Cần phát triển năng lực cá nhân người học
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Xung quanh dự thảo này, nhiều giảng viên, giáo viên, chuyên gia giáo dục… đã có ý kiến đóng góp gửi về Tuổi Trẻ.
GÓP Ý CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI:
Cần phát triển năng lực cá nhân người học
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Xung quanh dự thảo này, nhiều giảng viên, giáo viên, chuyên gia giáo dục… đã có ý kiến đóng góp gửi về Tuổi Trẻ.
Một lớp ôn thi của các học sinh khối 12 Trường THPT Thành Nhân, Q.Tân Phú, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã đổi mới theo xu hướng của chương trình giáo dục các nước tiên tiến.
Tuy nhiên, theo tôi, sự đổi mới này chưa thật sự triệt để cho mục đích phát triển năng lực cá nhân người học. Xin đóng góp một số ý kiến về vấn đề này.
Cần phân hoá triệt để hơn
Lấy môn toán làm ví dụ. Chẳng hạn bắt đầu từ lớp 8, học sinh sẽ học môn toán với nhiều cấp độ khác nhau: toán 8-1, toán 8-2, toán 8-3… (sự phân hoá cụ thể ở từng lớp cần nghiên cứu kỹ hơn).
Theo tôi, chậm nhất là ở lớp 10 có sự phân hoá này. Học sinh phải học môn toán, còn lựa chọn học cấp độ nào tuỳ vào người học.
Một học sinh đam mê nghệ thuật, hội hoạ… có thể chọn môn toán cấp độ 1 và môn văn cấp độ 3 để phục vụ sở thích của mình.
Tương tự, học sinh yêu thích môn học khoa học tự nhiên sẽ lựa chọn môn toán ở cấp độ cao hơn và lựa chọn môn học khác với cấp độ cần thiết.
Trên tổng thể, để yêu cầu học sinh học đủ số môn cần thiết, chúng ta quy định hệ số cho từng môn và yêu cầu trong năm học học sinh phải đạt tổng số hệ số tích luỹ cần thiết.
Cách quy định hệ số các môn cũng nhằm phát huy năng lực từng cá nhân, đảm bảo cân bằng hệ số cho người học.
Ví dụ, một học sinh yêu thích toán sẽ chọn môn toán cấp độ cao, có hệ số cao hơn, khi đó hệ số các môn học khác sẽ ít hơn…
Lợi ích của việc phân hoá
Cách sắp xếp chương trình như hướng nêu trên sẽ giúp người học được chọn môn học mình yêu thích, theo đúng khả năng bản thân và rút ngắn thời gian để học sinh tiếp cận các nội dung cần thiết nhằm phát triển nghề nghiệp sau này.
Để việc phân hóa chương trình học cụ thể và hợp lý cần có những nghiên cứu, tham khảo chương trình từ các nước phát triển, có nền giáo dục tiên tiến để giải quyết các vấn đề như: nên phân cấp độ từng môn học từ lớp nào?
Phân bao nhiêu cấp độ cho từng lớp? Yêu cầu nội dung cho từng cấp độ ra sao? Phân hệ số như thế nào cho từng môn học?…
Sự thay đổi chương trình tổng thể của giáo dục phổ thông có ảnh hưởng toàn xã hội và hệ quả rất lâu dài với nhiều thế hệ học sinh. Vì vậy, chúng tôi thiết tha mong Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu kỹ lưỡng chương trình này trước khi áp dụng rộng rãi.
Nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia Theo tôi, việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia là rất đúng. Với cách thi cử như hiện nay thì học sinh rất dễ dàng đậu tốt nghiệp. Chỉ có những học sinh quá yếu hay những thí sinh vi phạm nội quy phòng thi, hoặc có những lý do ngoại lệ khác mới… rớt tốt nghiệp. Với tỉ lệ đậu quá cao như hiện nay, tốt nhất các trường nên tổ chức xét và công nhận tốt nghiệp khi các em học sinh hoàn thành chương trình. Những năm gần đây, số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT chọn con đường học nghề hay đi làm công nhân ngày càng nhiều. Nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia thì những em chọn con đường nói trên đỡ tốn thời gian, công sức và tiền bạc. Như dự thảo đã nêu, việc dạy và học theo chương trình giáo dục mới sẽ có nhiều đổi mới gắn liền với thực tế, nên việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia càng nên sớm áp dụng. Khi bỏ kỳ thi THPT quốc gia, theo tôi, còn có một lợi ích nữa là có thể điều chỉnh lại chất lượng việc dạy và học ngay từ cấp cơ sở. Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên có thể hạn chế bớt căn bệnh thành tích về tỉ lệ đậu đại học, không xem nhẹ những môn học không thi cử. Cần thực hiện nghiêm túc việc dạy và học đúng chương trình để học sinh không coi thường môn học, với những học sinh chưa đạt yêu cầu thì không nên công nhận tốt nghiệp. Có như vậy nền giáo dục nước nhà mới thật sự khởi sắc. |