10 “bí quyết” sống vui
Trong cuộc sống hiện tại, khi con người phải đối mặt với nhiều lo toan và áp lực của môi trường sống, trạng thái căng thẳng rất dễ gặp phải. Để quẳng gánh lo, vui sống phải làm sao?
10 “bí quyết” sống vui
Trong cuộc sống hiện tại, khi con người phải đối mặt với nhiều lo toan và áp lực của môi trường sống, trạng thái căng thẳng rất dễ gặp phải. Để quẳng gánh lo, vui sống phải làm sao?
Vận động cơ thể bằng nhiều cách sẽ làm khoẻ mạnh hơn và kiểm soát được cuộc sống của chính mình – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Các chuyên gia tâm lý, y tế đã chia sẻ 10 biện pháp giúp sống vui.
1. Cải thiện lịch trình ngủ, giúp giảm căng thẳng, vì giấc ngủ ảnh hưởng đến trí nhớ, sự phán đoán và tâm trạng. Nghiên cứu cho thấy hầu hết người Mỹ sống hạnh phúc, khoẻ mạnh, nhớ dai hơn nếu họ ngủ thêm 60-90 phút mỗi đêm.
Hầu hết mọi người cần 7-9 giờ mỗi ngày để ngủ ngon giấc. Đừng ngủ 5 giờ một ngày trong tuần, sau đó ngủ 10 tiếng mỗi ngày vào cuối tuần, sự mất cân bằng này sẽ làm mệt mỏi hơn.
2.Suy nghĩ tích cực. Theo các nhà tâm lý học, những người bi quan thường đối mặt với những thất bại và thách thức kém hơn những người lạc quan.
Nên suy nghĩ về ít nhất 3 hành động tốt mà chúng ta đã thực hiện được trong ngày, tốt cho bản thân, gia đình hoặc cộng đồng, điều này sẽ giúp nhắc nhở bản thân về tất cả các yếu tố tích cực trong cuộc sống ngay cả khi chúng ta đang cảm thấy căng thẳng.
3. Đọc sách và cười nhiều hơn, đây là liệu pháp tuyệt vời để giúp thư giãn tâm trí và tăng kiến thức. Các nghiên cứu cho thấy chỉ cần 6 phút đọc sách có thể giúp giảm 2/3 mức độ căng thẳng.
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng chỉ cần mỉm cười cũng tiết chất endorphin có thể cải thiện tâm trạng, làm cho ta cảm thấy hạnh phúc hơn.
4. Ăn uống lành mạnh, hợp lý là chìa khoá để giảm căng thẳng.
– Chuẩn bị bữa sáng lành mạnh. Bữa ăn sáng thực sự quan trọng nhất trong ngày, vì vậy hãy dành thời gian để ăn các loại ngũ cốc lành mạnh, protein, các rau quả.
Cố gắng cân bằng 3 bữa trong một ngày, không bỏ bữa bất kể công việc bận rộn hoặc căng thẳng như thế nào sẽ giúp ổn định thói quen, cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
– Ăn thêm các món ăn nhẹ lành mạnh để giữ năng lượng trong suốt cả ngày như một trái táo, chuối hoặc vài hạt hạnh nhân. Giảm thiểu lượng caffein và đường ăn vào.
– Bổ sung các loại thảo mộc hoặc trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà từ dây nhãn lồng.
– Mùi thơm từ thảo dược hoa oải hương. Tẩm 1 tí vào chăn hoặc gối để ngủ ngon hơn. Nhân sâm, mật ong, ngậm 1 lát nhân sâm tẩm mật ong mỗi ngày giúp tinh thần phấn chấn, tăng cường tư duy tích cực.
5. Tập thói quen hít thở sâu, đây là phản ứng thư giãn chống lại stress. Hít thở sâu sẽ thúc đẩy sự trao đổi oxy đầy đủ giúp làm chậm nhịp tim và ổn định huyết áp. Tìm nơi yên tĩnh, thoải mái để ngồi hoặc nằm xuống.
Hít một hai hơi bình thường, sau đó hãy hít một hơi thật sâu, hít thở từ từ qua mũi, phổi, ngực và bụng căng đầy. Hãy để bụng mở rộng đầy đủ.
6. Xác định nguyên nhân gây căng thẳng. Liệt kê mọi thứ có thể góp phần gây căng thẳng. Tìm phương án giải quyết tránh để căng thẳng dồn nén. Đánh giá lại các mối quan hệ cá nhân. Chia sẻ cởi mở với bạn bè, người thân có thể nhận được sự giúp đỡ hoặc những lời khuyên có giá trị.
7. Chủ động – đặc biệt quan trọng. Tập tính chủ động trong cuộc sống, trong công việc, kiểm soát suy nghĩ và hành vi của bản thân.
– Lập ra danh sách những điều nhỏ nhặt hằng ngày có thể làm “đau đầu”, hãy giải quyết nhanh chóng để chấm dứt.
– Lên kế hoạch những công việc hằng ngày, hằng tuần. Việc làm có tổ chức, được chuẩn bị trước thường giúp cho ta kiểm soát được suy nghĩ.
– Thỉnh thoảng nên đổi mới không gian sống của mình, loại bỏ những vật dụng không cần thiết nữa (như quần áo cũ, đồ điện tử, đồ gia dụng cũ) và sắp xếp lại sao cho tiện lợi hơn. Cố gắng duy trì một không gian sống có tổ chức và sạch sẽ.
– Tăng sự kiểm soát bản thân, hãy tập nói “đồng ý” hoặc “không đồng ý” đúng lúc đúng nơi, nên phân biệt giữa “nên” và “phải”. Hãy suy nghĩ về những gì bắt buộc phải làm và ưu tiên hơn những việc chưa cần thiết.
8. Đi massage. Liệu pháp này giúp làm giảm căng thẳng. Đây là một cách tuyệt vời để thư giãn và giảm thiểu căng thẳng thể chất, tinh thần.
9. Thiền định. Các bài tập thiền là những cách để chú ý đến giây phút hiện tại, giúp mọi người điều chỉnh cách suy nghĩ, cảm nhận về những trải nghiệm của bản thân. Chỉ 20 phút mỗi ngày để thiền có thể làm giảm căng thẳng rất nhiều.
Chỉ cần tìm một chỗ ngồi thoải mái ở một nơi yên tĩnh, xếp bằng, đặt tay trên đùi, nhắm mắt lại và tập trung vào hơi thở của bạn. Làm sạch tâm trí của bạn về bất kỳ suy nghĩ tiêu cực hoặc căng thẳng. Thử ngồi thiền ngay sau khi thức dậy hoặc trước khi đi ngủ.
10. Không thể thiếu liệu pháp tập thể dục. Chỉ cần 30 – 45 phút tập thể dục 3 lần trong một tuần.
Có thể tham dự một lớp yoga hoặc chạy bộ 5-10 phút, đi bộ đường dài hay bơi lội khoảng 1 dặm trong hồ, chơi bóng rổ hoặc bóng chuyền đều giúp cơ thể giải phóng endorphin, hoá chất kích hoạt những cảm giác tích cực, làm sạch mọi ưu tư phiền muộn trong suy nghĩ, giúp giảm đau các khớp và cơ.
Dành thời gian với những người có tư duy tích cực trong cuộc sống. Nên tránh tương tác với những người thường xuyên làm mình căng thẳng. |