29/11/2024

Những “phi vụ” thất thoát của PVN

Có những sai phạm của PVN đã được điểm mặt chỉ tên. Điển hình như vụ 800 tỉ đồng đổ vào OceanBank một đi không trở lại, hay hàng loạt dự án nghìn tỉ đắp chiếu, thua lỗ. Cùng điểm lại những phi vụ ấy.

 

Những “phi vụ” thất thoát của PVN

Có những sai phạm của PVN đã được điểm mặt chỉ tên. Điển hình như vụ 800 tỉ đồng đổ vào OceanBank một đi không trở lại, hay hàng loạt dự án nghìn tỉ đắp chiếu, thua lỗ. Cùng điểm lại những phi vụ ấy.

 

 

 

Những “phi vụ” thất thoát của PVN
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc OceanBank, tại phiên tòa – Ảnh: TTXVN

Liên quan đến việc PVN góp vốn vào Ngân hàng cổ phần Đại Dương (OceanBank), TAND TP Hà Nội đã mở phiên toàsơ thẩm xét xử đại án thất thoát gần 2.000 tỉ đồng tại OceanBank.

Mất hút 800 tỉ đồng

Theo tài liệu tố tụng, đến thời điểm tháng 3-2014, PVN là một trong bốn cổ đông góp vốn lớn nhất vào OceanBank.

Cuối năm 2008, ông Đinh La Thăng khi còn là chủ tịch HĐQT PVN đã ký thỏa thuận để trở thành cổ đông, đối tác chiến lược tham gia góp vốn 20% tại OceanBank. Tổng số tiền mà PVN đã “đổ” vào OceanBank là 800 tỉ đồng đến nay không thể thu hồi.

Tiếp đó, PVN cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành tại OceanBank. Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Sơn được PVN giới thiệu, cử làm thành viên HĐQT kiêm chức vụ tổng giám đốc của OceanBank. Trong đại án OceanBank, ông Sơn bị truy tố, đưa ra xét xử tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đầu năm 2009, ông Sơn bàn bạc với ông Hà Văn Thắm (chủ tịch HĐQT OceanBank) về việc huy động vốn cho ngân hàng. Ông Sơn đề nghị về việc “đi đêm lãi suất”, chủ trương trả thêm ngoài lãi suất quy định cho các khách hàng gửi tiền trên toàn bộ hệ thống OceanBank.

Cụ thể, ngoài mức lãi suất tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước – còn được gọi là “trần lãi suất”, các khách hàng khi gửi tiền tại OceanBank (từ 1 tỉ đồng trở lên) sẽ được nhận một khoản trả thêm ngoài trần lãi suất. Khoản lãi suất này không được thể hiện trong hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm, mà được chuyển thẳng cho khách hàng.

Trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 11-2014, tổng số tiền OceanBank chi cho chủ trương này là gần 1.600 tỉ đồng.

Ngoài ra, ông Sơn đã bàn bạc và thống nhất với Hà Văn Thắm đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỉ giá dưới hình thức thu phí của khách hàng thông qua Công ty BSC là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nguyễn Xuân Sơn đã nhận 69 tỉ đồng từ BSC. 

Từ tháng 5-2011, ông Nguyễn Xuân Sơn đã chuyển về PVN nhưng vẫn chỉ đạo bà Nguyễn Minh Thu, nguyên tổng giám đốc OceanBank, tiếp tục chăm sóc một số khách hàng là doanh nghiệp của PVN. Lợi dụng uy tín, địa vị của mình cộng với sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền gửi huy động từ PVN, ông Sơn đã rút số tiền 246 tỉ đồng của OceanBank.

Hành vi của ông Sơn có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, tổ chức chỉ đạo những hoạt động trái pháp luật để chiếm đoạt số tiền 246 tỉ đồng. Trong số đó có ít nhất 20% là phần đóng góp của PVN.

Trong quá trình điều tra, có lần ông Sơn khai đã nhận từ OceanBank khoảng 200 tỉ đồng. Số tiền này ông Sơn chuyển cho ông Ninh Văn Quỳnh, kế toán trưởng PVN, 60% (khoảng 120 tỉ đồng). Số tiền 40% (khoảng 80 tỉ đồng) còn lại, ông Sơn nhờ người giữ hộ để gửi tiết kiệm, khi nào cần thì lại rút ra chi.

