02/11/2024

Phải tự thoát khỏi sự trì trệ

“Người có chung khát vọng sẽ tự tìm đến nhau”. Ba thầy cô giáo ở Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM nói vậy khi tìm đến nhau trên con đường nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học. Và họ cùng ngồi lại đẻ đối thoại với Tuổi Trẻ.

 

Phải tự thoát khỏi sự trì trệ

“Người có chung khát vọng sẽ tự tìm đến nhau”. Ba thầy cô giáo ở Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM nói vậy khi tìm đến nhau trên con đường nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học. Và họ cùng ngồi lại đẻ đối thoại với Tuổi Trẻ.

 

 

 

Phải tự thoát khỏi sự trì trệ
Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, thầy Nguyễn Minh Quý và thầy Hà Xuân Nhâm (từ trái sang) trong buổi trưng bày sản phẩm ứng dụng của học sinh Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội – Ảnh: Vĩnh Hà

Giáo viên phải tự thoát khỏi sự trì trệ. Nếu không thoát ra được khỏi sức ì này thì chúng tôi sẽ khó có thể thực hiện những ý tưởng đổi mới.

Thầy Nguyễn Minh Quý

Đó là thầy Hà Xuân Nhâm – hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), thầy Nguyễn Minh Quý – hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) và cô Nguyễn Thị Minh Ngọc – giáo viên dạy văn Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (TP.HCM).

Sau nhiều cuộc điện thoại và nhiều lần online thời gian dài, họ trực tiếp gặp nhau tại ngày hội sáng tạo của học sinh Trường THPT Phan Huy Chú vào đầu tháng 4-2017.

Vào Nam, ra Bắc tìm nhau

* Ở ba vùng miền khác nhau, điều gì khiến các thầy, cô tìm gặp nhau?

– Thầy Hà Xuân Nhâm: Khi Trường Phan Huy Chú trở thành trường THPT đầu tiên ở Hà Nội tự chủ tài chính, đi đôi với việc đó là phải nâng chất lượng dạy học, chúng tôi đã rất trăn trở. Những bài học áp đặt, giáo điều, xa rời thực tiễn đã trở nên nhàm chán đối với học sinh. Chúng tôi đã quyết định đưa cả giáo viên và một số học sinh vào Nam, tham quan một số mô hình giáo dục.

Trường Đinh Thiện Lý có khá nhiều đổi mới sáng tạo thú vị. Tôi biết cô Nguyễn Thị Minh Ngọc từ đó. Chúng tôi kết bạn, cũng là để học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau. Cô Ngọc ra Bắc lần này cũng giúp Trường Phan Huy Chú chuẩn bị tổ chức ngày hội sáng tạo của thầy trò, làm giám khảo trong cuộc thi sáng tạo của các em học sinh.

– Thầy Nguyễn Minh Quý: Tôi là hiệu trưởng phổ thông đầu tiên và cũng là duy nhất tới thời điểm này tại Hải Phòng được làm hiệu trưởng qua thi tuyển với đề án phát triển Trường THPT Trần Nguyên Hãn, trong đó đặt ra vấn đề xây dựng trường theo mô hình tự chủ tài chính.

Phải nói là rất khó khăn, vì điểm yếu của những trường theo mô hình công lập là sức ì quá lớn của đội ngũ quản lý, giáo viên. Vì thế tôi đi học hỏi.

Ban đầu, tôi cũng định vào Nam vì hi vọng sự năng động trong quản lý của các trường học phía Nam có thể giúp ích cho mình. Nhưng tình cờ tôi có người mách tìm đến Trường Phan Huy Chú. Vậy là tôi gặp được “người cùng chí hướng”.

– Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc: Làm việc trong ngôi trường có tư duy quản lý đổi mới, phụ huynh ủng hộ, điều kiện tài chính tốt nên tôi nhận thấy mình thuận lợi hơn các anh chị ở Hà Nội và Hải Phòng rất nhiều.

Cũng vì thế mà khi nhận lời đến Trường Phan Huy Chú giúp các thầy cô một số hoạt động, tôi rất cảm động vì ở đây khó khăn, cản trở rất nhiều, phải rất kiên trì và nhiều nhiệt tình, dốc sức cho trường, cho học trò mới có được những chuyển biến tốt như hiện nay. Gặp các thầy cô ở đây, tôi như trở về nhà.

* Một sự gặp gỡ rất đáng giá, nhưng như vậy liệu có phải những người có tâm huyết, dám đổi mới, dám đối mặt với khó khăn, thách thức rất ít không?

– Thầy Hà Xuân Nhâm: Những tố chất ấy tôi tin là có sẵn trong nhiều thầy cô giáo. Chỉ có điều chúng ta có tạo nên được một môi trường lành mạnh để nuôi dưỡng và thúc đẩy sự nỗ lực, tâm huyết của các thầy cô không thôi.

Thay đổi sức ì

* Các thầy cô chắc hẳn đã gặp rất nhiều cản trở khi thay đổi phương pháp giáo dục cho chính trường và chính mình?

– Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc: Tôi tham gia nhiều buổi trao đổi chuyên môn với giáo viên một số trường về hướng đổi mới trong dạy học, giáo dục, làm sao để tạo được môi trường, tình huống cho học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề khác nhau trong đời sống.

Tôi nhận thấy nhiều giáo viên trẻ rất hào hứng. Tôi lập Facebook “Học văn để sống” vừa là nơi để chia sẻ với các em học sinh ham thích nghiên cứu khoa học, trải nghiệm sáng tạo, cũng là để trao đổi, chia sẻ với giáo viên.

Một số giáo viên, nhà quản lý giáo dục lâu năm không tin cách tôi làm. Ngoài những người có quan điểm trái chiều, cũng có những giáo viên trong trạng thái trì trệ, không thích thay đổi, mạo hiểm.

