03/11/2024

Trải nghiệm sáng tạo: không thể là một môn độc lập

Trong thiết kế hệ thống môn học ở dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, hoạt động trải nghiệm sáng tạo trở thành một môn học độc lập trong nhóm các môn học bắt buộc, có phân hoá ở tất cả các cấp từ tiểu học đến THPT.

 DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỔNG THỂ:

Trải nghiệm sáng tạo: không thể là một môn độc lập 

 

 Trong thiết kế hệ thống môn học ở dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, hoạt động trải nghiệm sáng tạo trở thành một môn học độc lập trong nhóm các môn học bắt buộc, có phân hoá ở tất cả các cấp từ tiểu học đến THPT. 

 

 

 

Trải nghiệm sáng tạo: không thể là một môn độc lập 
Học sinh Trường tiểu học đô thị Sài Đồng (Hà Nội) trong giờ trải nghiệm học toán – Ảnh: V.H.

Trong khi trên thực tế khó có thể có câu trả lời thống nhất về “trải nghiệm sáng tạo” là thế nào.

“Trải nghiệm sáng tạo”: môn độc lập được không?

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo xuất hiện trong một số văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT khoảng vài ba năm gần đây. Cùng với việc “dạy học tích hợp liên môn”, “dạy học gắn với sản xuất kinh doanh”, “dạy học với di sản”, “trải nghiệm sáng tạo” là việc được nhiều nhà trường thực hiện.

Nhưng những nơi thực hiện đúng tinh thần, có hiệu quả thì không nhiều, “trải nghiệm sáng tạo” trở thành phong trào, thành các cuộc thi mang tính hình thức ở nơi này, nơi kia do không được các cấp quản lý hiểu đúng, chỉ đạo thực hiện đúng.

Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được xếp vào nhóm môn học bắt buộc có phân hóa, trải từ tiểu học đến THPT. Trong kế hoạch giáo dục mà ban soạn thảo chương trình xác định, ngoại trừ lớp 10 trải nghiệm sáng tạo dự kiến 70 tiết/năm học, còn các lớp khác từ 1 đến 12 đều được phân bổ 105 tiết/năm học.

“Trải nghiệm sáng tạo không thể tách rời môn học cụ thể. Vì bản chất của trải nghiệm sáng tạo là sự vận dụng nội dung môn học để thực hành, vận dụng giải quyết các vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Vì thế, trải nghiệm sáng tạo đưa về các môn học thì hợp lý

PGS.TS Chu Cẩm Thơ (giám đốc nghiên cứu và phát triển Chương trình toán Pomah)

Trong tọa đàm phản biện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến (nguyên chuyên gia giáo dục của Bộ GD-ĐT) cho rằng hoạt động trải nghiệm sáng tạo đưa vào chương trình với mục đích chính là chuyển hoá kiến thức, kỹ năng, thái độ thành năng lực. Vì vậy đó không thể là môn học riêng biệt mà phải gắn liền với từng môn học, là một phần của giáo dục môn học.

Vì thế để tách hoạt động này riêng biệt trong hệ thống môn học của các bậc học là không hợp lý, mà nên đưa vào môn học với phân bổ thời lượng hợp lý làm cơ sở để thiết kế chương trình từng môn học theo yêu cầu riêng của từng môn.

Khá nhiều ý kiến băn khoăn của giáo viên phổ thông cũng liên quan tới hoạt động trải nghiệm sáng tạo khi hiểu hoạt động trải nghiệm sáng tạo được ban soạn thảo chương trình thiết kế như một môn học độc lập, với các yêu cầu đánh giá học sinh như các môn học khác. Đặc biệt là đề xuất của ban soạn thảo trong việc lấy kết quả hoạt động trải nghiệm sáng tạo là căn cứ để tuyển chọn, xét tuyển vào các trường sau khi hoàn thành chương trình THPT.

Giải thích về điều này, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa – thành viên ban soạn thảo chương trình, trực tiếp nghiên cứu, soạn thảo nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo – giải thích: Trong chương trình hiện hành có hoạt động ngoài giờ lên lớp nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức, kỹ năng thông qua các hoạt động rèn luyện, thực hành, vận dụng kiến thức. Nhưng do không bắt buộc nên có trường làm, có trường không làm.

