02/11/2024

Thêm cao ốc vào trung tâm TP.HCM: Giải quyết giao thông ra sao?

Các cao ốc, trung tâm thương mại tiếp tục mọc lên ở khu vực trung tâm TP.HCM. Đâu là giải pháp chống ùn tắc giao thông tại khu vực này?

 

Thêm cao ốc vào trung tâm TP.HCM: Giải quyết giao thông ra sao?

 Các cao ốc, trung tâm thương mại tiếp tục mọc lên ở khu vực trung tâm TP.HCM. Đâu là giải pháp chống ùn tắc giao thông tại khu vực này?

 

 

 

Thêm cao ốc vào trung tâm TP.HCM: Giải quyết giao thông ra sao?
Đường Điện Biên Phủ nằm trong dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh – Ảnh: Hữu Khoa

Việc gia tăng nhà cao tầng đang khiến giao thông tại khu vực trung tâm TP.HCM ngày càng trở nên bế tắc. Trong khi đó, các dự án giao thông lại không theo kịp sự phát triển của đô thị.

Giải pháp tạm thời

Hiện nhiều tuyến đường trục chính khu trung tâm TP.HCM đang mọc lên các dự án cao ốc, trung tâm thương mại, toànhà văn phòng.

Trên đoạn đường Bến Vân Đồn kéo dài khoảng 1km, từ điểm giao đường Nguyễn Trường Tộ đến cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.4) hiện có 6 dự án nhà cao tầng đang thi công. Công nhân các dự án khẩn trương thi công kịp tiến độ bàn giao nhà. Một số block nhà đã xây xong phần thô, đang trong quá trình hoàn thiện.

 

Ở quận 1 và quận 3, hai bên tuyến đường Hai Bà Trưng và các đường ngang như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quốc Thảo, Lê Quý Đôn… cũng mọc lên nhiều cao ốc nhà ở, trung tâm thương mại, khiến nhiều tuyến đường ở đây kẹt xe liên tục…

Để giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm TP đang ngày càng nhiều cao ốc này, Sở GTVT TP đề xuất tổ chức đường một chiều cho cặp đôi đường Hai Bà Trưng – Phạm Ngọc Thạch và cặp đôi đường Lê Quý Đôn – Trần Quốc Thảo, mỗi đường sẽ cho một chiều xe lưu thông.

“Có thể đây là giải pháp tạm thời để giải quyết giao thông trước mắt” – một cán bộ của Khu quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết.

Tương tự, các cao ốc, trung tâm thương mại mọc lên ở đường 3 Tháng 2 và đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, Q.10) cũng sắp được đưa vào hoạt động khiến nhiều người lo ngại tình trạng kẹt xe tại vòng xoay Công trường Dân Chủ sẽ càng thêm nặng nề hơn.

Ông Trần Quang Lâm – phó giám đốc Sở GTVT TP – cho biết theo quy hoạch tại khu vực này sẽ thực hiện nhiều dự án như nâng cấp, mở rộng đúng lộ giới đường Cách Mạng Tháng Tám, xây dựng tuyến metro số 2, xây dựng cầu vượt tại ngã sáu Công trường Dân Chủ.

“Trong khi chờ các dự án này, Sở GTVT đề nghị chủ đầu tư cao ốc cần mở các đường nối các tuyến đường lân cận thay vì cho xe ra vào đường Cách Mạng Tháng Tám và 3 Tháng 2. Điều đó sẽ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến giao thông trên tuyến đường hiện hữu” – ông Lâm nói.

Thêm cao ốc vào trung tâm TP.HCM: Giải quyết giao thông ra sao?
Đường Hoàng Văn Thụ đoạn gần sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong dự án xây đường trên cao để giải quyết ùn tắc giao thông ở khu vực này – Ảnh: H.KHOA

Sớm đưa buýt sông, buýt BRT vào hoạt động

Nhằm giảm áp lực giao thông cho đường bộ khu trung tâm TP, UBND TP.HCM chỉ đạo cần sớm đưa hai tuyến buýt sông TP vào hoạt động trong tháng 6-2017, gồm tuyến số 1 Bạch Đằng (Q.1) – Linh Đông (Q.Thủ Đức) dài khoảng 10,8km, tuyến số 2 Bạch Đằng – Lò Gốm (Q.8) dài khoảng 10,3km.

UBND TP cũng chấp thuận bổ sung ba vị trí bến: bến tại khu đô thị Thủ Thiêm (Q.2), bến tại khu vực phường Trường Thọ (Q.Thủ Đức) và riêng bến tại khu vực Tân Cảng (Q.2) có kết hợp đầu tư xây dựng nhà đậu xe.

Tại buổi làm việc về 2 tuyến buýt sông nói trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: TP đồng ý bổ sung thêm dự án đầu tư tuyến số 3 (từ Bến Bạch Đằng đi Mũi Đèn Đỏ, quận 7) và tuyến số 4 (từ Bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng, quận 7).

Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (chủ đầu tư dự án), hiện đang tập trung thiết kế tuyến buýt nhanh BRT chạy tuyến đường Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ dài 23km.

Dự kiến đến cuối năm 2017 hoàn thành thiết kế, quý 2-2018 khởi công và năm 2019 đưa vào vận hành. Đây là tuyến xe buýt nhanh đi xuyên tâm TP qua các quận có mật độ đông dân cư Q.1, 5, 6, Bình Tân, H.Bình Chánh.

Ông Lê Quốc Bình – tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) – cho biết đến nay đơn vị vừa hoàn thành thiết kế xây dựng tuyến đường trên cao số 1 TP (từ đường Cộng Hoà – Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Phan Xích Long đến cầu Phú An) dài khoảng 9,5km, rộng 17,5m, cho bốn làn xe lưu thông.

“Nếu được TP chấp thuận giao CII làm nhà đầu tư, dự kiến sẽ khởi công đầu năm 2018 và hoàn hành sau 3 năm thi công” – ông Bình nói. Dự án đường trên cao số 1 đã được Sở GTVT TP xác định là một trong những dự án trọng điểm giải quyết ùn tắc giao thông trong khu vực nội ô TP.

Đầu tư 323.000 tỉ đồng giảm ùn tắc

Trả lời câu hỏi: “Trước sức ép của nhà cao tầng tăng lên, TP sẽ làm gì để kéo giảm ùn tắc giao thông?”, ông Trần Quang Lâm cho biết sở đã có kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông TP với kinh phí 323.000 tỉ đồng để thực hiện 171 dự án cho giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Đến nay, TP xác định khoảng 50% số vốn đầu tư gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA và vốn PPP (Nhà nước và tư nhân hợp tác). Như vậy, TP vẫn cần tìm khoảng 50% số vốn còn lại để hoàn thành các dự án trong thời gian 4 năm tới là hết sức khó khăn.

Theo Sở GTVT, trong năm nay thi công 48 công trình, trong đó tập trung giải quyết các khu vực ùn tắc giao thông nặng nề như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (có 6 dự án), khu vực cảng Cát Lái (11 công trình)…

NGỌC ẨN – D.N.HÀ – T.LONG