17/01/2025

Lo nhân lực và cơ sở vật chất để làm

Đó là một trong những ý kiến đóng góp cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Hội Tâm lý giáo dục VN tổ chức hôm qua (13.4) tại Hà Nội.

 Góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể:

Lo nhân lực và cơ sở vật chất để làm

 

Đó là một trong những ý kiến đóng góp cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Hội Tâm lý giáo dục VN tổ chức hôm qua (13.4) tại Hà Nội.



Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có sự thay đổi lớn ở cấp THPT  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có sự thay đổi lớn ở cấp THPTẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Chương trình không một nước nào có !
Chương trình bị ám ảnh bởi các nghị quyết, chính sách và mục tiêu đào tạo nhân lực, vì vậy mà trở nên quá tham vọng. Ví dụ chương trình tiểu học có những môn như cuộc sống quanh ta, giáo dục lối sống, thế giới công nghệ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tự học có hướng dẫn… Thời lượng dành cho những mục này chiếm hơn 1/3 tổng thời lượng giảng dạy.
Ở tiểu học, chúng ta cho học sinh (HS) học những kiến thức sơ đẳng. Vậy làm thế nào cho HS hoạt động trải nghiệm sáng tạo? Làm thế nào để đào tạo giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm sáng tạo? Điều kiện vật chất có cho phép làm việc này không? Hoặc như ở chương trình THPT thì có môn giáo dục kinh tế và pháp luật, làm sao có thể dạy những cái đó ở cấp học này? Phải lồng những nội dung đó vào các môn học khác thì mới đúng.
Chúng ta có những sự nhầm lẫn trong mục tiêu phát triển nhân lực. Có thể học cách làm chương trình của Singapore, họ yêu cầu HS bắt buộc phải tham gia một trong các hoạt động ngoại khoá như: công nghệ, nghệ thuật… Việc đưa các hoạt động đó vào chính kh như chúng ta đang định làm thể hiện một tham vọng quá lớn nên phi thực tế.
Chúng ta đưa ra một chương trình mà tôi nghĩ không một nước nào có, vì không có đủ nhân lực và cơ sở vật chất để làm. Tôi không rõ trên cơ sở nào mà ban soạn thảo chương trình tổng thể lại đưa ra nhiều mục tiêu thế. Cách tiếp cận tốt nhất là học theo chương trình của những nước có hệ thống giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới.
GS Ngô Việt Trung
(Viện Toán học)
Khó xây dựng chính xác chương trình cho từng môn học
Cần thiết phải đưa vào hoặc ở lời nói đầu, hoặc ở một mục nào đó trong chương trình về thời gian (chẳng hạn trong 10 hay 20 năm) và phạm vi áp dụng chương trình. Phạm vi chương trình không thể áp dụng rộng rãi cho mọi vùng miền của đất nước. Các nước họ cũng có chương trình riêng cho từng vùng mà mức độ phát triển khác nhau. Vì thế, cần phải có chương trình riêng với các vùng miền đặc biệt.
Cần phải đưa thêm mục tiêu THCS là giúp HS lựa chọn hướng học. Sau khi học xong THCS, HS phải lựa chọn một trong 3 định hướng: học lên THPT, học trung học chuyên nghiệp, vào đời. Nếu không đưa nội dung này vào mục tiêu sẽ là thiếu sót.
Chương trình làm chưa thành công những quy định về phẩm chất và năng lực trong từng bộ môn. Với chương trình tổng thể này thì khó lòng xây dựng một cách chính xác chương trình cho từng môn học, sau đó rất khó cho tác giả viết SGK thể hiện đầy đủ ý muốn của người làm chương trình.
Không có sự thống nhất của các bộ môn, mỗi bộ môn phát triển hệ thống năng lực theo kiểu khác nhau. Chương trình tổng thể cần phải có quy định chặt chẽ để cho chương trình môn học có thể thể hiện đầy đủ yêu cầu của chương trình tổng thể.
Bùi Gia Thịnh 
(Nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục VN)
Trải nghiệm sáng tạo không phải là môn học
Chương trình xây dựng theo hướng mở nhưng chưa thể hiện được tính mở đó. Ví dụ, phần dành cho giáo dục địa phương chỉ được 5% tổng số tiết của chương trình thì cũng không hơn gì so với hiện nay.
Về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đây là một nội dung mới rất cần đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Nhưng phải trả lời dứt khoát trải nghiệm sáng tạo là một môn học hay là một phương pháp dạy học. Trong cách trình bày ở dự thảo thì đây là một môn học, như vậy là không đúng. Theo các tài liệu của thế giới thì trải nghiệm sáng tạo là một trong những hoạt động giáo dục, gần như là một phương pháp chứ không phải là một môn học. Chương trình phải thể hiện được sự thay đổi trong đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực, không phải chỉ đánh giá kết quả mà chính là quá trình học.
Về điều kiện thực hiện, căn bản nhất là trường phổ thông phải được tự chủ về chuyên môn, tài chính và nhân sự. Do vậy, phải có cơ chế tự chủ riêng cho trường phổ thông.
Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến 
(Nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT)
Băn khoăn về đội ngũ
