29/11/2024

Dạy để người học có cần câu cơm

GS Đỗ Đức Thái chia sẻ: Điều mà chúng ta phải quan tâm chính là học xong rồi có thể làm được gì cho cuộc đời về sau. Có thể hiểu nôm na rằng chúng ta dạy học để người học có cái cần câu cơm…

 

Dạy để người học có cần câu cơm

GS Đỗ Đức Thái chia sẻ: Điều mà chúng ta phải quan tâm chính là học xong rồi có thể làm được gì cho cuộc đời về sau. Có thể hiểu nôm na rằng chúng ta dạy học để người học có cái cần câu cơm… 




Học sinh lớp 9 Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM) trong giờ học môn toán /// Ảnh: Đ.N.T

Học sinh lớp 9 Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM) trong giờ học môn toánẢNH: Đ.N.T

Theo các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm “Làm sao có sách toán tốt cho học sinh” được tổ chức tại Hà Nội ngày 15.4, muốn có một chương trình và sách giáo khoa tốt thì điều quan trọng nhất là phải kết nối được những tri thức trong sách với cuộc sống.
Chương trình học phải kết nối với cuộc sống
GS Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Toulouse (Pháp), cho rằng điểm yếu của học sinh (HS) VN khi học toán là khả năng suy nghĩ thuật toán rất kém. Điều quan trọng là tìm cách tiếp cận vấn đề thì HS lại có xu hướng giải quyết theo khuôn mẫu. Khi gặp một bài toán tương tự bài đã giải thì làm rất tốt, chệch ra một chút là “chết”. Đây là vấn đề của nền giáo dục, khuyết điểm này tồn tại ngay trong nhóm HS đỉnh cao. Có những bài không khó nhưng HS VN không lấy được điểm nào bởi “dạng” bài lạ. Trong khi đó, trong toán cũng như trong cuộc sống luôn xảy ra những vấn đề không giống trong sách. Vì thế, điều quan trọng trong việc dạy học môn toán là hướng dẫn HS cách tiếp cận vấn đề khi đối mặt với bất kỳ câu hỏi nào.
Theo GS Dũng, từ kinh nghiệm thực tiễn có thể rút ra bài học cho việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa (SGK) mới. Với chương trình hiện tại, về mặt kiến thức thì không hẳn là quá tải, nhưng xã hội cứ đòi giảm tải là vì họ không thấy sự liên quan của những kiến thức trong sách với cuộc sống.
PGS-TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, cho biết SGK hiện hành tuy cũng có một số nội dung gắn với thực tiễn nhưng thời lượng dạy học ít, lại là những nội dung không bị hỏi đến trong các cuộc thi nên thường bị bỏ qua. “SGK có các chương thống kê, xác suất nhưng giáo viên thường để cho HS tự học. “Tự học” nghĩa là sẽ không có kiểm tra, mà với HS khi không bị kiểm tra thì các em cũng sẽ tự động bỏ qua”, bà Thơ chia sẻ. Theo bà Thơ, đây là một thách thức với việc làm chương trình, viết SGK mới.
GS Đỗ Đức Thái, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chủ biên môn toán chương trình mới, cũng cho rằng chương trình môn toán không thể giảm tải, bởi nếu giảm là tự chúng ta kéo lùi sự phát triển so với thế giới. “Quá tải là do lối dạy của chúng ta, nhất nhất mọi động thái đều hướng tới thi cử”, GS Thái nhận xét.
Làm quen các vấn đề của kinh doanh khi học toán
Nhà giáo nhân dân Vũ Hữu Bình, tác giả những cuốn tài liệu tham khảo toán cấp THCS, cho rằng bộ SGK cấp THCS toán hiện hành đã có những thay đổi đáng kể theo hướng tích cực so với các bộ sách của những thời kỳ trước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều chỗ trình bày nặng nề, nhiều kiến thức bị phân khúc, tách rời, thiếu tính liên tục. Đặc biệt, do thiết kế của chương trình mà SGK còn thiếu một số nội dung cần thiết cho cuộc sống hiện đại như xác suất, thiếu những bài tập mang tính liên môn như vật lý, hoá học, tài chính ngân hàng.
Điều quan trọng nhất, chương trình và SGK toán phải phát triển được năng lực toán học của người học. Đây là một xu thế đang được thế giới ngày càng coi trọng. Học toán, HS không chỉ thu nhận được kiến thức toán mà còn hình thành các kỹ năng và phẩm chất cá nhân để giải quyết những tình huống liên quan đến toán học. Vì thế, chương trình – SGK toán không chỉ quan tâm năng lực tính toán mà phải quan tâm các năng lực tư duy, tự luận, giải quyết vấn đề, mô hình hoá toán học, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu… “Sách toán cần có nhiều ứng dụng của toán học trong đời sống thực tế và trong các môn học khác. Thông qua các đề toán, chúng ta cho HS làm quen với các vấn đề của kinh doanh như lỗ, lãi… cung cấp những thuật ngữ như đấu giá, cổ phiếu, cổ đông… giúp HS nâng cao hiểu biết về nền kinh tế xã hội của đất nước và khu vực”, ông Bình chia sẻ.
Theo GS Đỗ Đức Thái, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, để có một bộ SGK tốt, thực sự được giáo viên và HS cần, thì SGK phải làm sao trở thành một tài liệu mà học sinh có thể tự học. “Điều mà chúng ta phải quan tâm chính là học xong rồi có thể làm được gì cho cuộc đời về sau. Có thể hiểu nôm na rằng chúng ta dạy học không phải “vị toán học”, mà dạy học để người học có cái cần câu cơm. Họ sẽ câu cái miếng cơm hằng ngày trong cuộc đời cho họ và gia đình họ bằng kiến thức. Vậy cách tiếp cận đến nội dung kiến thức trong môn toán sẽ phải khác đi nhiều”, GS Thái chia sẻ.

 

Quý Hiên