* Vậy theo cô, với sức ì ở một số đông giáo viên cộng với tư duy quản lý lạc hậu, chúng ta khó tin vào một thay đổi tích cực mang tính đại trà?

– Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc: Tôi nhớ có một cặp vợ chồng giáo viên, người dạy lịch sử, người dạy địa lý. Họ cũng rất tâm huyết với việc thay đổi cách dạy học và đã chủ động liên hệ với tôi. Họ nói sẵn sàng bỏ tiền túi để giúp học sinh làm các dự án học tập, nhưng hiệu trưởng của họ lại không đồng ý vì lo lắng. Tuy vậy chia sẻ với tôi, họ vẫn nuôi ý định thuyết phục lãnh đạo để được thực hiện mong muốn của mình. Nhìn vào họ, tôi không thấy bi quan mà có niềm tin.

* Thưa thầy Quý, bên cạnh việc tìm được “những người cùng chí hướng”, thầy có phải đối diện với những khó khăn từ chính bất đồng quan điểm của đồng nghiệp?

– Thầy Nguyễn Minh Quý: Khi tiếp nhận vị trí đứng đầu một trường công lập thuộc top đầu thành phố, tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Những mong muốn đổi mới, điều chỉnh trong phân công dạy học, yêu cầu, đánh giá lao động đối với giáo viên không thể làm ngay trong ngày một ngày hai. Đặc biệt là khó có thể áp đặt, mà cần có những thay đổi từ từ, thay đổi về nhận thức trước rồi mới đến hành động.

“Chạy” để cùng đổi mới

* Vấn đề con người trong việc xây dựng chương trình có phải là yếu tố quyết định thành công không? Cụ thể ở trường các thầy cô, giải pháp để thay đổi các nhận thức lạc hậu, trì trệ như thế nào?

– Thầy Hà Xuân Nhâm: Có nhiều yếu tố tác động đến việc đổi mới nhưng trong phạm vi một trường học, đội ngũ giáo viên có đồng thuận hay không, có sẵn sàng tiếp nhận việc đổi mới hay không là yếu tố quan trọng. Và để có điều đó, việc sắp xếp, sử dụng lao động, cách đánh giá, ghi nhận đối với cán bộ, giáo viên phải tính toán lại. Trường tôi thực hiện từ nhiều năm việc để học sinh đánh giá cán bộ, giáo viên, nhân viên.

* Cách đánh giá này có vẻ “ngược” so với thông thường…

– Thầy Hà Xuân Nhâm: Vâng, ban đầu đây là việc cũng vấp phải những phản ứng do quan niệm cũ “chỉ có thầy đánh giá trò chứ trò không được phép đánh giá, phán xét thầy”. Đó là một trong những cách để đội ngũ giáo viên buộc phải chuyển động. Người không chịu đổi mới, sáng tạo sẽ trở nên lạc hậu.

– Thầy Nguyễn Minh Quý: Tôi áp dụng việc các kỳ đánh giá năng lực giáo viên được 4 lần từ khi tôi nhận vị trí hiệu trưởng. Tất cả giáo viên phải thực hiện các bài kiểm tra năng lực. Tôi cũng gặp những phản ứng của một số giáo viên. Nhưng tôi kiên quyết thực hiện việc này, ít nhất để giáo viên phải tự thoát khỏi sự trì trệ, phải suy nghĩ về việc cần thay đổi để đáp ứng những yêu cầu mới. Tôi xác định nếu không thoát ra được khỏi sức ì này thì chúng tôi sẽ khó có thể thực hiện những ý tưởng đổi mới. Nhưng cái được sau cùng là thúc mọi người “chạy” để cùng đổi mới.

Tinh giản chương trình

Để việc học tập hấp dẫn, thiết thực hơn với học sinh, theo các thầy cô, rào cản cần tháo gỡ là gì?

– Thầy Hà Xuân Nhâm: Điều chúng tôi đã và đang làm là tăng thời lượng cho học sinh được trải nghiệm sáng tạo, qua đó rèn luyện năng lực, nuôi dưỡng những cảm xúc lành mạnh, lối sống lành mạnh cho học sinh.

Để làm được điều này vô cùng vất vả. Làm sao vẫn đảm bảo chương trình theo chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu của Bộ GD-ĐT, đảm bảo cho học sinh cuối cấp đạt yêu cầu tốt nghiệp, thi ĐH nhưng vẫn có thể đưa vào các nội dung giáo dục thiết thực.

Việc điều chỉnh chương trình giúp chúng tôi lược giản những nội dung không cần thiết, xa rời với thực tế, tích hợp các môn học trong việc thực hiện các dự án học tập, hoạt động giáo dục có tác động tích cực hơn đối với học sinh.

– Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc: Tinh giản chương trình theo hướng lược bỏ các phần nội dung không cần thiết đã được Bộ GD-ĐT cho phép. Là người triển khai nhiều ý tưởng cho học sinh được học trải nghiệm sáng tạo, tôi thấy việc tôi và đồng nghiệp đã làm được chỉ khi nhà trường chủ động xây dựng chương trình chi tiết.

Trường Đinh Thiện Lý hiện nay đưa vào chính khoá tiết đọc sách từ lớp 6 đến lớp 12. Chúng tôi cũng đưa nghiên cứu khoa học thành một môn học chính thức trong chương trình. Tùy theo từng khối lớp, giáo viên phụ trách môn học sẽ đưa ra chương trình, kế hoạch cho năm học. Học sinh đăng ký theo nguyện vọng với sự hướng dẫn của giáo viên.

VĨNH HÀ thực hiện