Tuy nhiên tại toà, ông Quỳnh phủ nhận và khẳng định chưa bao giờ nhận tiền chi ngoài lãi suất. Ông Sơn còn khai từng nhờ anh họ của mình đến OceanBank lấy hộ 10 tỉ đồng để đi mua đất cho ông Đỗ Văn Hậu, nguyên tổng giám đốc PVN, nhưng ông Hậu không nhận.

Tại phiên tòa xét xử đại án OceanBank, HĐXX trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến việc PVN góp vốn 800 tỉ đồng vào OceanBank.

HĐXX cho rằng cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Xuân Sơn và những người có trách nhiệm liên quan trong việc đầu tư, góp vốn, quản lý và để thất thoát số tiền 800 tỉ đồng của PVN, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhà máy nghìn tỉ “đắp chiếu”

Ngoài ra, có thể kể đến những dự án nổi đình nổi đám về thua lỗ, như Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học mà Thanh tra Chính phủ từng vào cuộc.

Năm 2008, dự án xơ sợi Đình Vũ được phê duyệt tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD. Dự án có công suất 500 tấn xơ sợi/ngày và theo tính toán của chủ đầu tư, sẽ hoàn vốn toàn bộ sau thời gian 8 năm 8 tháng.

Dự án được nghiệm thu sơ bộ vào tháng 8-2013 và đã bàn giao, đi vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử đến chính thức đều liên tục lỗ.

Sau 2 năm sản xuất kinh doanh, kết quả thua lỗ gần 1.500 tỉ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải “đắp chiếu”, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.

Tổng mức đầu tư cho dự án từ dự kiến ban đầu đến khi triển khai trên thực tế đã phải điều chỉnh từ 325 triệu USD lên thành hơn 359 triệu USD.

Trong kết luận thanh tra các dự án nhiên liệu sinh học của PVN tại Bình Phước, Quảng Ngãi và Phú Thọ, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ những dự án này đã được đầu tư hơn 5.400 tỉ đồng nhưng đến nay đều trong tình trạng “sống dở chết dở”.

Các sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nếu để “đắp chiếu” nằm không thì mỗi dự án cũng lỗ hàng trăm tỉ đồng/năm.

Dự án ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, sau đó đã bị đội vốn lên hơn 1.700 tỉ đồng. Từ tháng 4-2013 đến nay, nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, dự tính mỗi năm dự án bị lỗ khoảng 200 tỉ đồng.

Còn dự án ethanol Phú Thọ có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng, sau đó bị đội lên thành gần 2.500 tỉ đồng, đến khi thanh tra thì dự án đã tạm dừng thi công, nhưng vẫn mất hàng trăm tỉ đồng trả lãi vay và quản lý.

Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ rõ tại Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, đã chấp thuận cho Công ty cổ phần xây lắp dầu khí PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án; chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng EPC, vi phạm Luật đấu thầu năm 2005.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện dự án này chưa hoàn thành quyết toán do chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất được các tranh chấp phát sinh trong hợp đồng EPC. Điều này dẫn tới nhà máy chỉ vận hành được 65% công suất thiết kế, thiếu vốn lưu động, liên tục bị lỗ lên tới trên 600 tỉ đồng, nợ phải trả trên 1.000 tỉ đồng.

Còn tại dự án xơ sợi Đình Vũ, trước tình hình thua lỗ như đã nêu, ông Nguyễn Xuân Sơn – khi ấy là chủ tịch PVN – ký gửi văn bản đến Bộ Công thương vào tháng 5-2015 với hàng loạt kiến nghị tháo gỡ khó khăn.

Bộ Công thương cũng đã yêu cầu Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi Đình Vũ (PVTex) đề xuất các cơ chế đặc thù để gửi lên Thủ tướng Chính phủ; đề nghị các doanh nghiệp ưu tiên mua sản phẩm xơ sợi của PVTex, bao tiêu sản phẩm xơ sợi…

M.NGỌC

PVN chưa nhận kết luận của Uỷ ban Kiểm tra trung ương

Chiều tối 27-4, Tuổi Trẻ liên hệ với một số nguyên lãnh đạo PVN để hỏi ý kiến về kết luận của Uỷ ban Kiểm tra trung ương, song chỉ nhận được câu trả lời giống nhau: “Không có thông tin gì để trao đổi”.

Đại diện PVN là ông Lê Minh Hồng – người được biết đến với vai trò là người phát ngôn của PVN – cho biết không nắm được thông tin liên quan đến kết luận của Uỷ ban Kiểm tra trung ương và khẳng định tập đoàn cũng chưa nhận được thông báo nào từ Uỷ ban Kiểm tra trung ương.

THÂN HOÀNG