10/01/2025

‘Nặng yêu cầu’ với giáo viên

Chương trình môn học sẽ được tinh giản, nhẹ hơn, nhưng giáo viên lại cần phải thay đổi nhiều để “vượt lên chính mình”.

 GÓP Ý DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI:

‘Nặng yêu cầu’ với giáo viên

Chương trình môn học sẽ được tinh giản, nhẹ hơn, nhưng giáo viên lại cần phải thay đổi nhiều để “vượt lên chính mình”.

 

 

 

'Nặng yêu cầu' với giáo viên
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, tổng chủ biên chương trình môn ngữ văn, chia sẻ về hướng xây dựng chương trình bộ môn này tại hội thảo – Ảnh: V.H.

Đây là vấn đề được bàn luận sôi nổi tại hội thảo về việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 22-4.

Môn toán, văn chỉ là “cái cần câu”

GS.TSKH Đỗ Đức Thái, tổng chủ biên chương trình môn toán đang được thiết kế mới, ví môn toán mà các ông đang xây dựng như “cái cần câu” – phương tiện mà mọi người có thể vận dụng để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.

Dự kiến trong chương trình môn toán mới, những kiến thức quá hàn lâm sẽ được lược bỏ, tinh giản, chỉ giữ những gì cốt lõi nhất.

Theo ông Đỗ Đức Thái, chương trình toán phổ thông không phải để đào tạo ra những người xuất sắc, mà để dạy cho hàng triệu lượt học sinh mỗi năm học. Vì thế, dứt khoát sẽ không đưa vào những nội dung quá khó. Dung lượng kiến thức sẽ nhẹ đi nhiều so với chương trình hiện hành, nhưng yêu cầu về phát triển năng lực học sinh sẽ được đặt cao hơn. Bên cạnh đó, chương trình toán cũng phải hiện đại và khuyến khích được khả năng sáng tạo của học sinh.

“Chương trình môn toán sẽ thay đổi nhiều ở sự tiếp cận, phương pháp dạy học, đánh giá”, ông Thái nói.

Phát biểu với tư cách tổng chủ biên chương trình môn ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cũng cho biết chương trình môn ngữ văn sẽ điều chỉnh theo hướng chú trọng rèn các năng lực, kỹ năng cần cho học sinh trong cuộc sống, như khả năng đọc, nghe, viết, nói, giao tiếp; phát triển khả năng thẩm mỹ, nuôi dưỡng cảm xúc, sự nhân văn trong mỗi con người.

“Với chương trình mới, quan điểm của chúng tôi là để mở, không quy định từng bài cụ thể; tiến tới trong kiểm tra, đánh giá cũng không kiểm tra các nội dung kiến thức giáo viên đã dạy trên lớp, mà kiểm tra năng lực tư duy, cảm nhận văn học, các kỹ năng của học sinh thông qua các văn bản mới. Việc này sẽ tránh tình trạng “văn mẫu”, học thuộc lòng kiến thức, chú trọng rèn năng lực, kỹ năng cho học sinh”, ông Thống nhấn mạnh.

Ông Đỗ Ngọc Thống cũng chia sẻ với chương trình ngữ văn mới, thay vào việc áp đặt học sinh thấy cái hay theo quan điểm của giáo viên, sẽ cho phép học sinh tự tiếp cận, cảm nhận, đánh giá theo cách của mỗi học sinh. Vai trò của giáo viên là giúp học sinh tiếp cận và biết kết nối, liên hệ từ bài học trong sách với những vấn đề ở cuộc sống hiện tại.

“Giáo viên cần chuẩn bị tinh thần cho việc tiếp cận với nhiều tài liệu, phương tiện dạy học khác nhau chứ không chỉ “trung thành” với sách giáo khoa như trước. Giáo viên cũng cần được bồi dưỡng về khoa học đánh giá”, ông Thống cho biết.

Tại hội thảo, đại diện một số bộ môn khác cũng bày tỏ quan điểm chung là “giảm tính hàn lâm, giảm lượng kiến thức so với chương trình hiện hành”, bên cạnh yêu cầu phải thay đổi phương pháp dạy học, đánh giá, đa dạng hoá cách tổ chức dạy học, vận dụng kiến thức liên môn, đưa việc học của học sinh phổ thông gần hơn với cuộc sống.

