Thể chế riêng cho đảo ngọc Phú Quốc
15/04/2017“Cần có thể chế riêng để Phú Quốc phát triển, dù đó là luật hay là nghị quyết của Quốc hội” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói như vậy trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang sáng 14-4 tại đảo Phú Quốc.
Thể chế riêng cho đảo ngọc Phú Quốc
“Cần có thể chế riêng để Phú Quốc phát triển, dù đó là luật hay là nghị quyết của Quốc hội” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói như vậy trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang sáng 14-4 tại đảo Phú Quốc.
Dự án xây dựng casino Phú Quốc đang khẩn trương thi công tại đảo ngọc Phú Quốc – Ảnh: HỮU KHOA |
“Dự kiến đặc khu Phú Quốc sẽ cần có khoảng 39,88 tỉ USD ưu tiên cho 5 nhóm công trình. Nguồn vốn này phân thành 2 giai đoạn từ nay đến hết năm 2030. Để có đủ tài chính sẽ phải huy động từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu là nguồn vốn xã hội hoá, vốn vay ODA cho các công trình dân sinh như xử lý nước thải, rác thải… và nguồn vốn đầu tư trung hạn của Chính phủ, nguồn cân đối của địa phương |
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định huyện đảo Phú Quốc sẽ là nơi đầu tiên trong cả nước áp dụng mô hình phát triển mới, là “ngọn cờ đi đầu” trong ba địa phương được chọn áp dụng mô hình đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Làm luật cho mô hình mới
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nói rằng quá trình chuẩn bị xây dựng đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc (gọi tắt là đặc khu Phú Quốc) kéo dài đã hơn 10 năm, qua nhiều lần điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, đến thời điểm này có thể nói đã bước vào giai đoạn xây dựng luật pháp để triển khai thực hiện.
Hiện tại, sau nhiều lần rà soát, còn lại các nhóm chính sách cần có cơ chế đặc thù gồm: tài chính, tiền tệ, ngân hàng; chính sách ưu đãi thuế; thu hút nguồn nhân lực; chính sách an sinh xã hội, bao gồm giáo dục – đào tạo, chăm sóc y tế…; chính sách về bất động sản và chính sách nhập cảnh, xuất cảnh và hoạt động của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Trong đó, quan trọng hàng đầu là chính sách thu hút nguồn nhân lực. Phải có chế độ đãi ngộ, chính sách nhà ở… đủ hấp dẫn để thu hút người có tài, có tầm nhìn và có tâm huyết chấp nhận gắn bó lâu dài với Phú Quốc.
“Không riêng về nguồn nhân lực, mà quan điểm phát triển chung cho đặc khu Phú Quốc là không đặt trong tương quan so sánh với các địa phương khác trong nước, mà phải đặt trong tương quan so sánh với khu vực và thế giới” – Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nói.
Ông Phạm Vũ Hồng – chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – cho biết đặc khu Phú Quốc sẽ đề xuất các nhóm cơ chế chính sách theo hướng mở, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới.
Vì thế về tổ chức bộ máy, ông Hồng đề xuất đặc khu Phú Quốc sẽ áp dụng mô hình nhất thể hoá cơ quan chuyên môn cấp uỷ đảng và chính quyền.
Trong đó, sẽ tổ chức bộ máy chính quyền một cấp đa ngành, đa lĩnh vực để tăng tính hiệu quả.
“Cụ thể, Đảng bộ đặc khu Phú Quốc sẽ trực thuộc Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, bí thư Đảng bộ đồng thời là chủ tịch đặc khu, giám sát UBND là HĐND đặc khu.
Dưới UBND có các cơ quan chuyên môn, dịch vụ hành chính công và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Chính quyền cấp xã, thị trấn hiện tại sẽ điều chỉnh thành các tiểu khu trực thuộc đặc khu.
Các đơn vị ngành dọc ở cấp tiểu khu gồm: công an, toà án, kiểm sát, kho bạc, hải quan, thống kê, bảo hiểm xã hội… được tổ chức phù hợp theo mô hình mới” – ông Hồng đề xuất.
