28/11/2024

Phỏng vấn Lm. Henri Boulad, SJ, về việc phục vụ tại Ai Cập

Trong 2 ngày 28-29 tháng 4 này, ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Ai Cập, trong bầu khí khủng bố bạo lực chống lại các kitô hữu, do các lực lượng cuồng tín của Nhà nước Hồi giáo IS chủ mưu. Làm thế nào để trả lời cho thách đố của Hồi giáo tại Ai Cập?

 Phỏng vấn Lm. Henri Boulad, SJ, về việc phục vụ tại Ai Cập

 

 

Trong 2 ngày 28-29 tháng 4 này, ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Ai Cập, trong bầu khí khủng bố bạo lực chống lại các kitô hữu, do các lực lượng cuồng tín của Nhà nước Hồi giáo IS chủ mưu. Làm thế nào để trả lời cho thách đố của Hồi giáo tại Ai Cập?

 

Xin giới thiệu bài phỏng vấn Linh mục Henri Boulad, Dòng Tên, là người đã sống và làm việc lâu năm ở Ai Cập. Hiện nay, tuy đã gần 90 tuổi, nhưng Cha Boulad không ngừng phục vụ người dân Ai Cập, Hồi giáo cũng như Kitô giáo. Cha chuyên trợ giúp các trẻ em bụi đời, người nghiện ngập ma tuý và người phong cùi trên toàn nước Ai Cập, từ các làng mạc bé nhỏ xa xôi hẻo lánh nhất cho tới các thành phố lớn như Alessandria và Cairo. Cha cũng theo dõi các ơn gọi của dòng. Dòng Tên hiện có 40 tu sĩ hoạt động tại Ai Cập, trong đó có 12 vị làm việc trong thủ đô Cairo. Cha Henri Boulad sinh tại Cairo trong một gia đình melkít siri, thoát chết trong các cuộc tàn sát hồi năm 1860. Năm lên 16 tuổi, cậu thanh niên Henri gia nhập Dòng Tên và có mộng góp phần thay đổi thế giới với sự trợ giúp của ơn thánh Chúa.

 

Hỏi: Thưa Cha Boulad, thế cha có thành công trong việc thực hiện giấc mộng này hay không?

 

Đáp: Để biến đổi thế giới cần biến đổi trái tim con người. Tương lai của nhân loại tuỳ thuộc nơi chúng ta, tuỳ thuộc sự hoán cải của chúng ta, tuỳ thuộc việc thay đổi cuộc sống của con người. Các luật lệ, chính trị không đủ; cho tới khi nào chúng ta không thay đổi con người từ bên trong, thì chúng ta không làm được gì. Cơ may duy nhất mà chúng ta có là khả năng thay đổi con tim chúng ta. Và mục đích của tôi là đốt cháy trái tim con người. Bằng cách thức tỉnh sự tin tưởng nơi Thiên Chúa tràn đầy lòng thương xót, luôn luôn nghiêng mình xuống trên nhân loại với tình yêu. Chúng ta cần có các thánh và các ngôn sứ. Các ngôn sứ có khả năng thay đổi xã hội, các vị không sợ hãi gì, và có can đảm nói lên sự thật. Chúng ta phải xây dựng thế giới ngày mai trên sự thật, và sự thật sẽ khiến cho chúng ta được tự do. Có một cuộc chiến đấu hằng ngày giữa sự thiện và sự dữ trong xã hội và bên trong chúng ta. Cuộc chiến đó có thể xảy ra trong gia đình tôi, giữa người dân của tôi, trong Giáo Hội, trong dân tôi. Tôi nghĩ tới Chúa Giêsu là người đã đương đầu với gia đình Ngài khi lên 12 tuổi, và bằng cách nói: “Ai là anh em tôi? Ai là mẹ tôi? Đó là những người thi hành ý muốn của Thiên Chúa.” Trước Chúa Giêsu tôi nghĩ tới các ngôn sứ, nhất là các ngôn sứ Edekiel, Giêrêmia và Amos; các vị đã mời gọi hoán cải con tim. Và để thay đổi con tim cần phải giáo dục trên mọi bình diện: nhân bản, tinh thần và tôn giáo.