Theo nhận xét của thầy Nguyễn Quốc Cường (Trường Bồi dưỡng cán bộ, giáo viên Hà Nội) thì chương trình mới “nhẹ kiến thức nhưng nặng yêu cầu với giáo viên”, thậm chí giáo viên sẽ rất vất vả, nỗ lực thì mới vượt qua được khó khăn của cuộc đổi mới này.

“Vừa chạy vừa xếp hàng” với chương trình mới

Theo ông Đỗ Đức Thái, nếu đúng tiến độ, cuối năm 2017 chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học sẽ được phê duyệt. Tháng 4-2018 sẽ biên soạn được sách giáo khoa lớp 1, lớp 6, biên soạn tài liệu tập huấn và tiến hành tập huấn giáo viên.

Tuy nhiên, để chuẩn bị tốt nhất thì các địa phương cần có kế hoạch chuẩn bị đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng giáo viên từ cuối năm 2017.

Ông Nguyễn Hữu Độ, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nhận xét đây là việc phải “vừa chạy vừa xếp hàng”, thời gian không còn nhiều. Hà Nội có khoảng 1,8 triệu học sinh với trên 130.000 giáo viên các cấp. Để bồi dưỡng, tập huấn chương trình mới tới từng giáo viên là công việc rất lớn.

Cùng với đó là rất nhiều vướng mắc, khó khăn ở cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ giáo viên… sẽ phải dần dần khắc phục.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), trao đổi: “Chúng tôi rất cần biết sớm ở mỗi môn học những gì sẽ được kế thừa, đổi mới như thế nào, yêu cầu cụ thể với giáo viên mỗi bộ môn ra sao. Từ đó, mỗi nhà trường mới có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên…

Việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên cần thực chất. Trong đó, giáo viên phải được trải nghiệm, được làm việc thực tế chứ không chỉ ngồi nghe. Ngoài ra, cần phải có cơ chế cụ thể để tạo động lực cho giáo viên đổi mới, nỗ lực cố gắng”.

Cũng trao đổi ý kiến về “giải pháp giáo viên”, thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), đề nghị cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên với lộ trình cụ thể; xây dựng cơ chế đánh giá cán bộ, giáo viên một cách thực chất chứ không chỉ qua trình độ đào tạo, có những quy định chặt chẽ hơn trong việc giáo viên tự bồi dưỡng để đạt yêu cầu cần thiết.

Cô Lê Thị Oanh, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, đề xuất nên thành lập các nhóm phụ trách tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, nhóm phản biện đổi mới giáo dục ngay trong mỗi trường, để làm nòng cốt chuẩn bị cho việc đổi mới.

Tiếp ý kiến này, ông Nguyễn Hữu Độ cũng cho rằng nên kết hợp theo từng cụm trường để tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong việc đổi mới chương trình. Theo đó, giáo viên trường này có thể sang dạy hoặc tập huấn cho trường kia.

Trao đổi thêm tại hội thảo, ông Đỗ Đức Thái cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới thiết kế cho nhiều năm sau, nên không thể có tư tưởng chỉ xây dựng những gì “vừa vặn” với điều kiện hiện có, mà cần tính toán để phù hợp với yêu cầu phát triển. Những điều kiện để đáp ứng yêu cầu của chương trình sẽ phải có lộ trình chuẩn bị, và đây không chỉ là việc của riêng ngành GD-ĐT.

Giáo viên toán, văn sẽ rất vất vả!

Theo thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới, môn toán và văn chiếm thời lượng 18,75%/môn so với tổng thời lượng chương trình, không thay đổi là bao so với chương trình cũ.

Tuy nhiên, để đáp ứng đúng yêu cầu của rất nhiều điểm mới trong chương trình, giáo viên hai bộ môn này sẽ khá vất vả trong việc vừa theo bồi dưỡng, vừa tự học, vừa thực hiện…

VĨNH HÀ