28/11/2024

Chương trình chất lượng cao tạo ra bất công trong giáo dục!

Các chuyên gia cho rằng việc đào tạo chương trình chất lượng cao trong trường ĐH công lập đã gây ra nhiều mâu thuẫn.

 

Chương trình chất lượng cao tạo ra bất công trong giáo dục!

Các chuyên gia cho rằng việc đào tạo chương trình chất lượng cao trong trường ĐH công lập đã gây ra nhiều mâu thuẫn. 




Chương trình chất lượng cao tạo ra bất công trong giáo dục!

Vì vậy, nếu không khống chế một tỷ lệ nhất định, các trường sẽ lạm dụng, gây ra nhiều hệ quả, trong đó có sự mất công bằng với người học.
Hiện nhà nước đang khuyến khích các trường công thực hiện mô hình tự chủ. Ở đó trường được toàn quyền thu học phí cao, đảm bảo chương trình đào tạo tốt. Sinh viên (SV) khi chấp nhận vào trường này sẽ phải đóng học phí cao. Tuy nhiên, nhiều trường vừa không muốn tự chủ nhưng lại muốn có thể thu học phí cao ở các chương trình gọi là đặc biệt.
Trường tư trong trường công?
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng ông ủng hộ tinh thần chung là cần tăng dần học phí ĐH lên để có điều kiện đầu tư nâng cao chất lượng. Nhưng ông không ủng hộ việc một trường công lập có 2 chương trình với hai mức học phí khác nhau. Như vậy là “trường tư trong trường công”.
Ông Tống cho biết: “Có 2 mức học phí trong một trường ĐH công lập là vô lý. Thí sinh có điều kiện trả học phí cao nhưng lại được tuyển vào với điểm thấp hơn, được đáp ứng nhiều hơn SV giỏi nhưng không trả được học phí cao. Như vậy là bất công cho thí sinh học giỏi mà không có nhiều tiền. Đó là sự mâu thuẫn trong trường ĐH công lập. SV học chương trình bình thường sẽ bị thiệt thòi vì cơ sở vật chất nhà nước dành chung cho tất cả SV. Đằng này, chương trình chất lượng cao (CLC) sử dụng cơ sở vật chất của nhà nước, lại được ưu tiên phòng học tốt, lấn chỗ SV đại trà”.
Ông Tống cũng cho rằng việc khống chế chỉ tiêu tuyển sinh chung trên nguyên tắc là hợp lý nhưng không thể dành chỉ tiêu CLC quá nhiều, dẫn đến bất công.


Ông Bùi Việt Hà, Giám đốc Công ty công nghệ tin học nhà trường School@net, cho biết việc lạm dụng đào tạo CLC ở trường ĐH công nhiều quá là không nên. Chương trình CLC phải là một số trường có chất lượng cao thật sự rồi nhưng nhà nước không cho phép thu học phí cao, họ mở một vài lớp để đào tạo thì hợp lý. Theo ông Hà, các trường thích đầu tư nhiều chương trình này vì họ có lợi, trường được thu học phí cao hơn. Trong khi ở nhiều nơi, chương trình này không phải CLC mà là nơi của SV giàu hơn. Điều này tạo ra sự bất công trong một trường công và dẫn đến chuyện cơ hội của học sinh bình thường bị thu hẹp lại.

