13/01/2025

Đức Thánh Cha viếng thăm Ai Cập

CAIRO – Sáng ngày 28-4-2017, ĐTC Phanxicô đã khởi đầu chuyến viếng thăm tại thủ đô Cairo của Ai Cập trong vòng 27 tiếng đồng hồ để thăng tiến hoà bình, tăng cường quan hệ với Hồi giáo và quan hệ đại kết với Giáo hội Chính thống Copte. Đây là chuyến tông du thứ 18 của ĐTC Phanxicô tại nước ngoài và có khẩu hiệu là “Vị Giáo hoàng của hoà bình tại Ai Cập an bình”.

Đức Thánh Cha viếng thăm Ai Cập
 
 

 

CAIRO – Sáng ngày 28-4-2017, ĐTC Phanxicô đã khởi đầu chuyến viếng thăm tại thủ đô Cairo của Ai Cập trong vòng 27 tiếng đồng hồ để thăng tiến hoà bình, tăng cường quan hệ với Hồi giáo và quan hệ đại kết với Giáo hội Chính thống Copte.

Đây là chuyến tông du thứ 18 của ĐTC Phanxicô tại nước ngoài và có khẩu hiệu là “Vị Giáo hoàng của hoà bình tại Ai Cập an bình”.

Vài nét về Ai Cập

Ai Cập, quốc gia ĐTC đến thăm, rộng hơn 1 triệu cây số vuông trong đó khu vực có dân cư sinh sống không vượt quá 6% diện tích toàn quốc. Phần lớn dân chúng sống ở vùng bình nguyên sông Nilo, con sông dài nhất thế giới với 6.671 cây số. 82% lãnh thổ còn lại của Ai Cập là sa mạc.

Trong số 90 triệu dân nước này, khoảng 90% theo Hồi giáo Sunnit, 10% là tín hữu Chính thống Copte, và có 270.000 tín hữu Công giáo Copte, tương đương với 0,31% dân số, một Giáo Hội được thành lập khi một số tín hữu Chính thống xin trở về hiệp nhất với Toà Thánh hồi thế kỷ 18.

Giáo hội Chính thống Copte thuộc vào số các Giáo hội Chính thống Đông phương, là những Giáo Hội ly khai khỏi Giáo hội Công giáo Latinh và Chính thống Hy Lạp vì họ không chấp nhận Công đồng chung Calcedonia năm 451. Cùng thuộc nhóm này có Giáo hội Arméni Tông truyền, Chính thống Siriac, và Chính thống Etiopi, Chính thống Syro tại Ấn Độ. Các Giáo Hội này cũng được gọi là các Giáo Hội tiền Công đồng Calcedonia.

Giáo hội Công giáo tại Ai Cập, ngoài các tín hữu theo nghi lễ Copte chiếm đa số, còn có 6 nghi lễ khác là Latinh, Arméni, Maronite, Công giáo Siriac, Canđê và Hylạp Melkite. Từ năm 1969, các GM và các bề trên cấp cao của các dòng tu họp thành Hội đồng Giáo phẩm Công giáo Ai Cập, và được Toà Thánh phê chuẩn qui chế hồi năm 1992. Chủ tịch Hội đồng này hiện nay là Đức Ibrahim Isaac Sedrak, 62 tuổi Thượng phụ thành Alessandria của Công giáo Copte.

Chương trình

Sau khi đến Phi trường thủ đô Cairo, ĐTC tới Phủ Tổng thống Ai Cập, tại đây diễn ra nghi thức đón tiếp, rồi ngài hội kiến riêng với tổng thống, trước khi đến Đại học Hồi giáo Al Azhar, chào thăm Đại Imam Ahmed Al Tayyeb, trước khi đến thính đường đại học nơi đang diễn ra Hội nghị Quốc tế về Hoà bình do Đại học này tổ chức từ thứ tư, 27-4-2017. Sau diễn văn của vị đại Imam và bài diễn văn của ĐTC.

