29/11/2024

“Tôi đã thông qua liên tịch”

Hai bài viết trên Tuổi Trẻ gần đây: “Im lặng là vàng?” và “Khi hội đồng sư phạm bình thản lặng im” đã nói rất đúng về câu chuyện dân chủ trong trường học hiện nay.

 

“Tôi đã thông qua liên tịch”

 Hai bài viết trên Tuổi Trẻ gần đây: “Im lặng là vàng?” và “Khi hội đồng sư phạm bình thản lặng im” đã nói rất đúng về câu chuyện dân chủ trong trường học hiện nay.

 

 

 

“Tôi đã thông qua liên tịch”

Những tiếng nói trung thực, xây dựng, trách nhiệm tại các cuộc họp hội đồng sư phạm, ban giám hiệu chỉ có thể có trong một nhà trường nhân văn. Và điều này được bắt đầu từ việc đào tạo người thầy.

Nguyễn Hoàng Chương

Hiện nay, chỉ vì lo chạy theo thành tích, một số ban giám hiệu (người cao nhất là hiệu trưởng) đã làm cho tinh thần “nói thẳng nói thật” trong các nhà trường lụi tàn, thậm chí giáo viên luôn cun cút làm theo phân công của lãnh đạo, không có bất kỳ sự phản biện, góp ý kiến nào. Đó là điều mà hai bài báo nói trên đã đề cập đến – “chấp hành cho nó lành”!

Tại ngôi trường tôi đang công tác cũng thế. Khang trang, rộng rãi, đủ điều kiện công nhận trường chuẩn quốc gia. Hiệu trưởng nhiệm kỳ trước đã bắt thầy trò hùn nhau mua 4, 5 cây sanh trồng dọc hai bên sân trường để lấy bóng mát và phù hợp với tiêu chí xanh – sạch – đẹp…

Đến thời hiệu trưởng khác lại bắt đào mấy cây sanh nọ trồng sát tường rào, và thay vào đó là một vài cây khác, cũng lấy cớ tạo bóng mát trong sân trường.

Ngoài cây cối, các khẩu hiệu trong trường (một trong những tiêu chí công nhận trường chuẩn) cũng bị thay đổi xoành xoạch, trước là hình lăng trụ đáy tam giác trình bày ba câu khẩu hiệu trên một trụ cắm bằng sắt, nay thì trụ phải bằng tuýp ống nước và chỉ hình chữ nhật hai mặt để hai câu khẩu hiệu.

Giáo viên nào cũng thấy cái vô lý của việc thay mới, vì các khẩu hiệu trước còn có thể sử dụng được trên chục năm nữa, nhưng có ai dám nói?

Hiệu trưởng lúc này đưa ra vỏ bọc an toàn là “Tôi đã thông qua liên tịch”. Mà liên tịch là những ai? Là những người thân cận nhất của hiệu trưởng.

Như vậy thì thử hỏi ai dám nói? Một khi ai đó mở miệng thì sợ mắc quai, từ đó đã hình thành khái niệm “im lặng là khôn”.

Rồi những việc tưởng như đơn giản khác như thu tiền quỹ hội phụ huynh học sinh, hiệu trưởng thường gán cho hội này chủ trương và mọi học sinh phải đóng sòng phẳng hằng năm… Dẫu biết rằng chuyện này sai mười mươi nhưng đố ai dám nói, vì theo lập luận của nhà trường là “nếu không thu thì lấy đâu ra mà chi”!

Còn nữa, riêng học sinh cuối cấp, trước khi ra trường phải có món quà gì đó “còn chút gì để nhớ” cho trường. Thường mỗi lớp phải mua thêm vài ba cái ghế đá, nên ít nhất mỗi em phải xin tiền phụ huynh vài chục ngàn đồng. Lớp nào góp nhiều nhất sẽ được thêm… điểm thưởng! Giáo viên không thấy chuyện đắng lòng này? Xin thưa, có thấy và thấy rõ mồn một, nhưng lại sợ cuối năm mình không được xếp tiên tiến, nên phải “khôn” mà thôi.

Hiệu trưởng chúng tôi còn có những “chiêu” lãnh đạo hết sức tài tình. Chẳng hạn trong việc thu tiền, hiệu trưởng thường để cuối giờ mới đưa ra chủ trương. Khi đưa ra xong, hiệu trưởng lo dọn dẹp giấy tờ sổ sách theo kiểu đã “gút” vấn đề, và thòng thêm câu nghe có vẻ dân chủ: “Các đồng chí có ý kiến gì không? Nếu không thì chúng ta nghỉ”… Như thế, việc hiệu trưởng được xem là “vua một cõi” chẳng sai tí nào!

