìn về nude nên cởi mở hơn, đặc biệt ở thời điểm không thể kiểm soát được việc tiếp cận tác phẩm nude hay sex trên mạng. Chỉ cần một cú nhấp chuột, người ta có thể tiếp cận cả ngàn tấm hình, tranh nude. Vì thế, khi nghệ sĩ làm tác phẩm về tình dục, về thân thể thì tốt nhất là xem xét nó về ý tưởng, thể hiện chứ không phải độ gợi cảm hay phản cảm. Ông cũng lấy ví dụ về tác phẩm Cội nguồn trần thế (L’origine du monde) của tác giả Gustave Courbet, khi ra đời hồi 1866 bị chụp mũ là đồi trụy, nhưng giờ đây đang được chính thức trưng bày tại Bảo tàng Orsay của Pháp. “Bây giờ là thế kỷ 21 và tác phẩm đó đã ở bảo tàng cho tất cả khách xem, nếu chúng ta cứ nghĩ về nude như thế này sẽ tụt hậu so với thế giới”, ông Đỉnh nói.

Trong khi đó, ông Vi Kiến Thành không cam đoan về việc ban giám khảo sẽ đưa ra giải thích tường tận khi một tác phẩm bị cho là nude không lành mạnh, dẫn tới bị cấm. “Các giám khảo có thể nói trên quan điểm cá nhân. Còn đại diện ban giám khảo chỉ nói khi được phép”, ông Thành chia sẻ.
Thay đổi cách tìm tác phẩm trẻ
Giám tuyển Trần Lương cho rằng việc “rà soát” tác phẩm nude chứng tỏ cách nghĩ cũ vẫn còn đè nặng trong tư duy giám khảo. “Như thế nào là lành mạnh, nếu hội đồng chụp mũ thì sao? Cần có diễn đàn công khai để mời cả học giả vào. Không thể chỉ nói về tình dục với nude ở trong lĩnh vực mỹ thuật, mà nó còn câu chuyện tâm lý, văn hóa, văn hoá tình dục nữa”, ông Lương nói.
Bản thân ông Đỉnh cũng là người từng được Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm mời làm giám khảo festival mỹ thuật lần trước. Lần này, ông cũng được mời nhưng không thể dự chấm vì trùng lịch triển lãm tại Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Đỉnh, hiện tại tư duy của giám khảo còn truyền thống quá. “Mấy năm trước tham gia chỉ có tôi và Như Huy không bị truyền thống, thành ra cũng không thay đổi gì được, vì hội đồng đến 10 người. Có lẽ muốn thay đổi thì phải giảm số giám khảo xuống chỉ độ 3 – 4 người thôi, và đều là giám tuyển”, ông Đỉnh nói.
Việc giám khảo cũng là giám tuyển, theo ông Đỉnh, sẽ đẩy nhanh được việc tìm tác giả trẻ, tác phẩm trẻ có chất lượng. Việc không chủ động tìm tác phẩm như một giám tuyển mà chỉ ngồi chờ tác giả ghi tên sẽ khiến bỏ lỡ nhiều tác giả tốt. Đó là lý do đa số các họa sĩ trẻ hoạt động trong mỹ thuật đương đại có tiếng ở VN và hay được mời tham gia triển lãm ở nước ngoài như Bùi Công Khánh, Phương Linh, Huy An… đều không muốn tham gia festival mỹ thuật trẻ trong nước.
Ông Đỉnh cũng lấy ví dụ về một giải thưởng mỹ thuật cho chân dung tự họa DOGMA. Mấy năm trước, giải thưởng này nhờ Hội Mỹ thuật làm giám tuyển, tuy nhiên lượng người trẻ tham gia không đông. Vì thế năm nay DOGMA không làm với hội nữa mà mời các giám tuyển từ các không gian nghệ thuật độc lập. Hiện lượng tác giả dự DOGMA lên tới hơn 200, trong đó non nửa là những người chưa từng tham dự triển lãm.
“Cục Mỹ thuật nên xem những gì DOGMA đang làm nếu muốn thay đổi, thu hút người dự. Các bạn trẻ không muốn dự giải nhiều vì họ thấy người chấm bài có cách nhìn quá truyền thống, họ cho rằng nếu vậy tác phẩm của họ sẽ không bao giờ được chọn. Đúng hơn, họ cho rằng giám khảo không hiểu những gì họ đang làm. Mâu thuẫn là 2 thế hệ không có tiếng nói chung, hai bên khó tin tưởng nhau. Nên nếu Cục muốn mọi người tham gia thì phải cho thấy Cục muốn đối thoại với tác giả”, ông Đỉnh nói.

 

Trinh Nguyễn