29/11/2024

Cần chú ý đến sự khác biệt văn hoá – xã hội

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, dự thảo được biên soạn theo hướng tiếp cận khác với trước đây.

 GÓP Ý CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI:

Cần chú ý đến sự khác biệt văn hoá – xã hội

 

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, dự thảo được biên soạn theo hướng tiếp cận khác với trước đây.

 

 

 

Cần chú ý đến sự khác biệt văn hóa - xã hội
Học sinh lớp 7A1 Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM trong giờ học môn vật lý với tài liệu dạy học vật lý do Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trước đây, chương trình GDPT cũ được biên soạn theo hướng tiếp cận nội dung. Những người biên soạn xuất phát từ hệ thống kiến thức của môn học, chọn ra từ đó những kiến thức được cho là cần thiết đối với học sinh phổ thông để đưa vào chương trình.

Còn lần này nhóm biên soạn chương trình theo hướng tiếp cận năng lực mà theo đó, nhóm biên soạn xác định những phẩm chất và năng lực cần hình thành, phát triển ở học sinh và từ đó nhóm biên soạn đã đưa ra “chân dung” của người học sinh theo chương trình GDPT mới là những người sẽ có “6 phẩm chất, 10 năng lực”.

Chúng tôi không đi sâu vào phân tích những phẩm chất và năng lực ấy là phù hợp hay không cũng như không bàn đến các môn học mà dự thảo đã nêu ra.

Ở đây, chúng tôi cho rằng một trong những vấn đề cần tính đến khi thiết kế chương trình GDPT mới đó là cần phải tính đến những khác biệt về kinh tế – văn hóa – xã hội của các vùng miền, bởi năng lực hay khả năng tiếp nhận của học sinh ở những vùng miền có điều kiện kinh tế – văn hoá – xã hội khác nhau sẽ hoàn toàn khác nhau.

Tức là khi thiết kế, biên soạn chương trình, chúng ta phải hình dung được trước mắt chúng ta là nhiều nhóm học sinh khác nhau chứ không chỉ có một loại học sinh.

Quả vậy, khi phân tích nội dung sách giáo khoa, mà cụ thể là bộ sách giáo khoa tiếng Việt bậc tiểu học thuộc chương trình GDPT hiện hành, chúng ta dễ dàng nhận thấy nội dung, cách hành văn, câu chữ, hình ảnh minh họa… thể hiện đậm đặc những đặc trưng của văn hóa – xã hội vùng Bắc bộ.

Mặc dù lâu nay chưa có công trình nghiên cứu so sánh nào, nhưng chúng ta sẽ hình dung việc tiếp cận nội dung chương trình của bộ sách giáo khoa này nơi các em học sinh thuộc các vùng miền khác như vùng Nam bộ sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì chúng xa lạ, không gần gũi với đời sống văn hóa, xã hội của vùng này.

Điều này không có nghĩa là 63 sở GD-ĐT của 63 tỉnh, thành cùng đăng ký tổ chức biên soạn sách giáo khoa cho riêng mình mà chỉ cần vài bộ sách giáo khoa tương ứng với từng vùng kinh tế – văn h - xã hội là đủ.

Do đó, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc TP.HCM tiến hành việc biên soạn bộ sách giáo khoa riêng cho thành phố, dựa trên những năng lực và phẩm chất được yêu cầu của chương trình GDPT mới, bởi nội dung của nó sẽ phù hợp với đặc điểm văn hoá – xã hội của thành phố nên sự tiếp nhận nội dung của nó sẽ dễ dàng hơn cho các em học sinh ở thành phố này.

Và nếu TP.HCM biên soạn xong bộ sách này thì các tỉnh, thành khác hoàn toàn có thể dùng chung nếu xét thấy chúng phù hợp với địa phương mình chứ không nhất thiết phải biên soạn sách giáo khoa riêng.

“Khi thiết kế chương trình, điều quan trọng không phải chỉ là xác định các năng lực, phẩm chất cần có hay các môn học ở từng cấp học mà là nội dung chương trình giảng dạy, cụ thể là nội dung sách giáo khoa phải được biên soạn sao cho tương thích với các đặc trưng kinh tế – văn hoá – xã hội của từng vùng miền.

 
LÊ MINH TIẾN