“Việc này, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT phải lên tiếng. Cần có cảnh báo, chế tài để các trường không lạm dụng, không quá sa đà vào đào tạo CLC”, ông Hà nói.
Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và hỗ trợ chất lượng giáo dục Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, với những gì đang diễn ra, rõ ràng chương trình gọi là CLC đã bị biến tướng, không thực sự nhắm vào chất lượng, mà chỉ nhắm vào tăng học phí.
“Nếu cứ đà này, mọi việc không thay đổi thì thực chất việc đặt ra chương trình CLC chỉ là làm cho mọi người quen với mức học phí cao hơn mà thôi. Vì một khi chương trình CLC thu rất cao rồi thì không có lý do gì mà chương trình thường lại học phí quá chênh lệch so với chương trình CLC. Hơn nữa, sự chênh lệch này nếu có cũng làm người học ngần ngại – sao chương trình kia học phí cao như thế mà chương trình này thấp, chắc là nó tệ lắm. Và rồi người ta sẽ phải chọn chương trình CLC (thực chất là học phí cao) để cho an tâm, trừ những người không đủ khả năng để đóng học phí cao. Như vậy, chương trình thường sẽ dần dần tàn lụi đi hoặc nếu nó vẫn còn tồn tại, thì sẽ xảy ra tình trạng phân biệt đối xử vì hẳn là người dạy CLC sẽ được trả lương cao hơn, phòng ốc đẹp hơn, có máy lạnh… tức là tạo sự phân hoá giàu nghèo ngay trong môi trường giáo dục. Như thế thì còn làm sao mà dạy được SV về công bằng xã hội, về công ích, về phục vụ cộng đồng được nữa?”.
Chương trình chất lượng cao tạo ra bất công trong giáo dục! - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

‘Chóng mặt’ với học phí đại học

Nếu trước đây học phí các trường ĐH công lập chỉ thu theo một mức trần quy định, thì nay trong hệ thống này cũng có nhiều mức khác nhau. Có những chương trình học phí cao gấp nhiều lần đại trà.


Có nên tồn tại nhiều chương trình trong một trường?

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng có 2 giải pháp để giải quyết việc này. Trước hết cần giảm hoặc bỏ hẳn việc đào tạo CLC nhưng tăng học phí ĐH cao hơn. Song song đó là tăng quỹ vay vốn cho SV nghèo để bảo đảm nguyên tắc chung tạo cơ hội cho tất cả mọi người học ĐH. Kế đến là khuyến khích một số trường tư tăng học phí với chất lượng cao. Nhiều SV có điều kiện sẵn sàng học trường có học phí đắt nhưng CLC và bằng quốc tế.
Còn tiến sĩ Phương Anh thì đề nghị Bộ GD-ĐT không nên khống chế mức học phí, kể cả trường công lập vì đôi khi các trường buộc phải đặt ra cái gọi là CLC chỉ để giải bài toán kinh tế của mình. Một khi đã thu học phí cao thì cũng phải cố gắng tạo ra chút gì khác biệt để thu hút người học.
Theo bà Phương Anh, điều quan trọng là đối với trường công lập, dù có tự chủ tài chính đi nữa, thì vẫn sử dụng nguồn lực công rất nhiều, nên mục đích tồn tại của họ là phải phục vụ công ích. Điều này đồng nghĩa với việc nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng của trường, không phải bằng cách kiểm định như hiện nay mà bằng cách yêu cầu nhà trường phải có một hệ thống thông tin minh bạch như số lượng SV tốt nghiệp có việc làm, tỷ lệ tốt nghiệp so với nhập học, tỷ lệ bỏ học…
Bà Phương Anh đề nghị không cho phép các trường tổ chức hệ CLC ngay trong cùng một trường. Nếu trường nào muốn CLC nên phải tăng học phí thì tăng đều cho mọi SV đồng thời nếu muốn khuyến khích SV giỏi thì trao các học bổng như các trường nước ngoài. “Rõ ràng nếu học cùng một trường, cùng một tư duy xây dựng chương trình, cùng những thầy cô giống nhau, thì chất lượng giữa chương trình thường và CLC làm sao khác nhau nhiều được. Nếu có thì chỉ là sự khác biệt hời hợt bên ngoài theo kiểu sĩ số nhỏ, lớp học máy lạnh, phục vụ tốt hơn thôi – một sự phân biệt giàu nghèo ngay trong môi trường giáo dục”, tiến sĩ Phương Anh nhìn nhận.


Đăng Nguyên