Liên quan đến việc tự chọn môn học, dự thảo ghi nếu trường không đủ điều kiện tổ chức một môn học cụ thể nào đó thì HS có thể sang trường lân cận để học. Tuy nhiên, nếu ở những vùng mà cả huyện chỉ có một trường THPT thì sẽ giải quyết thế nào?
Với tư cách là người trực tiếp thực hiện, chúng tôi còn rất băn khoăn về vấn đề đội ngũ, thời gian khá gấp, chỉ còn hơn một năm nữa, nhưng vẫn không rõ phải chuẩn bị đội ngũ như thế nào để thực hiện chương trình mới.
Trần Trung Dũng 
(Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh)
Xem lại tính khả thi trong “chọn món”
Chương trình lớp 10 có tới 15 môn học bắt buộc; lớp 11, 12 cũng có tới 6 môn bắt buộc, 3 môn tự chọn bắt buộc. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có nên đưa vào bắt buộc hay không, có quá nhiều môn học bắt buộc. Việc chọn môn của HS sẽ được thực hiện ra sao, ví dụ có những môn chỉ vài ba HS lựa chọn thì khi đó các trường có đáp ứng được đến từng nhu cầu của rất ít HS không hay rồi các trường lại tuyên bố: trường tôi chỉ có 2 hướng cho HS lựa chọn, một là khoa học tự nhiên với lý, hóa, sinh; hai là khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân)…
Các trường THPT khi điều hành đội ngũ giáo viên cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bị động khi thực hiện cho HS chọn môn. Mỗi năm học số lượng HS lựa chọn khác nhau. Năm nay HS lớp 10 chọn nhiều các môn khoa học xã hội, nhà trường tuyển nhiều giáo viên các môn này, nhưng rồi sang năm HS đăng ký rất ít thì số giáo viên tuyển thêm như vậy sẽ dôi dư, các trường phải xử lý thế nào? Bài toán “chọn món” mà chúng ta đặt ra ở đây rất hay nhưng phải xem kỹ về tính khả thi của nó như thế nào, nếu không lại vẫn quay về như cách cũ.
Phan Thị Luyến 
(Hiệu trưởng Trường THPT Thực nghiệm, Viện Khoa học giáo dục VN)
Điều kiện thực hiện là thử thách lớn nhất của chương trình
Trao đổi với các đại biểu tham gia hội thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết: “Chúng tôi đã đọc hàng chục chương trình các nước thì nhận thấy có những nước đẩy rất xa theo hướng phát triển năng lực, chẳng hạn như Phần Lan, họ không tổ chức dạy học theo từng môn nữa mà là theo chủ đề, qua khám phá thực tế thì HS hình thành kiến thức kỹ năng. Nhưng họ rất phát triển rồi, còn mình thì không làm được như thế, mà vẫn phải coi trọng cả kiến thức từng môn và hình thành năng lực”.
Ông Thuyết cho rằng chủ trương ở tiểu học và THCS là giáo dục toàn diện và tích hợp. Còn lên đến THPT là phân hóa và tự chọn, phục vụ cho định hướng nghề nghiệp. Sau khi kết thúc chương trình giáo dục phổ thông thì HS có tự kiếm sống được không? Ví dụ, ngay ở THCS, HS đã được giáo dục về khởi nghiệp, về đạo đức kinh doanh. Lên THPT thì chẳng hạn mỹ thuật, âm nhạc cũng tổ chức dạy các học phần gắn với đời sống như thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa. Những HS học môn này, nếu không vào được ĐH thì có thể tiếp tục học thêm để đi theo những nghề này.
Theo ông Thuyết, SGK có thể nhập khẩu một số môn phù hợp với chương trình của VN, nhất là ngoại ngữ, khoa học tự nhiên nhưng chương trình thì rất khó nhập khẩu.
Ông Thuyết nhận định điều kiện thực hiện là thử thách lớn nhất của chương trình. Phải có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ở các cơ sở đáp ứng được yêu cầu và cơ sở vật chất thiết bị phải đảm bảo. Điều kiện thứ nhất, trách nhiệm thuộc về Bộ GD-ĐT. Cùng một đề án này, Bộ đã có một số đề án liên quan tới đổi mới đào tạo ở trường sư phạm. Ví dụ, để dạy tích hợp thì sẽ đào tạo giáo viên đa môn chứ không đơn môn như hiện nay. Phương thức đào tạo sẽ khác. Về cơ sở vật chất thì đây là trách nhiệm chung, đặc biệt là trách nhiệm của cấp ủy chính quyền địa phương. “Chúng tôi đã kiến nghị để triển khai chương trình này thì phải có một hội nghị toàn quốc mà người chủ trì sẽ phải là Thủ tướng”, ông Thuyết nói.
Cũng theo ông Thuyết, theo báo cáo của UNESCO và Ngân hàng Thế giới, tổng số tiết của HS VN trong suốt 12 năm học chỉ bằng khoảng 63 – 65% HS các nước phát triển, bằng 75% của Trung Quốc, 73% của Thái Lan. Các nước học 2 buổi/ngày, mình đến cả HS tiểu học nhiều nơi cũng còn chưa được học 2 buổi/ngày. Do đó, câu chuyện quá tải là rất khó tránh. Bởi vì cùng một lượng kiến thức như thế, nước ngoài học 2 buổi, mình một buổi. Nhưng chúng tôi vẫn đặt một trong những trọng tâm công việc của mình là chống quá tải.

Lo nhân lực và cơ sở vật chất để làm - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Giáo dục Việt Nam xếp hạng mấy?

Một giảng viên hỏi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: ‘Xã hội rất quan tâm đến giáo dục, nhìn đa chiều thì chất lượng giáo dục Việt Nam yếu hơn so với thế giới. Vậy so với châu Á thì giáo dục Việt Nam đang đứng hạng mấy?’.

 

Tuệ Nguyễn – Quý Hiên 
 (ghi)