11/01/2025

Soái ca, thả thính… thì có sao?

Câu chuyện ngôn ngữ giới trẻ sau hội thảo khoa học quốc tế Các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại và nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

 

Soái ca, thả thính… thì có sao? 

Câu chuyện ngôn ngữ giới trẻ sau hội thảo khoa học quốc tế Các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại và nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

 

 

 

Hàng loạt từ mới đang được giới trẻ sáng tạo và dùng phổ biến như ngáo đá, lộ hàng, soái ca, ném đá, sửu nhi, chảnh chó… nên được nhìn nhận là sự sáng tạo hay làm méo mó tiếng Việt. T

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ về cách ứng xử với những từ ngữ này.

Nếu ngôn ngữ mà có thêm từ ngữ mới dù ở dạng nào cũng tốt. Những từ ngữ mới do giới trẻ nghĩ ra có đời sống riêng của nó. Chúng ta không nên kỳ thị với những từ ngữ đó và không nên ác cảm với người dùng nó. Tuy nhiên, nếu ngôn ngữ này đi vào sách vở, văn học hay trên các phương tiện truyền thông phải được chọn lọc và xem xét kỹ lưỡng

PGS.TS Tạ Văn Thông (Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam)

* PGS.TS PHẠM VĂN TÌNH (tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam):

 

Từ lạ mà phản cảm sẽ “chết yểu”

Từ mới là một mặt biểu hiện sự thay đổi và phát triển của đời sống xã hội. Theo nhu cầu cuộc sống, sẽ luôn có lượng từ mới xuất hiện và một số từ mất đi. Đó là chuyện bình thường. Điều đáng bàn ở đây là có một số lượng từ ngữ không nhỏ do lớp trẻ sáng tạo ra theo cách của họ.

Thực ra có từ đã được dùng ở một số vùng (phương ngữ), nay được đưa ra sử dụng như ngôn ngữ toàn dân: quậy, siêu quậy (phá quấy), chảnh, sang chảnh (làm bộ, làm điệu)…

Một số từ xuất hiện phản ánh hiện thực mới: ngáo đá (một dạng biểu hiện của nghiện ma túy đá), phượt (du lịch không có kế hoạch cụ thể trước)…

Nhưng có những từ để thể hiện sự “sáng tạo”, cái tôi của lớp trẻ, dùng cho lạ, cho sành điệu: soái ca (nhân vật mơ mộng theo tiểu thuyết ngôn tình ngoại quốc), thả thính (thu hút, lôi kéo người khác bằng hành vi, cử chỉ hay quà cáp)…

Trong chừng mực nào đó, những từ này tạo nên sự mới lạ, làm không khí đối thoại thêm vui nhộn. Nhưng rõ ràng mải mê vào sự “sáng tạo” thái quá sẽ ảnh hưởng tới việc không coi trọng cái cần có của ngôn ngữ nói chung là phải hợp lý, không gây rắc rối và phải hay, trong sáng.

Đã có những từ được cộng đồng chấp nhận, coi là một dạng từ mới (như quậy, ngáo đá, phượt, chém gió…). Nhưng có những từ “lạ để mà lạ”, không hay, thậm chí phản cảm sẽ dần bị loại trừ. Nó sẽ nhanh chóng “chết yểu”.

Giới trẻ hôm nay khác xa giới trẻ ngày xưa. Họ chịu áp lực học hành, làm việc, môi trường sống… cao hơn. Họ cũng có cơ hội tiếp cận với công nghệ và tiện ích hiện đại hơn. Họ trưởng thành nhanh hơn về thể xác và tư chất.

Không phải cái gì lớp trẻ làm có vẻ “khác người” là chúng ta vội vàng phê phán họ ngay. Chúng ta cần biết lắng nghe ngôn ngữ giới trẻ. Có nhiều điều họ đem lại cho ngôn ngữ (từ ngữ mới, cách nói mới) là hữu ích và sẽ được cộng đồng chấp nhận.

Các nhà ngôn ngữ đã khảo sát, thống kê và đưa vào Từ điển tiếng Việt trên 4.000 từ đã xuất hiện trong giao tiếp và thể hiện qua kênh báo chí từ năm 1990 đến nay. Có không ít từ bắt nguồn từ ngôn ngữ giới trẻ đó. Điều này giúp kho từ vựng tiếng Việt thêm giàu có. Công của họ cũng đáng ghi nhận chứ?

* Nhà nghiên cứu NGUYỄN TRUNG THUẦN (Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam):

Đừng vội quy chụp

Hiện tượng tạo ra từ mới hoặc nghĩa mới cho các từ đã có là chuyện xảy ra bình thường đối với bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới. Bất cứ người dùng ngôn ngữ nào cũng có thể sáng tạo ra từ mới hoặc nghĩa mới của từ đã có.

Vậy tại sao vội quy chụp những từ ngữ do giới trẻ nghĩ ra và dùng phổ biến như: quậy, phượt, ngáo đá, diễn sâu, chém gió, ném đá, soái ca, sửu nhi, thả thính… làm méo mó tiếng Việt?

Dựa theo tần suất sử dụng của từ vựng tiếng Việt, có thể chia ra hai lớp từ vựng tích cực và từ vựng tiêu cực.

Từ vựng tích cực là những từ ngữ quen thuộc và sử dụng thường xuyên. Từ vựng tiêu cực là những từ ngữ ít dùng hoặc không được dùng thường xuyên, bao gồm các từ ngữ mang sắc thái mới, chưa được dùng rộng rãi hoặc những từ ngữ đã lỗi thời.

Ngôn ngữ có quy luật phát triển riêng của nó mà không một luật lệ hoặc tác nhân nào có thể điều khiển nổi. Cũng không cần lo lắng về môi trường mà giới trẻ dùng từ ngữ mới, bởi họ sẽ biết dùng trong những văn cảnh thích hợp mà tự họ thấy thế.

Cộng đồng lên tiếng cũng giúp họ sẽ biết cách ứng xử sao cho thích hợp (có thể không dùng nữa chẳng hạn).

VŨ VIẾT TUÂN ghi