 

Hỏi: Thưa cha, cha đã sống lâu năm ở Ai Cập và hiểu biết quốc gia này một cách sâu rộng. Giáo hội Công giáo nắm giữ vai trò nào tại Ai Cập?

 

Đáp: Giáo hội Công giáo là một cơ cấu rất đẹp và cần thiết, nhưng cần một việc canh tân tinh thần. Rất tiếc Kitô giáo đã chỉ trở thành các lễ nghi, các thánh lễ, các giới răn và luân lý. Canh tân các lễ nghi và truyền thống không thôi không đủ, cần phải có việc thay đổi tinh thần. Giáo Hội cần dấn thân nhiều hơn và một sự hiện diện mạnh mẽ hơn gắn liền với sự thay đổi con tim, là chứng nhân cho tình yêu thương và tận hiến cho Thiên Chúa tràn đầy lòng thương xót. Và kết quả là xã hội sẽ thay đổi. Cần phải nhớ rằng Giáo Hội là để cho thế giới, chứ không phải thế giới là để cho Giáo Hội. Nhưng tôi hiểu Giáo Hội như là thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô chứ không như là Giáo Hội cơ cấu. Cần có một bước nhảy vọt về phẩm, và chỉ với sự hiện diện của nó là đủ cho việc thay đổi. Tôi xin lặp lại: chúng ta cần các thánh và các ngôn sứ cho việc biến đổi. Tất cả đều ở trên bình diện tinh thần và luân lý. Chúng ta đang sống trong một giai đoạn có các đảo lộn lớn dưới nhiều khía cạnh: xã hội, gia đình, tôn giáo, chính trị. Một truyền thống thái quá mà không có một quan niệm tinh thần đích thực có thể giết chết tôn giáo, nhưng khi chúng ta khước từ các truyền thống, điều này cũng có thể giết chết tôn giáo. Tại Âu châu, người ta đã vứt bỏ hết các truyền thống, để chế tạo trở lại Giáo Hội, thế giới, xã hội, nhưng đó là một thảm hoả: không có gốc rễ cái cây giòn mỏng. Thảm cảnh của Âu châu là muốn tái tạo dựng con người và gia đình, theo sự suy nghĩ của nó, và vứt bỏ mọi luật lệ và truyền thống đế tái sáng chế ra con người và các cơ cấu sâu xa của xã hội: hậu qủa là tình trạng gia đình thê thảm, và khi không có gia đình, thì mọi sự đều tan rã. Điều này xảy ra vì có một nguyên tắc duy hưởng lạc chứ không phải luân lý thúc đẩy xã hội. Thế rồi còn có việc hiểu lầm giữa luật lệ và sự tự do. Thật ra sự tự do đích thật nằm trong các lược đồ rất chính xác.

 

Hỏi: Các tương quan giữa các Giáo hội Kitô tại Ai Cập như thế nào, thưa cha?

 

Đáp: Các Giáo hội Kitô ở Ai Cập đang cùng nhau hoạt động cho việc xích lại gần nhau. Đa số các Kitô hữu Ai Cập theo Chính thống và Đức Thượng phụ Teodoro II rất cởi mở, nhưng ngài gặp một sự chống kinh khủng bên trong nội bộ Giáo hội Chính thống, cũng như xảy ra trong Giáo hội Công giáo. Nhưng tôi nghĩ giới trẻ muốn một Giáo Hội hiệp nhất, nó không có nghĩa là đồng bộ, bằng nhau, nhưng khác biệt. Họ mệt mỏi vì các xung đột thần học, không có giờ cho cuộc sống và không hấp dẫn ai hết. Sự chia rẽ giữa các Giáo Hội là một cuộc chiến đấu tranh giành quyền bính. Giáo Hội thánh thiện, đúng trên lý thuyết, nhưng cũng phải thánh thiện trong cụ thể nữa. Và khi các vị lãnh đạo Giáo Hội sẽ có khả thể rửa chân cho các dân tộc một cách cụ thể và là các người phục vụ, thì khi đó có cái gì đó sẽ thay đổi. Giới trẻ là niềm hy vọng của Giáo Hội và thế giới, nhưng rất thường khi Giáo Hội và nhiều linh mục sống xa cách người trẻ. Tuy nhiên, tôi lạc quan và tôi nghĩ rằng thách đố của Hồi giáo có thể thúc đẩy Giáo Hội hiệp nhất, trở thành một Giáo Hội khác: là một trong tình bác ái và không chỉ quá trao ban quan trọng cho tín lý. Lịch sử các Công Đồng quá xa xôi đối với giới trẻ. ĐGH Phanxicô đã cảm nhận được điều này và vì thế ngài nói một thứ ngôn ngữ khác.

