14/01/2025

‘Thuốc’ nào đặc trị cách sống bàng quan?

Có không ít người nhận thức đúng đắn về trách nhiệm cá nhân của mình đối với người khác và lòng mong muốn được giúp đỡ người khác nhưng họ vẫn bàng quan với người cần giúp, làm sao để giảm tình trạng này?

 

‘Thuốc’ nào đặc trị cách sống bàng quan?

 Có không ít người nhận thức đúng đắn về trách nhiệm cá nhân của mình đối với người khác và lòng mong muốn được giúp đỡ người khác nhưng họ vẫn bàng quan với người cần giúp, làm sao để giảm tình trạng này?

 

 

 

'Thuốc' nào đặc trị cách sống bàng quan?
Cụ Trương Văn Lương (90 tuổi) được một bạn trẻ dắt qua đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong một nghiên cứu mới đây của GS Trần Thị Minh Đức và ThS Vũ Thị Huệ (trên 500 người dân Hà Nội) thu được như sau: hơn 95% người được hỏi cho rằng khi thấy phong thư dưới đất bên cạnh hòm thư thì sẽ nhặt bỏ vào hòm thư và khi thấy một chiếc áo mới bị rớt khỏi dây phơi thì họ tin rằng mình sẽ nhặt chiếc áo đó treo lên dây.

Tuy nhiên khi tiến hành thực nghiệm thì kết quả lại hoàn toàn khác: có 96,4% người đi qua nhìn thấy phong thư nhưng họ lại không làm gì cả, hoặc đứng đọc rồi bỏ đi, chỉ có 3,6% người đi qua nhặt thư và bỏ vào thùng thư.

Tương tự, kết quả thực nghiệm mà các tác giả thu được là chỉ có 26,6% số người nhìn chiếc áo rơi nên họ nhặt lên và có 73,4% số người bàng quan, thờ ơ với chiếc áo của người khác rơi dưới chân họ.

Phải chăng đó là tâm lý nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo của một bộ phận người Việt ta?

Đa số người Việt thường trọng chữ tình nên họ có thể nhận thức đầy đủ về việc cần làm nhưng thực tế họ lại không làm như vậy, nhất là những hành vi hằng ngày, những sự việc không quá nghiêm trọng.

Có không ít người thường cho rằng khi giúp người, nhặt của rơi… thì dễ bị hiểu nhầm là người xấu (như ăn cắp), hoặc có thể bị coi là liên luỵ, bị ăn vạ. Cũng có người lý giải là mình đang bận không thể giúp, không có mình thì chắc chắn sẽ có người khác đứng ra giúp đỡ…

Thật ra, đó chỉ là một cách biện hộ cho hội chứng “mackeno” (mặc kệ nó). Kiểu sống bàng quan, thờ ơ, vô cảm đó thể hiện sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Ở những nơi đông người nhất là thành thị, biểu hiện thờ ơ, vô cảm lại diễn ra càng nhiều bởi tâm lý cá nhân muốn tự bảo vệ bản thân mình trước những tác động phức tạp từ phía xã hội. Tâm lý muốn bảo vệ mình quá mức dẫn đến họ thường thu mình lại mà không sẵn sàng có hành động nghĩa hiệp với người cần được giúp đỡ.

Để bớt đi những cách sống bàng quan, vô cảm, cần lan truyền những nghĩa cử đẹp nhằm củng cố niềm tin. Trong mỗi gia đình, nghĩa cử rất nhỏ của cha mẹ như chia sẻ với hàng xóm khi được cậy nhờ, hoặc giúp đỡ người già neo đơn, làm việc thiện… sẽ là tấm gương để trẻ noi theo hơn hàng ngàn lời rao giảng.

Ở nhà trường, cần đặc biệt tăng cường giáo dục kỹ năng sống, thông qua những trải nghiệm thực tế cho học sinh như giúp đỡ người khuyết tật, phong trào thi đua làm việc thiện…

Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông cần làm tốt công tác tuyên truyền ý nghĩa thiết thực của các hoạt động từ thiện, nêu những gương người tốt trong chia sẻ, giúp đỡ người khác để củng cố niềm tin trong cộng đồng.

Các đoàn thể xã hội nên tổ chức thường xuyên các hoạt động hướng vào việc chia sẻ, giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn cũng như tăng cường tập huấn về kỹ năng sống cần thiết cho thế hệ trẻ, trong đó chú trọng về các kỹ năng giúp đỡ, bảo vệ người khác.

Nhắc nhau chuyện nhỏ trên đường

Sáng tuần rồi trên đường đi làm, nhìn thấy phía trước có một cô mặc áo dài chạy xe máy, tà áo dài phía sau tung lên tung xuống cứ như muốn cuộn vào bánh xe. Tôi cố chạy lên để nhắc cô dừng xe vén lại tà áo nhưng không cách nào được vì cô chạy xe nhanh quá. Tôi vừa chạy vừa quan sát, hi vọng những người đi ngang qua nhìn thấy sẽ nhắc cô.

Thế nhưng giờ cao điểm buổi sáng có lẽ ai cũng vội nên nhiều lượt người ngang qua mà tà áo dài vẫn cứ bay tứ tung làm cho tôi thấy bất an. May là khi đến ngã tư đèn đỏ, có một anh dừng xe bên cạnh cô quay sang chỉ chỉ, thấy cô quay qua vén lại tà áo, lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Không hiểu sao khi đi trên đường, mỗi lần nhìn thấy những người không quen biết nhắc nhở nhau những câu như: cài quai mũ bảo hiểm lại chị ơi, tắt đèn xinhan chú ơi, thùng đồ phía sau bị nghiêng sắp rớt rồi anh gì ơi, em bé ngủ gục phía sau kìa chị ơi…, dù toàn những chuyện không liên quan đến mình nhưng tôi thấy vui gì đâu!

Nhớ một lần đã lâu, khi chạy xe qua một bác lớn tuổi, tôi nhắc bác gạt chân chống lên. Vừa xong, thấy bác lại chạy qua tôi nhắc lại: “Xe cô cũng chưa gạt chân chống kìa!”. Ngó xuống, tôi thấy vừa mắc cười lại vừa… mắc cỡ!

Một người em họ của tôi đã từng bị gãy chân phải mổ đi mổ lại nhiều lần đến giờ thành có tật, nguyên nhân là bị té do tà áo mưa vướng vào bánh xe. Một người bạn của tôi cũng bị gãy chân vì ngã xe khi rẽ trái do quên gạt chân chống.

Cú té ngã của bạn còn liên luỵ đến người chạy phía sau do thắng không kịp tông vào, nhưng may người này chỉ bị hư xe và trầy xước nhẹ. Và cũng đã có người thiệt mạng chỉ vì quên những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng gây ra tai nạn không hề nhỏ này.

Mỗi khi ra đường, tôi luôn tự nhắc mình phải luôn cẩn thận cho bản thân và cho cả người khác. Và luôn quan sát những người chạy xe bên cạnh xem họ có quên gì để nhắc. Bởi vậy tôi cảm kích lắm khi nhìn thấy những người không quen biết nhắc nhở nhau những chuyện nhỏ trên đường.

Lê Ngọc Hạnh (Bình Dương)

NGUYỄN VĂN CÔNG