Im lặng, giơ tay biểu quyết, thế là xong!

“Tôi đã thông qua liên tịch”

Đọc bài viết “Khi hội đồng sư phạm bình thản lặng im”, tôi rất tâm đắc. Phải chua chát thừa nhận: nhiều hội đồng sư phạm trong các nhà trường phổ thông hiện nay đều có chung cách ứng xử như thế. Im lặng, giơ tay biểu quyết, thế là xong!

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở hội đồng sư phạm, trong sinh hoạt ban giám hiệu cũng ít có những ý kiến phản biện, cả khi các phó hiệu trưởng không đồng tình với quyết định của hiệu trưởng. Xin kể ra dưới đây câu chuyện xảy ra tại một trường THPT.

Gần cuối năm 2012, thầy X được luân chuyển về làm hiệu trưởng tại trường THPT A. Cũng chỉ ba năm nữa là thầy nghỉ hưu, nên phải chăng vì vậy mà thầy muốn trường có những đổi thay mang dấu ấn của mình? Vậy là thầy X chọn thay đổi… vị trí cột cờ.

Mấy chục năm qua, cột cờ trường này ở giữa sân trường, thẳng tắp và là trung tâm để thầy cô và học sinh chào cờ mỗi sáng thứ hai hằng tuần. Thầy X đưa cột cờ sang vị trí mới, là treo lơ lửng ở tầng trên cùng của một dãy nhà (trường THPT A có ba dãy). Ai cũng ấm ức vì sự “đổi mới” này, nhưng tất cả đều im lặng.

Hơn ba năm sau, thầy X nghỉ hưu, một thầy phó hiệu trưởng của trường này lên làm hiệu trưởng, thầy lại chuyển cột cờ về vị trí cũ.

Tốn kém tiền bạc đã đành, nhưng điều mất mát lớn ở đây là phụ huynh, học sinh cứ thắc mắc sao trước đây khi thầy X có ý định chuyển cột cờ, chẳng có ai ngăn cản? Điều gì đã khiến họ “bình thản lặng im”? Né tránh, nhu nhược hay vì lợi ích của bản thân?

Chỉ ra nguyên nhân cùng biện pháp để xóa bỏ hiện tượng tiêu cực trong sinh hoạt hội đồng sư phạm, ban giám hiệu thật ra không khó. Vấn đề căn cơ ở đây thuộc về con người.

Có nhiều điều thầy cô giáo dục học sinh nhưng bản thân mình lại chưa thực hiện hoặc ít thực hiện. Chẳng hạn: tự học, đọc sách, trung thực, khoan dung, sáng tạo…, ngày nào cũng xuất hiện trong những bài giảng. Nhưng cũng chỉ “đóng khung” ở đấy mà thôi. “Kịch bản” trong mỗi tiết dạy, thầy – trò đều cảm nhận. Sự giả dối mặc nhiên được thừa nhận, đánh giá và tồn tại hết năm học này đến năm học khác.

Vẫn biết còn đấy những thầy cô, những hiệu trưởng trách nhiệm – năng lực – tâm huyết. Nhưng ngần ấy vẫn chưa thể làm thay đổi được về chất – những gam màu tối trong nhà trường phổ thông. Thực trạng quản lý – dạy học – giáo dục ở nước ta đã, đang và chắc rằng sẽ có nhiều cuộc điều tra, khảo sát một cách bài bản, có cơ sở khoa học vững chắc. Nhưng với những gì đã xảy ra thì việc “khi hội đồng sư phạm bình thản lặng im” và ban giám hiệu cũng thế là khá phổ biến.

Những thông tư, hướng dẫn thực hiện để tạo sự phát triển cho các cơ sở giáo dục thì có nhiều, nhưng cái gốc – văn hóa cá nhân và tổ chức đang là thách thức. Văn hóa cá nhân, văn hoá nhà trường luôn đòi hỏi một quá trình vun trồng phù hợp, khoa học, đồng bộ. Người thầy – sản phẩm của quá trình đào tạo, và ngay sau đó là chủ thể của một quá trình đào tạo khác. Cả hai quá trình ấy đều có nội dung xơ cứng, lạc hậu. Cứ chạy theo thành tích, đối phó, chỉ tiêu… thì văn hóa cá nhân – văn hóa nhà trường khó có thể phát triển.

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

LƯƠNG VĂN BÁ