23/01/2025

Cải cách chưa triệt để

Giáo sư Phạm Minh Hạc – nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục – đã chia sẻ nhận định trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

 GÓP Ý DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỔNG THỂ:

Cải cách chưa triệt để

 

Giáo sư Phạm Minh Hạc – nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục – đã chia sẻ nhận định trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

 

 

 

Cải cách chưa triệt để
GS Phạm Minh Hạc – Ảnh: Nguyễn Khánh

“Ngành GD-ĐT cần có đề xuất để Chính phủ, Quốc hội vào cuộc, làm sao để 63 tỉnh, thành cùng đồng lòng, giúp sức. Chứ chỉ ngành GD-ĐT thì không thể chuẩn bị được điều kiện để chương trình mới thực hiện được”.

 

Giáo sư Hạc nói:

– Ở nhiều nước tiên tiến, cứ 10 năm họ lại thay sách một lần để phù hợp với tình hình mới. Trong khi đó, chương trình bộ môn hiện hành ngành giáo dục đang thực hiện trong các nhà trường đã duy trì 20 năm rồi. Kinh nghiệm quốc tế và cả kinh nghiệm thực tiễn đều cho thấy đã đến lúc Việt Nam phải kết thúc chương trình giáo dục cũ, để chuyển sang một chương trình mới phù hợp hơn.

Giáo dục cơ bản: “Vẫn chưa rõ mấy năm!”

* Ở chương trình phổ thông mới, đâu là điều GS đặc biệt quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng thay đổi nhất?

Câu chuyện phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là điều ngành GD-ĐT đã loay hoay trong hơn 30 năm qua, bao gồm cả thời tôi làm quản lý giáo dục, nhưng không thực hiện được như mong đợi.

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT đã đặt ra mục tiêu phải phân luồng, đẩy mạnh hướng nghiệp sau khi học sinh kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản.

Việc xây dựng chương trình phổ thông mới lần này là cơ hội để có thể khắc phục điểm yếu trong việc phân luồng, hướng nghiệp mà chương trình hiện hành không làm được.

Nhưng tôi vẫn thấy dự thảo chương trình còn nặng về điều chỉnh môn học là chính.

* Nghĩa là “điểm đột phá” này còn mờ nhạt ở dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được công bố, thưa GS?

– Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể vừa công bố đã có một số điều chỉnh nhằm tăng tính định hướng nghề nghiệp ở bậc THCS; nhưng kết thúc lớp 9, học sinh vẫn tiếp tục học 1 năm “dự hướng”.

Tôi thấy băn khoăn, không hiểu dự thảo quy định giai đoạn giáo dục cơ bản kết thúc sau 9 năm hay 10 năm.

Hơn nữa, 2 năm ở bậc THPT, tuy cách thiết kế môn học mềm dẻo hơn nhưng chủ yếu là tập trung định hướng cho học sinh vào học đại học, chứ không phân nhánh cho học sinh học nghề. Ngay cả việc định hướng cho học sinh chọn ngành khi vào đại học cũng không rõ ràng.

Với cách thiết kế như vậy, tôi e sẽ lại đi vào lối mòn cũ, phân luồng, hướng nghiệp thất bại.

* Vậy theo GS, cần điều chỉnh như thế nào?

– Tôi cũng đã có bản góp ý với ban soạn thảo chương trình, và đề nghị phải xác lập rõ giáo dục phổ thông mới gồm hai giai đoạn: phổ thông cơ sở và định hướng nghề nghiệp. Đây là điểm mới hoàn toàn trong lần đổi mới này. Không làm nổi bật được điều này thì không đổi mới đến nơi đến chốn, không thực hiện triệt để tinh thần nghị quyết trung ương.

Cần phải xác định lại cho rõ giáo dục cơ bản là 9 năm hay 10 năm. Nếu 9 năm như tinh thần nghị quyết 29 thì cần thiết kế chương trình, để học sinh học xong 9 năm đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu về năng lực, kỹ năng tham gia thị trường lao động. Khi phân luồng, một số vào học các trường nghề, còn lại các em học tiếp lên THPT để chuẩn bị điều kiện cần dự tuyển vào các trường ĐH. Với thiết kế này cũng phải xác định “chuẩn đầu ra” sau THCS (giai đoạn giáo dục cơ bản)…

Dự thảo hiện nay có ba khúc tuần tự tiếp nối: tiểu học, THCS, THPT. Nhìn vào đó có thể hình dung: tất cả học sinh sẽ lần lượt học từ tiểu học đến THPT mà không có sự phân nhánh 
nào khác.

