11/01/2025

Ca khúc trước 1975 và sự im lặng khó hiểu của Sở VH-TT TP.HCM

Đã 10 ngày kể từ khi Cục Nghệ thuật biểu diễn thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 nhưng Sở Văn hoá – thể thao TP.HCM vẫn im lặng.

 

Ca khúc trước 1975 và sự im lặng khó hiểu của Sở VH-TT TP.HCM

Đã 10 ngày kể từ khi Cục Nghệ thuật biểu diễn thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 nhưng Sở Văn hoá – thể thao TP.HCM vẫn im lặng.

 

 

 

 

Ca khúc trước 1975 và sự im lặng khó hiểu của Sở VH-TT TP.HCM
Minh hoạ: Lap

Trong khi Sở chính là đơn vị gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn văn bản đề nghị xem xét lại các ca khúc này.

Ngày 10-3, Cục Nghệ thuật biểu diễn gây xôn xao dư luận khi công bố quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975. Đó là các ca khúc: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương).

Nhưng trước đó ba ngày, ngày 7-3, Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM đã rất sốt sắng gửi đi văn bản – do ông Võ Trọng Nam, phó giám đốc Sở ký – nhằm phổ biến đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí biết “để thực hiện” quyết định về việc “tạm ngưng lưu hành một số bài hát đã cấp phép phổ biến” trên.

Ngày 14-4, khi Cục Nghệ thuật biểu diễn thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc thì Sở Văn hoá – thể thao TP.HCM đến nay vẫn không có bất cứ động thái gì.

 

Sở đồng ý hay không đồng ý với quyết định của cục?

 

Ông Huỳnh Tiết, nguyên giám đốc Bến Thành Audio – video, bày tỏ nỗi âu lo: “Từ khi sự vụ xảy ra, không thấy Sở Văn hoá – thể thao TP.HCM có ý kiến hay trả lời gì trước dư luận.

Sở cũng không có văn bản chính thức nào gửi đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giải trí để thông báo về việc thu hồi quyết định tạm dừng phổ biến 5 ca khúc mà cục từng ra.

Như vậy, sở đồng ý hay không đồng ý với quyết định của cục? Về mặt quản lý nhà nước, nếu sở chưa có văn bản thu hồi văn bản đã gửi đến chúng tôi vào ngày 7-3 thì có nghĩa văn bản “cấm” của sở vẫn còn giá trị cho dù cục đã thu hồi. Điều này khiến các doanh nghiệp vô cùng bối rối”.

Tối 20-4, chương trình Hãy nghe tôi hát đã mạnh dạn cho lên sóng ca khúc Con đường xưa em đi (ca sĩ Hồ Việt Trung trình bày), 1 trong 5 ca khúc từng bị cho tạm dừng lưu hành. Bà Nguyễn Ngọc Trân Châu – phó giám đốc Jet Studio, đơn vị sản xuất chương trình Hãy nghe tôi hát - cho biết:

“Chúng tôi quay chương trình này trước tết, khi vụ “5 ca khúc” chưa xảy ra. Đến lúc có thông tin Con đường xưa em đi bị tạm dừng lưu hành, chúng tôi phải cho quay hình lại tiết mục của Hồ Việt Trung.

Vì Hồ Việt Trung đã giành được số điểm cao nhất của tập thi này với ca khúc Con đường xưa em đi mà giờ phải quay lại một ca khúc khác nên chúng tôi đành phải họp lại toàn bộ êkip sản xuất, các thí sinh, giám khảo… để xin ý kiến.

Rất may là mọi người đều đồng ý để Hồ Việt Trung quay lại ca khúc khác và vẫn đạt số điểm cao nhất. Nếu không thì chúng tôi cũng không biết phải làm sao để tổ chức quay hình và thi lại toàn bộ các tiết mục. Và cũng rất may là cục đã thu hồi quyết định để Con đường xưa em đi của Hồ Việt Trung được lên sóng như kế hoạch ban đầu”.