Hoạt động này chủ yếu ngoài lớp học nên phụ thuộc nhiều vào điều kiện mỗi trường, địa phương. Vì vậy ở chương trình mới, ban soạn thảo đưa hoạt động này vào nhóm bắt buộc có phân hóa. Theo đó, tất cả các nhà trường đều phải thực hiện.

“Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, theo thiết kế của chương trình, sẽ sử dụng những thành tựu của các môn học cộng với yêu cầu xã hội để tạo thành chương trình hoạt động cho học sinh. Đây là một cách giúp học sinh thích ứng với xã hội” – bà Thoa chia sẻ.

Dạy gì? Ai dạy?

Bà Bùi Thị Kim Anh, Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, băn khoăn: “Nếu hoạt động trải nghiệm sáng tạo được xem như một môn độc lập thì cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Ví dụ thiết kế chương trình như thế nào, ai sẽ là người dạy hoạt động trải nghiệm sáng tạo?

“Hiện nay, tiết chào cờ đầu tuần do hiệu trưởng điều hành, tiết sinh hoạt lớp do giáo viên chủ nhiệm phụ trách. Vậy hoạt động trải nghiệm sáng tạo phải giao cho giáo viên nào? Chúng tôi cần biết để có hướng bồi dưỡng cán bộ, giáo viên” – bà Kim Anh nói.

“Nếu trải nghiệm sáng tạo là một môn học riêng như thiết kế trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì một vấn đề đặt ra là nội dung “môn học” này thế nào? Ai là giáo viên phụ trách môn học này và liệu nhà trường có phải đào tạo các giáo viên chuyên về tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo không?” – ông Phạm Đỗ Nhật Tiến đưa ra vấn đề băn khoăn.

Về điều này, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa cho biết: “Trước đây hoạt động ngoài giờ lên lớp giao cho ai thì sau này hoạt động trải nghiệm sáng tạo cũng giao cho người đó. Dĩ nhiên là cần phải bồi dưỡng.

Chúng tôi sẽ đưa ra yêu cầu về việc bồi dưỡng giáo viên đảm nhiệm hoạt động trải nghiệm sáng tạo vì đây là nội dung bắt buộc trong chương trình, áp dụng với 100% học sinh. Chương trình trải nghiệm sáng tạo cũng sẽ được xây dựng phù hợp với thực tiễn và linh hoạt.

Cụ thể sẽ có hai mảng: trải nghiệm cá nhân, hoạt động này có thể thực hiện ở nhiều nơi trong trường học nên không thể nói là “không đủ điều kiện thực hiện”. Mảng thứ hai là mang học sinh ra ngoài không gian lớp học, mảng này phải tùy thuộc vào điều kiện từng nhà trường.

Do chưa có chương trình môn học nên sự hình dung về hoạt động trải nghiệm sáng tạo vẫn là điều mới mẻ, còn mơ hồ với rất nhiều người.

Trao đổi về điều này, ông Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết: “Khó có thể giao hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho một vài giáo viên. Tương tự như giáo viên dạy toán, lý, văn, sử…, ngoài việc hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức, liên hệ thực tế ngay trong các môn học, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cần sự tham gia của các tổ bộ môn.

Một chủ đề có thể cần sự thiết kế, tham gia thực hiện của nhiều giáo viên các bộ môn khác nhau. Và việc này cần có sự chủ động của lãnh đạo nhà trường khi thiết kế nội dung tổng thể kế hoạch dạy học của nhà trường trong năm học với tất cả các khối lớp”.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – tổng chủ biên chương trình, nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo gồm năm lĩnh vực:

– Phát triển cá nhân.

– Cuộc sống gia đình.

– Đời sống nhà trường.

– Quê hương, đất nước và cộng đồng xã hội.

– Nghề nghiệp và phẩm chất người lao động.

“Các chủ đề được xây dựng mang tính mở, với những nội dung hoạt động bắt buộc cho tất cả học sinh tùy theo nhu cầu, năng lực, sở trường của học sinh và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục” – dự thảo chương trình nêu cụ thể.

VĨNH HÀ