Cuộc viếng thăm của ngài được tiếp tục với cuộc gặp gỡ 800 người thuộc chính quyền, ngoại giao đoàn và các tổ chức của xã hội Ai Cập.


Phần cuối cùng trong các sinh hoạt của ĐTC chiều hôm qua và cuộc viếng thăm Đức Thượng phụ Tawadros II, hay cũng gọi là Teodoro II, Giáo chủ Chính thống Copte Ai Cập, và tham dự buổi cầu nguyện đại kết với đại diện các Giáo hội Kitô khác.

Cám ơn các ký giả

Trên chuyến bay, ĐTC đã chào thăm các ký giả đi cùng và nói: “Đây là một cuộc viếng thăm hiệp nhất, huynh đệ. Tôi cám ơn anh chị em vì hoạt động trong hai ngày khẩn trương này. Đây là một cuộc công du có một mong đợi đặc biệt, vì được thực hiện với lời mời của Tổng thống Ai Cập, của Đức Thượng phụ Tawadros, Đức Thượng phụ Công giáo Alessandria và Đại Iman ở viện Al Azhar. Cám ơn sự đồng hành của anh chị em, vì giúp dân chúng hiểu cuộc viếng thăm này, bao nhiêu người muốn theo dõi.”

Đến Cairo

Sau 3 giờ 15 phút bay từ Roma, vượt qua 2.350 cây số, máy bay chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã đáp xuống phi trường quốc tế của thủ đô Cairo lúc 2 giờ chiều, giờ địa phương. Đây là một thành phố cổ kính có từ thế kỷ thứ 10 và đông dân nhất tại Phi châu với 10 triệu dân cư, và nếu kể cả vùng ngoại ô thì lên tới 15 triệu người. Cairo cũng được coi là thành phố đẹp nhất thế giới về nghệ thuật Hồi giáo và hãnh diện vì chiếm kỷ lục về số các văn sĩ, thi sĩ, ký giả, nghệ sĩ, và điện ảnh viên trong thế giới Hồi giáo.

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được bộ trưởng đặc uỷ của Tổng thống, cùng với Đức Thượng phụ Ibrahim Isaac Sedrak, Chủ tịch Hội đồng Giáo phẩm Công giáo Ai Cập và Đức Sứ thần Toà Thánh Jan Thomas Limchua, cùng với một số chức sắc Công giáo tiếp đón và hướng dẫn về dinh Tổng thống ở Heliopolis cách đó 9 cây số. Hiện diện tại phi trường cũng có một phái đoàn hơn 100 đại biểu Kitô và Hồi giáo đón tiếp ĐTC, trong đó có bà Evelin Matta, một tín hữu Kitô. Bà cám ơn ngài vì đã quyết định giữ nguyên chương trình viếng thăm Ai Cập sau vụ khủng bố tại hai thánh đường Chính thống Copte 9 ngày trước khi ngài lên đường.

Tại dinh Tổng thống đã diễn ra nghi thức chính thức tiếp đón ĐTC với quốc thiều và hàng quân danh dự. Tiếp đến ngài hội kiến riêng tới Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi tại phòng khánh tiết. Ông năm nay 63 tuổi (1954), nguyên là cựu sinh viên ở đại học Al Azhar và tốt nghiệp quân trường Ai Cập năm 1977 rồi dần dần tiến thân trong binh nghiệp, cho đến khi được Tổng thống Mohamed Morsi bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Ai Cập vào năm 2012. Một năm sau đó, Tổng thống Morsi bị ông hạ bệ trong một cuộc đảo chính, và năm 2014, ông được bầu làm tổng thống.

Cuộc hội kiến giữa ĐTC và tổng thống Ai Cập kết thúc với phần trao đổi quà tặng và chụp hình lưu niệm.
 

 

G. Trần Đức Anh OP