12/01/2025

Làm giả giấy tờ cho… cát xây dựng

Sau khi có thông tin nhà thầu thi công dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) dùng cát không rõ nguồn gốc để san lấp, chủ đầu tư dự án này cho biết đang làm rõ nguồn gốc cát của dự án này.

Làm giả giấy tờ cho… cát xây dựng

Sau khi có thông tin nhà thầu thi công dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) dùng cát không rõ nguồn gốc để san lấp, chủ đầu tư dự án này cho biết đang làm rõ nguồn gốc cát của dự án này.

 

 

 

 

Làm giả giấy tờ cho... cát xây dựng
Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo ông Nguyễn Kiên Cường (tổng giám đốc Công ty TNHH The Sunrise Bay, chủ đầu tư), nhà thầu cung ứng cát để san lấp dự án là Công ty CP xây dựng và lắp máy Trung Nam (gọi là Trung Nam).

“Sau khi có thông tin về việc giả mạo hồ sơ cấp phép của cơ quan nhà nước về việc cho phép khai thác mỏ cát ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) nhằm hợp thức hóa cho nguồn cung cấp cát, chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu ngừng sử dụng nguồn cát nói trên.

Chúng tôi cũng đã yêu cầu phía Trung Nam tìm nguồn cát hợp pháp khác thay thế để đảm bảo tiến độ của dự án” – ông Cường nói.

Tỉnh nói doanh nghiệp dùng giấy tờ giả

Sau khi bị đình chỉ thi công, Sunrise Bay đã có văn bản giải trình với Sở Xây dựng Đà Nẵng về nguồn gốc cát.

Theo đó, Sunrise Bay đã ký hợp đồng với Công ty Trung Nam để thi công hạ tầng (kè và san lấp mặt bằng).

Trong hợp đồng kinh tế ghi rõ: “Nguồn gốc vật liệu xây dựng phải hợp pháp, theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, nhà thầu thi công khai thác từ các mỏ thuộc Hoà Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu (Đà Nẵng) và huyện Đại Lộc, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam)”.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Linh – phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang – khẳng định: từ năm 2003 đến nay, Tây Giang không hề có mỏ cát nào được cấp phép.

Sau khi có thông tin nói trên, lãnh đạo huyện Tây Giang đã lập tức có công văn đề nghị các cấp điều tra xác minh lại hợp đồng mua bán, vận chuyển cát có liên quan đến huyện. “Đây là điều hết sức vô lý” – ông Linh nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Kiên Cường: trong hợp đồng san lấp cho dự án thì nhà thầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nguồn gốc cát.

Hồ sơ mà Trung Nam cung cấp cho chủ đầu tư dự án là quyết định số 1193 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác cát tại xã A Tiêng, huyện Tây Giang.

Quyết định này cho phép Công ty CP đầu tư và xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam được phép khai thác 3 triệu m3 cát ở xã A Tiêng từ tháng 6-2015 đến tháng 5-2019.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ thì quyết định 1193 của UBND tỉnh Quảng Nam (ban hành ngày 6-4-2015) là một quyết định về việc gia 
hạn giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Đơn vị được gia 
hạn giấy phép là Công ty CP Kim Toàn.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Khánh Toàn – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, người ký công văn số 1193 – khẳng định hồ sơ liên quan đến việc gia hạn cho khai thác cát ở Tây Giang là giả, vì vậy đã chỉ đạo công an vào cuộc làm rõ.

Ai sai thì người đó chịu

Ông Bùi Xuân Định – tổng giám đốc Công ty Trung Nam, đơn vị cung cấp cát cho Sunrise Bay – cho biết đó là giấy tờ do Công 
ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam cung cấp.

Theo ông Định, để thực hiện gói thầu san nền tại dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước, Trung Nam đã ký hơn 30 hợp đồng với các nhà thầu phụ để cung cấp cát, đá.

Trong đó hợp đồng mà Trung Nam ký với Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam về việc mua cát thể hiện nguồn cát tại huyện Đại Lộc.

“Vừa qua khi chủ đầu tư yêu cầu cung cấp hồ sơ nguồn gốc cát, chúng tôi đã làm việc lại với Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam thì họ trưng ra quyết định trên.

Họ nói lấy ở mỏ này thì tôi tin là lấy ở đó vì họ đưa ra cả quyết định. Hơn nữa hợp đồng của chúng tôi ký kết từ tháng 9-2016 và đã thanh lý vào tháng 1-2017” – ông Định nói.

Cũng theo ông Định, trong thời gian thực hiện hợp đồng từ tháng 9-2016 đến tháng 1-2017, mỗi tháng Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam cung cấp cho Trung Nam từ 5.000-8.000m3 cát san lấp.

“Chúng tôi chỉ mua cát từ các nhà cung cấp chứ không đi tìm mỏ cát để mua. Vậy nên việc các giấy tờ có liên quan đến mỏ cát ở Tây Giang, tôi cũng mong các cơ quan pháp luật vào kiểm tra mức độ sai phạm. Ai sai thì người đó chịu trách nhiệm” – ông Định phân trần.

Để làm rõ vấn đề nói trên, Tuổi Trẻ đã nhiều lần liên hệ với bà Đỗ Thị Hành (giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam) theo địa chỉ công ty tại xã A Tiêng, huyện Tây Giang ghi trên hợp đồng nhưng đều không thành.

TRƯỜNG TRUNG