Ở bậc THPT dành cho học sinh chuẩn bị điều kiện để vào học các trường ĐH cũng cần chia nhóm rõ nét hơn. Ở Anh, chương trình dành cho bậc học này được thiết kế với khoảng 20 nhóm ngành nghề khác nhau. Còn ở ta, ít nhất cũng phải chia được khoảng 6-7 nhóm… Học sinh có quyền được tự chọn các môn học phù hợp với nhóm ngành sẽ theo đuổi 
trong tương lai.

Cải cách chưa triệt để
Điểm đặc biệt của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là việc đưa hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào hệ thống môn học từ tiểu học đến THPT. Trong ảnh: Học sinh các trường THCS đang trải nghiệm các trò chơi trong ngày hội vật lý vui tại Trường THCS Tùng Thiện Vương, Q.8, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Cập rập quá thì không nên…

* Điểm đặc biệt của dự thảo chương trình lần này là việc đưa hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào hệ thống môn học từ tiểu học đến THPT. GS có nhận xét gì về điều này?

– Tôi ủng hộ việc thiết kế chương trình gắn với thực tiễn đời sống để học sinh được thực hành, trải nghiệm nhiều hơn. Không thể phủ nhận việc lâu nay học sinh phổ thông hầu như phải học “chay”. Những nơi có điều kiện tốt về thiết bị thực hành, thí nghiệm nhưng cũng không sử dụng trong việc dạy học.

Gần đây cũng đã có điều chỉnh nhưng việc liên hệ thực tế, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề cuộc sống thì mới chỉ có trong bài thi, chưa có trong bài dạy.

* Nhiều ý kiến cho rằng việc tách hoạt động trải nghiệm sáng tạo ra như một môn học độc lập là không hợp lý, cần phải gắn nó với các môn học cụ thể?

– Việc này tôi nghĩ có lý do về mặt kỹ thuật. Vì các môn học đều có số tiết cụ thể, có giáo viên bộ môn đảm nhiệm. Dĩ nhiên ở mỗi môn học, giáo viên cũng phải áp dụng các phương pháp dạy học, trong đó có phần thực hành, trải nghiệm sáng tạo. Nhưng dù sao nó vẫn bị khống chế bởi thời gian dành cho mỗi môn học. Bởi vậy, muốn trải nghiệm sáng tạo được đẩy mạnh hơn cần dành thời lượng riêng cho nó.

Ngoài ra, phải có cơ chế rõ ràng. Trên thực tế trong các nhà trường hiện nay, giáo viên phụ trách hướng nghiệp, cán bộ tư vấn tâm lý học đường rất cần; nhưng do không có biên chế cho vị trí này nên các nhà trường không tuyển được người, không triển khai được việc. Trải nghiệm sáng tạo cũng sẽ như thế, nếu không có cơ chế cho việc tuyển người, không quy định rõ chức năng nhiệm vụ thì sẽ không thực hiện được.

* Theo GS, phải có những điều kiện tối thiểu như thế nào để chương trình này khả thi?

– Để thực hiện chương trình mới, điều kiện trước nhất là giáo viên. Lẽ ra khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới thì trường sư phạm phải đi trước, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên đảm bảo yêu cầu. Nhưng tới giờ, kế hoạch cho việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên chưa rõ, trong khi năm 2018 đã thực hiện thì rất cập rập.

Còn vấn đề khác là cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Hiện nay nhiều nơi khó khăn còn thiếu trường lớp, nhiều nơi chưa tổ chức được dạy học 2 buổi/ngày. Ở các thành phố thì quá tải, sĩ số học sinh/lớp quá đông. Việc đầu tư thiết bị và điều kiện để sử dụng được thiết bị dạy học cũng là một vấn đề phải tính.

Với thực tế này, về phía ban soạn thảo chương trình, cần phải tính toán xây dựng một chương trình mở, để nơi còn khó khăn có thể thực hiện chương trình theo hướng học 1 buổi/ngày, nơi có điều kiện thì học chương trình 2 buổi/ngày.

Ngành GD-ĐT cần có đề xuất để Chính phủ, Quốc hội vào cuộc, làm sao để 63 tỉnh, thành cùng đồng lòng, giúp sức. Chứ chỉ ngành GD-ĐT thì không thể chuẩn bị được điều kiện để chương trình mới thực hiện được.

VĨNH HÀ – NGỌC HÀ