 

Hỏi: Cha đã nói tới thách đố mà Hồi giáo đưa ra cho chúng ta. Cha đã là giám đốc trường các tu sĩ Dòng Tên tại Cairo, nơi có biết bao học sinh hồi và kitô theo học. Đây là một thí dụ cụ thể của việc chung sống. Nhưng ngày nay xem ra thế giới đang ở dưới sự tấn kích của chính Hồi giáo, có đúng thế không?

 

Đáp: Nhưng chúng ta đang nói về Hồi giáo nào đây? Đó là vấn đề. Trong sách Coran có các câu liên quan tới La Mecca và có các câu liên quan gới Medina. Trong các câu được viết tại La Mecca, Mahomét có diễn văn rất cởi mở, nói tới tình yêu thương, nói rằng các tín hữu Do Thái và các tín hữu Kitô là bạn hữu của tín hữu Hồi, không có sự bắt buộc trong tôn giáo, và Thiên Chúa gần gũi hơn với chúng ta. Phần đầu trong cuộc sống của Mahomét như thế thông truyền một sứ điệp tinh thần, của hoà giải và cởi mở. Khi Mahomét bỏ La Mecca để thành lập Medina, đã có sự thay đổi: từ lãnh đạo tôn giáo ông trở thành lãnh đạo quốc gia, quân sự và chính trị. Ngày nay, 3 phần 4 sách Coran bao gồm các câu viết ra tại Medina và chúng là lời mời gọi chiến tranh, bao lực và chống lại các Kitô hữu. Các người Hồi trong thế kỷ thứ 9 và thứ 10 đã nhận ra sự mâu thuẫn này và họp nhau để giải quyết vấn đề: hậu quả là các câu viết ra tại Medina huỷ bỏ các câu đã được viết ra tại La Mecca. Nhưng không phải chỉ có thế. Chiều kích thần bí bị khước từ và nhiều thư viện tại Ai Cập và trong vùng Bắc Phi đã bị đốt phá. Vì thế, cần phải lấy lại các câu nguyên thuỷ là suối nguồn và là các câu đuợc viết ra tại La Mecca, nhưng vì chúng đã bị huỷ bỏ, nên sự kiện này biến Hồi giáo trở thành một tôn giáo của gươm giáo và bạo lực.

 

Hỏi: Tuy nhiên có nhiều quan sát viên và nhà phân tích nói tới một Hồi giáo hoà hoãn, cha nghĩ sao?

 

Đáp: Hồi giáo hoà hoãn là một lạc giáo, nhưng chúng ta phải phân biệt giữa người dân và ý thức hệ; đa số các tín hữu Hồi rất cởi mở, dễ thương và hoà hoãn. Nhưng ý thức hệ được trình bầy trong các sách giáo khoa thì triệt để. Mỗi ngày thứ sáu các trẻ em nghe các bài giảng của đền thờ liên tục khích động: ai bỏ Hồi giáo thì bị phạt tử hình, không được chào hỏi một phụ nữ hay kẻ bất trung, tức tín hữu của một tôn giáo khác. Rất may là điều này không được thực thi, nhưng các anh em hồi và các người theo hệ phái Salafít thì muốn giáo lý này. Các người hồi hoà hoãn không có tiếng nói, và quyền bính nằm trong tay của người yêu sách giải thích chính thống và sự thật. Những kẻ có quyền không phải là những người đã rút tiả từ Hồi giáo những gì phù hợp với sự tân tiến và cuộc sống chung với người dân, nhưng là những người hồi triệt để giải thích theo chữ, và đôi khi lèo lái Kinh Coran, và từ chối mọi cuộc đối thoại.