Trong một trạng thái rất rụt rè, giám đốc sản xuất một chương trình nhạc xưa cho hay: “Có vài nghệ sĩ đã quay hình (trước khi vụ cấm 5 ca khúc xảy ra) những ca khúc mà Sở Văn hoá – thể thao TP.HCM đề nghị xem xét lại, nay sắp đến kỳ phát sóng rồi mà chúng tôi vẫn còn lấn cấn, e dè chưa biết nên xử lý thế nào.

Chúng tôi muốn có văn bản hay trả lời chính thức từ sở. Lỡ mình chọn dùng rồi sở lại đề nghị không được phát sóng hay phát hành thì lúc đó biết phải làm sao?”.

Cấm 5 ca khúc, 
Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM 
chọn “im lặng là vàng”?

Trả lời về nguyên cớ tạm dừng lưu hành 5 ca khúc, ông Đào Đăng Hoàn – cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn – từng cho biết quyết định này được ban ra dựa trên văn bản đề nghị của Sở Văn hoá – thể thao TP.HCM.

Chúng tôi tìm hiểu và được biết văn bản “đề nghị xem xét lại” gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn đã lên danh sách 10 ca khúc đã cấp phép trước đó:

Cánh buồm chuyển bến (Lê Dinh – Hoài Linh), Câu chuyện đầu năm (Hoài An), Hạnh phúc đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Gạo trắng trăng thanh (Hoàng Thi Thơ), Hoa trinh nữ (Trần Thiện Thanh), Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (ghi tác giả Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương).

Cấp phép rồi lại muốn ngưng cấp phép, nhưng sự việc, lý do cụ thể thế nào vẫn không có thông tin đầy đủ. Tuổi Trẻ cùng rất nhiều cơ quan báo đài khác trên khắp cả nước đã nhiều lần liên hệ phỏng vấn cũng như gửi công văn đến Sở Văn h - thể thao TP.HCM với mong muốn có được câu trả lời rõ ràng, thể hiện tinh thần trách nhiệm từ sở, tránh những suy diễn bất lợi, không hay.

Nhưng chẳng hiểu vì sao đến nay Sở Văn hoá – thể thao TP.HCM vẫn giữ thái độ im lặng một cách kỳ lạ như sự việc không liên quan gì đến mình!

Hà cớ gì phó thủ tướng, lãnh đạo Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn đều đã có những chỉ đạo, ý kiến, câu trả lời cụ thể về sự việc này mà Sở Văn h - thể thao TP.HCM vẫn cứ “im lặng là vàng”, tránh né mọi thắc mắc của dư luận?

Vẫn chờ câu trả lời

Ngay khi Cục Nghệ thuật biểu diễn xác nhận việc ra quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc là dựa trên đề nghị của Sở Văn hoá – thể thao TP.HCM, PV Tuổi Trẻ đã lập tức liên lạc với ông Võ Trọng Nam – người ký văn bản đề nghị xem xét lại 10 ca khúc sáng tác trước năm 1975.

Tuy nhiên, điện thoại ông Nam “ngoài vùng phủ sóng”. Liên hệ qua sở, sở cho biết ông Nam đang trong chuyến công tác Những ngày TP.HCM ở Osaka.

Ngay khi ông Nam về nước, sáng 17-4, PV Tuổi Trẻ tiếp tục liên lạc. Ông Nam nghe máy nhưng cho hay đang họp ở UBND TP rồi cúp máy. Những cuộc gọi sau, số máy của ông Nam tự động chuyển sang chế độ hộp thư thoại hoặc không có tín hiệu.

Sáng 18-4, PV Tuổi Trẻ tiếp tục liên lạc nhưng ông Nam báo bận họp và cũng lập tức cúp máy. PV Tuổi Trẻ đã gửi văn bản câu hỏi cũng như fax công văn đề nghị được gặp lãnh đạo sở nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ sở.

Phóng viên Tuổi Trẻ cũng đã đến sở xin gặp và nhắn tin đến ông Nam nhưng đều không có câu trả lời.

QUỲNH NGUYỄN