29/11/2024

Dễ kiện tụng khi làm sách gia phả

Kiện tụng nội dung trong sách làm về lịch sử dòng họ, sách bị sai sót… vẫn là những hiện tượng còn tồn đọng trong giới xuất bản Việt thời gian qua.

 

Dễ kiện tụng khi làm sách gia phả

Kiện tụng nội dung trong sách làm về lịch sử dòng họ, sách bị sai sót… vẫn là những hiện tượng còn tồn đọng trong giới xuất bản Việt thời gian qua.



Các hội sách luôn thu hút người đọc
 /// Ảnh: Gia Khiêm

 

Các hội sách luôn thu hút người đọcẢNH: GIA KHIÊM

Quy định chặt hơn khi làm sách gia phả
Nhiều đơn vị xuất bản đã cùng ngồi lại, tổng kết những kết quả và thiếu sót của ngành tại hội nghị tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 diễn ra sáng 18.4 tại TP.HCM do Cục Xuất bản, in và phát hành, Hội Xuất bản VN tổ chức.
Theo bà Mai Thị Hương (Trưởng phòng Quản lý xuất bản Cục Xuất bản, in và phát hành), các đơn vị xuất bản khi làm sách về lịch sử dòng họ cần chú ý vì loại sách này rất thường bị kiện tụng, gây mệt mỏi kéo dài cho cả nhà xuất bản (NXB) lẫn cơ quan quản lý. Nguyên nhân chủ yếu là những người trong các chi thuộc dòng họ không thống nhất một số nội dung sách đã in, bất bình lẫn nhau, hoặc so bì tầm quan trọng của từng chi trong các dòng họ… Có những đơn kiện vì thể loại sách này gửi đi khắp nơi, thậm chí lên tận Bộ Công an hoặc Quốc hội. “Tất nhiên còn nhu cầu làm dòng sách lịch sử dòng họ thì sách vẫn phải làm ra nhưng cần chú ý, cẩn thận trong quá trình làm sách vì thông tin của họ rất đa chiều”, bà Hương nói.
Một số đại diện đơn vị xuất bản hiến kế cần có những quy định chặt chẽ hơn trong hợp đồng bản quyền ký với người đại diện của dòng họ, cam kết nội dung trong sách do đại diện dòng họ cung cấp, cần được đại đa số người trong dòng họ chấp thuận, đảm bảo không thắc mắc, kiện tụng sau này.
Đầu năm 2016, nhiều độc giả đã phản ánh một chiêu lừa mới về việc chào bán sách gia phả dòng tộc qua điện thoại dưới mác nhân viên bán sách của NXB. Nhiều độc giả mừng rỡ muốn tìm hiểu về dòng tộc mình, đã chuyển tiền để mua sách nhưng không hề nhận được sách, hoặc sách nhận được là loại “treo đầu dê bán thịt chó”, không phải là sách về dòng tộc nhà mình. Thay vào đó là cuốn Sổ tay hướng dẫn ghi chép gia phả, dòng tộc & Phong tục tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, do NXB Hồng Đức ấn hành, không hề liên quan đến dòng tộc của người mua. Nhiều người họ Nguyễn, họ Trần… thậm chí cả người viết bài, cũng từng nhận được nhiều cú điện thoại mời mua sách về dòng họ mình, hoặc xin quyên góp tiền để có được cuốn sách về dòng họ mình.
Dễ kiện tụng khi làm sách gia phả - ảnh 1

Cuốn sách này thường bị đối tượng lừa đảo dùng bán qua điện thoạiẢNH: TƯ LIỆU

Sách sai sót vẫn còn nhiều
Tính đến ngày 16.2.2017, Cục Xuất bản, in và phát hành đã xử phạt hành chính 235 triệu đồng, tiêu hủy 2.513 xuất bản phẩm các loại. Sở TT-TT các tỉnh thành trong cả nước đã xử phạt hơn 260 triệu đồng, tịch thu 4.593 xuất bản phẩm trái phép và vi phạm các loại.
Trao đổi với đại diện các NXB, được biết phần lớn những đơn vị liên kết xuất bản bị xử phạt đều vi phạm các hình thức như: xuất bản không đúng với xác nhận đăng ký, tự ý bán sách khi chưa nộp sách lưu chiểu, hoặc nộp lưu chiểu nhưng chưa có quyết định phát hành, xuất bản khi chưa có hợp đồng bản quyền với tác giả…
Việc xếp hàng chờ đợi lấy giấy phép, chờ thẩm định được phát hành nhiều khi cũng kéo dài mất cả tháng khiến không ít đơn vị xuất bản sốt ruột vì sách đã về kho nửa tháng nhưng không được bán ra thị trường. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều đơn vị liên kết xuất bản liều lấy sách ra phát hành trước mà không đợi giấy phép phát hành.
Ông Nguyễn Huy Hải – Giám đốc Huy Hoàng Bookstore, chi nhánh phía nam – thẳng thắn: “Khoảng 30 ngày để một bản thảo đã biên tập hoàn chỉnh được cấp giấy phép đi in hay 15 ngày nộp lưu chiểu để một cuốn sách đã in hoàn tất nhận được giấy phép phát hành là hơi lâu. Nên chăng, tìm cách rút ngắn thời gian này lại để các đơn vị làm sách thuận tiện hơn trong kế hoạch kinh doanh của mình”.
Theo bà Mai Thị Hương, trong số sách bị lỗi vi phạm có nhiều sách biên tập cẩu thả, sai sót về câu chữ, chính tả, kiến thức, thiếu sự chuẩn mực. Báo cáo thống kê của Cục Xuất bản, in và phát hành nêu rõ, sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành mắc nhiều lỗi như trên. “Cần có quy trình chặt chẽ, tuân thủ đúng thì sẽ giảm sai sót.”, bà Hương nói.
Năm 2016, cả nước đã in 29.390 đầu sách với hơn 328 triệu bản in, đạt doanh thu 3.918 tỉ đồng (tăng 10% so với năm 2015). Sách bán chạy vẫn tập trung ở dòng sách văn học, sách kỹ năng dành cho giới trẻ. Các tác giả có sách bán chạy hiện nay là Nguyễn Nhật Ánh, Hamlet Trương, Tuệ Nghi, Anh Khang…
Ý kiến:
“Số lượng đăng ký xuất bản sách điện tử (ebook) ở VN đã bị chững lại sau 10 năm phát triển, doanh thu sụt mạnh. Các tác giả lớn không mặn mà tham gia do sợ bị mất bản quyền tác phẩm. Các đơn vị xuất bản làm sách điện tử cần đặc biệt chú ý nâng cao vấn đề bảo mật, nếu không việc phát triển ebook ở VN sẽ bị mất sự bứt phá”.
Ông Nguyễn Kiểm (Chủ tịch Hội Xuất bản VN)
“Nhiều đầu sách văn học, thiếu nhi bán mạnh trên thị trường là tín hiệu tích cực, tăng doanh thu 80%. Tuy nhiên, xu thế chung là các đơn vị xuất bản tư nhân thì phát triển, còn các NXB nhà nước lại èo uột”.
Ông Lê Hoàng (Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN)
“Cần đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa sách giáo khoa, giúp lành mạnh hóa thị trường, tránh tình trạng độc quyền, phát hành của NXB Giáo dục làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung và gây khó khăn trong việc phục vụ khách hàng vào mỗi năm mới”.
Đại diện Fahasa

 

Lucy Nguyễn