23/01/2025

Khi tiêu cực được gọi tên là… “hỗ trợ”

Nền giáo dục Việt Nam không thể phát triển được khi luôn có sự “ngầm hiểu” giữa ban giám hiệu với giáo viên, giữa giáo viên với giáo viên để “hỗ trợ” những học sinh có vấn đề, hoặc đồng nghiệp đang vào “thế kẹt”.

 

Khi tiêu cực được gọi tên là… “hỗ trợ”

Nền giáo dục Việt Nam không thể phát triển được khi luôn có sự “ngầm hiểu” giữa ban giám hiệu với giáo viên, giữa giáo viên với giáo viên để “hỗ trợ” những học sinh có vấn đề, hoặc đồng nghiệp đang vào “thế kẹt”.

 

 

 

Khi tiêu cực được gọi tên là... “hỗ trợ”
“Hãy thôi than phiền về học sinh thế này hay thế khác. Chúng ta đang ngày ngày tạo ra một thế hệ học sinh mà chính chúng ta đang thất vọng đó quý thầy cô ạ”
 

Học sinh có nguy cơ ở lại lớp tên là Q.T., em này vẫn học bình thường cho đến sát ngày kiểm tra học kỳ II. Rồi bỗng nhiên Q.T. vắng mặt trong mấy ngày thi học kỳ II. Không có những điểm thi học kỳ thì đương nhiên em này sẽ không được lên lớp là chắc chắn.

Nhưng, giáo viên chủ nhiệm đã rất “linh động” báo cáo lên ban giám hiệu là học sinh này bỏ học luôn rồi! Vì nếu để Q.T. đi thi học kỳ II, có thể em sẽ không đạt điểm lên lớp (chỉ là có thể, chứ chưa chắc không lên lớp); mà trong lớp có một học sinh không lên lớp thì giáo viên chủ nhiệm sẽ mất danh hiệu “chiến sĩ thi đua”, kéo theo đó là hàng loạt quyền lợi!

Ban giám hiệu cũng rất “thông hiểu” tình hình, nhất là trên tinh thần “hỗ trợ” giáo viên, nên trường hợp em Q.T. này xem như được “thông qua” trót lọt!

Một trường hợp khác là một lớp 7 đã có hai học sinh bỏ học tính từ đầu năm, nay đến cuối năm lại có thêm một học sinh thiếu rất nhiều cột điểm trong sổ (do hay trốn học đi chơi). Tuy nhiên đến sát ngày thi học kỳ, em học sinh Q.M. này vẫn vào lớp làm bài kiểm tra một tiết.Thấy vậy, một giáo viên bộ môn nói với giáo viên chủ nhiệm: “Em Q.M. có làm bài kiểm tra một tiết, nhưng thiếu nhiều cột điểm của nhiều môn, làm sao cho em làm bù kiểm tra lại cho kịp?”. Vẻ lo lắng hiện lên khuôn mặt giáo viên chủ nhiệm đó, rồi người này liền báo cáo sự việc lên ban giám hiệu.

Sau đó, quyết định cuối cùng về trường hợp em Q.M. dựa trên sự “nhờ cậy” của ban giám hiệu như sau: “Thầy cô cố gắng “hỗ trợ” cho em Q.M., môn nào còn thời gian thầy cô cho em kiểm tra lại, còn không thì nhẹ tay hơn với em”, và giáo viên bộ môn “ngầm hiểu” sẽ vô điểm khống cho học sinh đó. Bởi nếu học sinh Q.M. ở lại lớp hoặc bỏ học thì giáo viên chủ nhiệm lớp em sẽ mất danh hiệu “chủ nhiệm giỏi”!

Những câu chuyện tương tự như trên hầu như trường học nào cũng có, nhưng không một nhà báo nào, không một thanh tra giáo dục nào có thể phát hiện, mà nếu có phát hiện cũng không tài nào có đủ chứng cứ.

Chỉ có sự “ngầm hiểu” giữa ban giám hiệu với giáo viên, giữa giáo viên với nhau. Và khi đội ngũ giáo viên ở đâu đó gần như tất cả đều thỏa hiệp với thứ tiêu cực được gọi tên là “hỗ trợ” em học sinh X, Y hoặc đồng nghiệp thì nền giáo dục không thể nào phát triển bình thường được, sẽ chỉ là một nền giáo dục què quặt.

Người viết bài không thể chỉ đích danh một ngôi trường, một cái tên, cũng không đủ khả năng thu thập chứng cứ để làm rõ đúng sai. Chỉ có một nỗi đau giằng xé trong lòng khi viết ra, để nếu được, đội ngũ nhà giáo chúng ta đọc và thấy mình có phần can dự, có phần lỗi không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng thế hệ tương lai của đất nước.

VIỆT KIẾN QUỐC