Người dân phải được hưởng lợi
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một khi trở thành địa phương đi đầu trong áp dụng mô hình phát triển mới, thì nhiệm vụ đặt ra là hết sức khó khăn không chỉ cho Phú Quốc, cho Kiên Giang mà cho cả Chính phủ.
Chính vì vậy, cần tập trung trí tuệ vào những giải pháp thể chế và tổ chức có tính chất đột phá mở đường cho phát triển kinh tế và dân sinh.
Theo Thủ tướng, những đề xuất cốt lõi của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về phát triển Phú Quốc cần được thể hiện trong luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Bảo đảm những thể chế chính sách phải có tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Tức là cần có thể chế riêng để Phú Quốc phát triển, dù đó là luật hay là nghị quyết của Quốc hội.
Thủ tướng khẳng định để phát triển bền vững thì tầm nhìn và chất lượng quy hoạch là tối quan trọng.
Có diện tích xấp xỉ, nhưng dân số Phú Quốc mới chỉ bằng khoảng 2% dân số Singapore, chính vì vậy mà Phú Quốc có cơ hội to lớn để quy hoạch hiện đại, có tính đón đầu tiềm năng phát triển trong tương lai với tầm nhìn 30 năm, 50 năm…
Thủ tướng lưu ý đất đai của Phú Quốc phải được coi là nguồn lực quý báu và cần được sử dụng có hiệu quả nhất.
Việc sử dụng đất phải tính toán lâu dài, phải bố trí đất dự trữ cũng như đảm bảo dự trữ có hiệu quả quỹ đất cho phép phục vụ nhu cầu phát triển cho từng giai đoạn.
Vấn đề được Thủ tướng đặc biệt lưu ý chính là bảo vệ môi trường. Vấn đề nước thải, chất thải, vệ sinh môi trường, hệ sinh thái biển, đặc biệt là thực vật biển, rạn san hô… phải được giữ nguyên để Phú Quốc trở thành thiên đường nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.
“Những vấn đề nói trên đang đe dọa uy tín Phú Quốc. Hiện tại Phú Quốc mới có 10.000 phòng, nếu tăng lên 20.000 phòng lưu trú chắc chắn vấn đề môi trường đặt ra rất lớn. Môi trường biển và môi trường trên đảo có ảnh hưởng rất lớn, mất cái này là mất tất cả” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Chính phủ luôn khuyến khích đẩy mạnh phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, người dân địa phương phải tham gia tích cực làm du lịch và phải được hưởng lợi từ quá trình phát triển du lịch của Phú Quốc.
Về sinh kế, không để người dân đứng bên lề của sự phát triển. Cần gắn lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích của người dân địa phương.
Phải kết hợp giữa việc xây dựng công viên giải trí, bệnh viện với việc phục vụ người dân địa phương, kể cả việc phải để người dân tiếp cận các bãi tắm công cộng thuận lợi, không bị cản trở về mặt biển.
Người Việt được chơi trong casino ở Phú Quốc Về kiến nghị của chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thí điểm cho phép người Việt vào chơi trong khu nghỉ dưỡng giải trí phức hợp có kinh doanh casino ở Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ đã có nghị định chi tiết, vấn đề còn lại là Kiên Giang phải hoàn thiện thủ tục và cơ sở hạ tầng nữa là được. Thủ tướng cũng chấp thuận chủ trương cấp 4.000 tỉ đồng cho bệnh viện quy mô 1.000 giường của Kiên Giang. Chấp thuận chủ trương, đồng thời giao các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế để kéo điện lưới quốc gia ra đảo Hòn Thơm (Phú Quốc), đảo Nam Du (Kiên Hải); mở rộng đường Dương Đông – Cửa Cạn – Gành Dầu với tổng mức đầu tư gần 1.447 tỉ đồng từ nguồn giao đất khu vực sân bay Phú Quốc cũ… |