 

Hỏi: Nhưng như thế là họ khước từ công trình của tất cả các tư tưởng gia hồi như ông Avicenna hay Al-Ghazali hay sao, thưa cha?

 

Đáp: Vâng, và đây là điểm nhậy cảm. Cuộc cải cách đã có trong lịch sử Hồi giáo đã bị khước từ. Chẳng hạn calif Abbaside El Maamoun sinh tại Baghdad và qua đời tại Tarso năm 833, môn đệ của những người mutazeliti, là những người duy lý trí của Hồi giáo, nhưng ngày nay có ai mà nhớ tới ông? Hồi giáo khép kín nghiêm ngặt của ông Muhammad ibn Abd al-Wahhab đã thắng thế. Cuộc cải cách cuối cùng đã do ông shiekh Mahmoud Taha thử phát động bên Sudan. Nhưng ông đã bị treo cổ tại quảng trường thành phố, bởi vì ông đã nói rằng các câu Coran viết ra tại La Mecca phải huỷ bỏ các câu viết ra tại Medina. Đây là một vấn đề nội bộ của Hồi giáo, không cống hiến các câu trả lời cho các câu hỏi của cuộc sống tân tiến và người ta đứng trước sự cần thiết phải tự cải tổ. Hồi giáo cần một cuộc cải tổ giống như Công giáo với Công đồng Chung Vatican II.

 

Hỏi: Thưa cha, ngày nay đâu là các thách đố mà Ai Cập phải đương đầu?

 

Đáp: Chắc chắn là vấn đề dân số. Khi tôi còn bé Ai Cập chỉ có 15 triệu dân. Ngày nay chúng tôi đã 90 triệu, nghĩa là đông gấp 6 lần. Và các điều kiện sống đã không thay đổi gì cả. Không thể tiếp tục với tiết nhịp này. Nó là một hỗn loạn. Và đây là một thách đố kinh khủng gắn liền với thách đố kinh tế đối với nhiều dân tộc chứ không phải chỉ đối với dân tộc Ai Cập mà thôi. Phát triển và dân số luôn luôn đi đôi với nhau. Trái đất có thể tiếp đón không phải chỉ 7 tỷ người mà 70 tỷ người. Nhưng rất tiếc là người ta đốt bỏ các sản phẩm để giữ giá cả ổn định và cao, trong khi đó dân chúng chết vì đói. Cần phải có nhiều công bằng hơn. Có một hiện tương khác mà người ta ít nói tới: đó là chủ thuyết vô thần. Tại Ai Cập có hơn 2 triệu người vô thần. Họ trở thành vô thần vì không chịu đựng nổi việc kích động bạo lực hay các vụ hành quyết nữa. Trong điều này thì không có gì là thiên linh cả. Họ không muốn khuynh hướng cực đoan, cũng như phụng vụ như việc lập lại một cách máy móc các cử điệu và lời cầu nguyện. Và việc bỏ đạo là điều hoàn toàn mới mẻ tại Ai Cập và trong thế giới Hồi giáo.


Hỏi: Như vậy chúng ta có thể làm gì, thưa cha?

 

Đáp: Cần phải giáo dục: có việc cấp thiết giáo dục trên bình diện nền tảng, biết đọc biết viết và làm tính toán. Và cần có một hệ thống công lý để phân chia các tài nguyện giàu có của thế giới. Thiên đàng trên trái đất là điều có thể, trong một vài cách thức nào đó đã được thực hiện tại Âu châu, Canada, Mỹ, nhưng vấn đề đó là nếu chúng ta có gì để sống chúng ta có được hạnh phúc không? Xem ra là điều không thể tin được, nhưng tôi thấy người dân bên Ấn Độ hạnh phúc, còn người dân Âu châu thì lại không hạnh phúc. Có tương quan giữa niềm vui và nghèo túng, khi nó không trở thành bần cùng. Trong cái nghèo khó có một chút tối thiểu để sống. Tuơng lai của nhân loại tuỳ thuộc nơi một việc “tái vũ trang tinh thần”, từ một thay đổi luân lý của trái tim con người.


(Oss. Rom. 13-4-2017)

 

 

 

Linh Tiến Khải